Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phát triển văn học, nghệ thuật trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nội dung này được Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nêu ra tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Hội nghị do Thành ủy TP.HCM tổ chức chiều 25-7.


Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội nghị

Chủ trì hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Hồ Hải cho biết thực hiện Nghị quyết số 23, Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 45 ngày 23-12-2008 nhằm cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp thực hiện Nghị quyết phù hợp tình hình thực tiễn, đưa văn học, nghệ thuật của TP phát triển đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Công tác phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật luôn được Đảng bộ và hệ thống chính trị TP quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng.

TP đã tạo được môi trường văn học, nghệ thuật năng động, sáng tạo và vô cùng phong phú, với hơn 5.000 văn nghệ sĩ đang hoạt động tại TP; cùng với hoạt động của Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật và 9 hội chuyên ngành, các trường chuyên ngành văn học, nghệ thuật, đơn vị nghệ thuật, hệ thống rạp chiếu phim…

Nhiều văn nghệ sĩ được trao tặng các danh hiệu, giải thưởng nhà nước cao quý, là nguồn tài nguyên văn học, nghệ thuật quý giá mà thành phố có được.

TP đã tạo ra rất nhiều tác phẩm từ văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật đến nhiếp ảnh, múa, kiến trúc… với những đề tài đa dạng để lại ấn tượng. Các hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, văn nghệ ngày càng bắt kịp xu thế, đã đưa được nhiều tác phẩm đến với công chúng, nhất là giới trẻ. Phong trào văn nghệ quần chúng tại TP có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.


Dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy tặng Bằng khen cho 21 tập thể và 37 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết  23

“Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP luôn trân trọng, ghi nhận, đánh giá cao vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ và luôn dành sự quan tâm cũng như những kỳ vọng cho sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật”, ông Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh; đồng thời ông đánh giá: “Qua gần 40 năm đổi mới, các văn nghệ sĩ TP luôn nhận thức rõ sứ mệnh cao quý, trách nhiệm của mình, không ngừng tìm tòi, âm thầm lao động, sáng tạo để trở thành những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, góp phần khẳng định giá trị của văn hóa, văn nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP”.

Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thành ủy TP, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 thời gian qua vẫn còn một số hạn chế.

Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật còn hạn chế. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn có lúc chưa kịp thời. Những hoạt động biến tướng chậm bị phát hiện, xử lý.

Công tác đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ còn nhiều bất cập, chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích hữu hiệu để thu hút các các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật. Các thiết chế văn hóa chưa phát huy hết công năng, chưa xây được những công trình lớn cho hoạt động văn hoá nghệ thuật, tương xứng với vị thế của TP.

Để công tác phát triển văn học, nghệ thuật của TP ngày càng hiệu quả, Phó Bí thư Thành ủy TP nghị các đơn vị tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, đặc trưng của văn học, nghệ thuật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật; nâng cao trách nhiệm quản lý trong việc thẩm định, đánh giá, quyết định, công bố, biểu diễn, phát hành các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật của TP phát triển ngang tầm với vị trí là một trung tâm của cả nước. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kinh phí cho phát triển văn học nghệ thuật. Tăng cường xã hội hóa, đẩy mạnh đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa. Rà soát, sắp xếp, nâng cao năng lực, chất lượng của các đơn vị nghệ thuật, các trường đào tạo văn học, nghệ thuật. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài đối với các năng khiếu, tài năng văn học, nghệ thuật để bổ sung nguồn giáo viên, giảng viên chất lượng cao.

Ông cũng yêu cầu xây dựng, phát triển nền văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, gắn với tiếp thu cái mới. Quan tâm chăm lo, đầu tư hơn nữa đến văn nghệ sĩ, nhất là văn nghệ sĩ trẻ, góp phần xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ TP một cách toàn diện về số lượng, chất lượng, bảo đảm các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc…

Với Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP và các Hội văn học nghệ thuật, ông cho rằng cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ có phẩm chất cao đẹp, có tinh thần yêu nước, gắn bó với nhân dân, với sự nghiệp xây dựng và phát triển TP.

Tiếp tục đẩy mạnh sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các công trình nghiên cứu văn học, nghệ thuật, các cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật hưởng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)