Ngày 28-4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài, Tổng Biên tập Báo SGGP Trần Thế Tuyển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Nguyễn Trọng Hòa, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Hoài Nam chủ trì tổ chức hội thảo khoa học “Làm thế nào để vận tải hành khách công cộng trở thành phương tiện đi lại chính của người dân TP.HCM?”. Hội thảo đã quy tụ hơn 130 đại biểu tham dự.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài cùng các đại biểu chủ trì hội thảo. Ảnh: THÀNH TÂM |
Tập trung các giải pháp xã hội
Phát triển vận tải hành khách công cộng là nội dung đã được bàn thảo trong rất nhiều hội nghị khoa học về phát triển đô thị bền vững ở TPHCM.
Trong hội thảo lần này nhiều vấn đề mới hơn đã được nêu ra. Đậm nét nhất chính là quan điểm cho rằng, phát triển vận tải hành khách công cộng không chỉ đơn giản là giải pháp kỹ thuật mà đồng hành và thậm chí đi trước là các nghiên cứu mang tính chất xã hội.
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật TPHCM, đề nghị tổ chức một cuộc điều tra, đối tượng nào có thể đi xe buýt và đối tượng nào không? Theo ông, chỉ những người đi làm, đi học với những lịch trình cơ bản không thay đổi mới có điều kiện đi xe buýt tốt nhất. Những người hành nghề tự do thì ngược lại. Xác định được nhu cầu rồi mới xây dựng được kế hoạch.
Trước mắt, số lượng người hành nghề tự do có thể nhiều, đặc biệt là những người nhập cư. Do vậy, để ổn định cuộc sống người dân, tiến tới lập lại trật tự an toàn giao thông, TPHCM có thể nghiên cứu đề xuất Chính phủ có kế hoạch dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho những người nhập cư ngay tại quê hương của họ để họ không phải vào thành phố kiếm sống.
TS Trần Thị Thu Lương, Trường Đại học Khoa học Xã hội – Nhân văn TPHCM, đồng quan điểm khi cho rằng, giải quyết các vấn đề về giao thông không đơn thuần là các giải pháp kỹ thuật mà là tổng hợp các giải pháp về quản lý và quy hoạch phát triển đô thị. Một trong những đặc tính, ưu điểm nổi trội của xe gắn máy 2 bánh là linh hoạt. Muốn thu hút người dân từ bỏ xe cá nhân, vận tải hành khách công cộng cũng phải rất linh hoạt như xe… gắn máy 2 bánh trong nhiều dịch vụ phục vụ hành khách.
Cũng liên quan đến các vấn đề về xã hội, TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nhắc lại một ý trong hội thảo quốc tế về phát triển giao thông được tổ chức cách đây 2 năm tại TPHCM. Lúc đó, nhiều chuyên gia nước ngoài nhận xét “sao lại lười đi bộ như thế?” sau khi có một số băn khoăn từ phía Việt Nam rằng, đa phần hẻm ở thành phố quá dài, bắt người dân đi bộ từ trong hẻm ra tới đường để đón xe buýt đi là không thuận tiện.
Ở một góc độ nào đó, nhận xét của nhiều chuyên gia nước ngoài không sai nhưng “nói đi cũng phải nói lại” bởi nhiều hẻm đâu có thông thoáng, sạch sẽ cho người đi bộ. Như vậy, vấn đề ở đây là khi triển khai các giải pháp kỹ thuật, ví dụ như tổ chức các tuyến xe buýt thì việc phải giải quyết ngay là người dân sẽ đi bộ đến các trạm xe như thế nào. TPHCM đã có chủ trương sắp xếp lại việc kinh doanh trên vỉa hè, để người dân vẫn còn vỉa hè để đi bộ…
Thế nhưng trên thực tế nhiều vỉa hè vẫn bị lấn chiếm, trong khi đó đường đi bộ thông thoáng là một trong những yếu tố quyết định đến việc thu hút hành khách của xe buýt. Kiến trúc sư Khương Văn Mười đề xuất một giải pháp xã hội không mới nhưng luôn luôn… đúng, đó là ngay từ bây giờ giáo dục thế hệ trẻ thói quen sử dụng xe công cộng.
