Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phát triển y tế, giáo dục của Việt Nam đã chậm lại

Tạp Chí Giáo Dục

Xếp hạng phát triển con người của Việt Nam năm 2011 không thay đổi, vẫn đứng trong nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình và xếp thứ 128/187 nước được khảo sát.

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã công bố Báo cáo phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2011, với chủ đề “Dịch vụ xã hội cho phát triển con người” sáng 9/11.
Kết quả, HDI của Việt Nam năm nay không thay đổi về thứ hạng, vẫn đứng trong nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình và xếp thứ 128/187 nước được khảo sát.
Theo báo cáo năm 2011 của UNDP, phát triển y tế, giáo dục của Việt Nam đã chậm lại. Ảnh: Internet.
Báo cáo đã phân tích sự tiến bộ về phát triển con người của Việt Nam ở cấp địa phương, tập trung vào các vấn đề về sức khỏe và giáo dục đồng thời cũng xem xét những thách thức mà người dân đang phải đối mặt trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo đó, những tiến bộ của Việt Nam trong quá trình tăng trưởng kinh tế là đáng ghi nhận song tiến bộ về tuổi thọ và giáo dục bị chậm lại. Bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam, cho biết tốc độ phát triển về y tế và giáo dục của Việt Nam hiện rất thấp. Đặc biệt Việt Nam đang đứng sau nhiều nước trong khu vực về thành tựu giáo dục, nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục phần lớn là từ hộ gia đình.
Đặc biệt Báo cáo năm nay cũng đưa ra chỉ số mới là Chỉ số nghèo đa chiều (MPI) cho Việt Nam. Theo thước đo này, số người nghèo đa chiều ở Việt Nam nhiều hơn hẳn số người nghèo về thu nhập. Năm 2008, tỷ lệ nghèo về thu nhập là 14,5% trong khi tỷ lệ nghèo đa chiều là hơn 23%. Giữa các tỉnh cũng có sự chênh lệch đáng kể. Tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất thuộc về các tỉnh Lai Châu (hơn 82%) và Điện Biên (75%). Hơn 50% dân số của 12 tỉnh sống trong nghèo đói về mọi mặt.
Bà Setsuko Yamazaki nhận định: “Tiến bộ đạt được cấp quốc gia đã che dấu những chênh lệch lớn ở cấp địa phương. Cùng với tình trạng kinh tế và nguồn gốc dân tộc, sự khác biệt về địa lý và khu vực cũng là những yếu tổ quan trọng nhất gây nên bất bình đẳng ở Việt Nam. Tất cả các yếu tố này đang cản trở Việt Nam tiến lên mức phát triển con người cao hơn”.
Tuyết Trịnh
Theo Đất Việt

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)