Ảnh minh họa. Ảnh: I.T |
Sau khi kết hôn và có con cái, việc giữ gìn gia đình hạnh phúc đã trở thành trách nhiệm. Do đó, việc tuân thủ pháp luật hôn nhân một vợ một chồng là rất cần thiết, và việc ngoại tình dẫn đến ly hôn cần được xử lý nghiêm. Tuy nhiên, đừng bắt tù người ngoại tình vì sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy.
Bộ luật Hình sự Hàn Quốc năm 1953 đã quy định người nào có gia đình mà còn ngoại tình sẽ chịu án tù lên đến hai năm, bạn tình cũng bị hình phạt tương tự. Quy định là vậy, nhưng ở xứ sở Kim Chi mỗi năm trung bình vẫn có hơn 1.200 người bị buộc tội ngoại tình. Điều này cho thấy quy định pháp luật không còn ảnh hưởng mấy đến những người có ý định ngoại tình. Năm 2008, Tòa án Hiến pháp đã bàn lại về điều luật này, và đến ngày 26-2-2015 họ đã quyết định bãi bỏ nó.
Trước khi bãi bỏ điều luật này, họ cũng đã bàn luận rất nhiều, làm rất nhiều cuộc điều tra dư luận và đưa ra kết quả cuối cùng là nên bãi bỏ, vì dù với mục đích tốt là ngăn chặn ngoại tình, nguyên nhân làm tan vỡ các “tế bào xã hội”, việc đưa người ngoại tình vào tù là một sự can thiệp quá mức của Nhà nước vào đời sống riêng tư của công dân.
Ở Việt Nam, thiết nghĩ, cũng nên như thế, đừng nên làm những gì người ta đã bỏ. Người viết ở đây không cổ xúy cho việc ngoại tình, vì ai cũng biết việc ngoại tình là không được phép khi chúng ta đã có gia đình, đặc biệt là khi đã làm cha làm mẹ. Sau khi kết hôn và có con cái, việc giữ gìn gia đình hạnh phúc đã trở thành trách nhiệm. Do đó, việc tuân thủ pháp luật hôn nhân một vợ một chồng là rất cần thiết, và việc ngoại tình dẫn đến ly hôn cần được xử lý nghiêm. Tuy nhiên, đừng bắt tù người ngoại tình vì sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy:
– Thứ nhất, con cái bị ảnh hưởng rất nhiều. Ở Việt Nam, việc có cha hoặc có mẹ ngoại tình mà người ngoài biết được, con cái đã rất khó khăn để đối mặt với những kỳ thị xã hội rồi, huống chi cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ đã ngoại tình mà còn bị tù tội, con cái làm sao sống được với những ánh nhìn khắc nghiệt của người đời, lý lịch của chúng sẽ thế nào, tương lai chúng sẽ ra sao?
– Thứ hai, trong gia đình, người ngoại tình đa phần là người làm ra nhiều tiền hơn, nếu bắt họ ở tù, lấy đâu ra tiền nuôi con cái. Nếu chồng là người ngoại tình, vợ vì sợ chồng bị bắt không có tiền nuôi con nên không dám kiện, nhắm mắt cho qua và sống trong đau khổ, người chồng vì thế càng lộng hành hơn, vợ con sẽ càng đau khổ hơn. Đây cũng là điều chúng ta nên bàn đến nhất vì nhân quyền sẽ bị hạn chế, quyền ly hôn lúc này không được thực hiện.
– Thứ ba, nếu chẳng may trong gia đình ấy cả vợ và chồng đều ngoại tình, cả hai đều bị bắt, ai sẽ là người nuôi con. Hoặc nếu tòa án xử người đi tù trước, người đi tù sau, ai sẽ là người đi trước. Một vụ ly hôn đơn giản khi ra tòa cũng phải mất cả năm trời, nếu thêm vào những tình tiết phức tạp như vậy, án bao giờ mới kết thúc, và con cái họ sẽ ra sao khi trong một thời gian dài sống trong cùng một căn nhà mà cha mẹ mạnh ai nấy sống, việc chăm sóc con bị bỏ bê, đó không còn là nhà, mà là địa ngục. Liệu rằng có đứa trẻ nào trưởng thành được trong môi trường uẩn ức như thế.
– Thứ tư, ở Việt Nam, việc đi đến những “khu đèn đỏ” của các ông chồng không được coi là ngoại tình. Điều này có nghĩa là khi việc ngoại tình bị hạn chế, các ông chồng sẽ đi giải quyết vấn đề sinh lý của mình từ những cô gái làng chơi, mà ở Việt Nam, cho đến thời điểm này, những “khu đèn đỏ” vẫn còn là những ổ bệnh đáng báo động. Vậy nếu điều luật này được thi hành, trong vài năm nữa, có lẽ Việt Nam phải xây thêm bệnh viện chuyên trị bệnh tình dục.
– Thứ năm, hiện nay nạn bạo hành ở nước ta vẫn còn phức tạp, nếu người chồng đi ngoại tình về bạo hành với vợ, khi vợ đi kiện chồng, chồng sẽ bị đi tù thời gian dài hơn vì tội bạo hành và ngoại tình. Một số ông chồng vì điều này sẽ bạo hành vợ dã man hơn, mức độ phạm tội sẽ nặng hơn.
Về việc ban hành điều luật này, thiết nghĩ người làm luật nên xem xét lại. Có nhiều cách khác để xử nặng tội ngoại tình như phạt chia phần lớn tài sản của hai vợ chồng cho người không ngoại tình khi ly hôn, tước quyền nuôi con nhưng phải chu cấp đầy đủ cho con, phạt tiền người bạn tình thật nặng (trừ những trường hợp các cặp đôi đã nộp đơn ly hôn đang đợi phán quyết của tòa án như đã nêu trên có thể được xem xét giảm nhẹ)… Hãy để quyền con người được lên tiếng.
Ngô Thị Thanh Tiên
Bình luận (0)