Giải pháp kỹ thuật cũng không thể thiếu
Hội thảo có hai vị khách rất đặc biệt, là Nguyễn Thị Na Y, sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM và Phạm Quốc Việt Trường, sinh viên Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải TPHCM.
Hành khách đi xe buýt không chỉ có người lao động, sinh viên mà còn cả nhân viên văn phòng, công sở (ảnh: trên một chuyến xe buýt của Công ty Phố Cảnh). Ảnh: KIM NGÂN |
Từ thực tế sử dụng xe buýt đi học nhiều năm của mình, hai bạn đề nghị một giải pháp: “Phải có đường dành riêng cho xe buýt” bởi đi chung với các loại xe khác, xe buýt rất hay bị kẹt. “Trong những ngày thi, ít khi em dám đi xe buýt vì sợ kẹt xe, đến muộn” – bạn Nguyễn Thị Na Y giải thích.
Thực ra, giải pháp “đường dành riêng cho xe buýt” đã được một số nhà khoa học đề xuất từ nhiều năm qua nhưng đã không được triển khai thực hiện. Thế nhưng, lần này khi giải pháp được đề xuất từ chính những người đi xe buýt, ý nghĩa của nó đã hoàn toàn khác. Đây đã là yêu cầu từ thực tế mà ngành chức năng phải nghiêm túc nghiên cứu, xem xét.
Không có giải pháp hoàn hảo mà chỉ có giải pháp khả thi nhất, hiệu quả nhất. Nhiều nhà khoa học đã đưa ra ý kiến này khi nói đến mô hình phát triển đô thị của thành phố hướng tới chống ùn tắc giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng. Hiện tại, nếu TPHCM chấp nhận “nén” cao trong đô thị hiện hữu thì phải mạnh mẽ đầu tư xây dựng đường trên cao để giải quyết các vấn đề giao thông.
“Tôi đã từng nghĩ đường trên cao có thể làm mất cảnh quan thành phố nhưng bây giờ thì khác, nếu cần thiết ta vẫn phải làm và sau này khi có điều kiện tốt hơn, có thể điều chỉnh lại” – kiến trúc sư Khương Văn Mười nói. Ngược lại, nếu đặt nhiệm vụ phát triển đô thị vệ tinh là trọng yếu thì phải đầu tư mạnh mẽ hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở các đô thị này. Xây dựng và kết nối các tuyến vận tải hành khách công cộng lớn với các đô thị vệ tinh để từng bước giãn dân ra đây.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài: 6 vấn đề cần làm ngay(*)
Vấn đề thứ nhất là nhận thức về tầm quan trọng của việc phát triển mạnh hơn nữa và cần phải có những giải pháp mang tính đột phá cho định hướng phát triển giao thông công cộng TPHCM. Chúng ta cần phải quyết liệt hơn nữa, có giải pháp toàn diện và đồng bộ hơn nữa. Giải pháp phải được nghiên cứu toàn diện, tổng thể cả về quy hoạch xây dựng, không gian đô thị và phát triển mạng lưới giao thông, các vấn đề về kinh tế, kỹ thuật.
Giải pháp phải đồng bộ, không chỉ bao gồm đầu tư phương tiện, bến bãi, luồng tuyến, mà còn là giá cả, thái độ phục vụ…; ngoài ra, còn cần có quỹ thời gian và cả vấn đề kinh tế của các giải pháp. Phải biến nhận thức này thành quyết tâm chính trị cho các cấp các ngành trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Đây là thời điểm mà nếu không chuyển đổi mạnh mô hình đi lại của dân cư thì TPHCM sẽ rất hạn chế trong tốc độ phát triển kinh tế xã hội của một đô thị lớn mà vài năm tới đây thôi, có khả năng đạt tới 10 triệu dân. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh thêm, tính “sống còn” của phát triển đô thị nếu chúng ta không quyết tâm làm tất cả mọi việc để chuyển đổi mô hình đi lại.
Vấn đề thứ hai là để phát triển các phương tiện đi lại công cộng không chỉ tập trung đầu tư phương tiện mà còn là phát triển đồng bộ nhiều lĩnh vực khác. Công tác quy hoạch sắp xếp lại các khu chức năng, các trung tâm thương mại, dịch vụ, học hành, chữa bệnh… hết sức quan trọng, quyết định việc tổ chức các luồng tuyến đi lại.
Trong việc cấp phép đầu tư cho các công trình dịch vụ công cộng lớn, thậm chí có vốn đầu tư nước ngoài, phải chú ý khuyến khích đặt ở vùng ngoại vi, làm sao giãn bớt mật độ xây dựng trong nội đô. Nếu trong tình thế phải xây dựng, phải đảm bảo điều kiện sân bãi, đường tránh để chống việc gia tăng kẹt xe.
Vấn đề thứ ba là thường xuyên giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phương tiện công cộng và phương tiện cá nhân. Thỏa mãn những nhu cầu hiện tại cho khoảng 8 triệu dân ở TPHCM (tương lai gần là 10 triệu dân) đã là khó, huống hồ chúng ta phải nâng cao không ngừng mức sống người dân, đặc biệt là chất lượng cuộc sống của mọi người dân, phải xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình và có sức cạnh tranh ngày càng tăng với các thành phố khác trong khu vực, trên thế giới để giữ vững và nâng cao vị trí của mình trong các bảng xếp hạng hàng năm về chất lượng cuộc sống người dân.
Trong 5 – 10 năm tới, dù có nỗ lực phát triển các phương tiện công cộng đến đâu chăng nữa thì phương tiện cá nhân vẫn đóng vai trò khá quan trọng. Do vậy, cần xây dựng văn hóa giao thông xe gắn máy để nâng cao nhận thức người dân góp phần tình trạng đi lại được tốt hơn.
Vấn đề thứ tư là giải quyết vốn đầu tư cho các phương tiện vận chuyển công cộng. Đẩy mạnh xã hội hóa là rất quan trọng nhưng nhà nước vẫn phải đầu tư nhiều, trong đó cần tiếp tục việc bù giá, tiến đến việc giảm dần theo thời gian. Làm sao để tư nhân tham gia mạnh vào việc đầu tư này. Muốn vậy cần có cơ chế chính sách để nhà đầu tư có lợi nhuận khi tham gia đầu tư. Việc tìm ra các phương thức, mô hình, chính sách để huy động nguồn vốn đầu tư lớn hơn là một vấn đề cực kỳ bức thiết.
Vấn đề thứ năm là phải tổ chức lại ngành vận tải hành khách công cộng TP. Ngành vận tải công cộng phải được thống nhất quản lý trên địa bàn toàn thành phố. Sắp tới TP không chỉ có xe buýt mà còn metro, các phương tiên hiện đại khác nên phải có sự kết hợp, phân cấp hợp lý.
Vấn đề thứ sáu là phát triển cơ sở hạ tầng của đô thị. Phát triển vận tải công cộng phải được đặt trong quan hệ phát triển mạng lưới đường sá, nâng cao chất lượng đường sá, kể cả việc làm đường trên cao. Từ đó phải tính lại việc quy hoạch đô thị để giải quyết tăng cường thêm đường cho TP…
(*) Trích phát biểu của đồng chí Nguyễn Thành Tài tại hội thảo “Làm thế nào để vận tải hành khách công cộng trở thành phương tiện đi lại chính của người dân TPHCM?”, đầu đề do Báo SGGP đặt.
|
Nguyễn Khoa (SGGP)
Bình luận (0)