Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) vừa tiến hành mổ 7 ca bằng robot: 3 ca ung thư trực tràng, 1 ca hẹp niệu quản, 1 ca u thận, 2 ca ung thư tuyến tiền liệt.
Cả 7 ca này có sự hỗ trợ kỹ thuật từ chuyên gia nước ngoài và 2 ca đã xuất viện. Từ ngày 7.12, bệnh viện (BV) sẽ mổ tự chủ hoàn toàn. Sáng 6.12, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng bất ngờ ghé thăm BV Bình Dân (TP.HCM). Bí thư không lên phòng họp mà đi thẳng vào phòng mổ robot, ngồi vào bàn điều khiển và ở đó trải nghiệm mổ robot cùng các y bác sĩ gần 40 phút.
Chỉ cần một bác sĩ phụ mổ đứng sát bệnh nhân thao tác theo chỉ đạo của phẫu thuật viên ở bàn điều khiển Ảnh: Duy Tính
Niềm vui ca mổ đầu tiên
Trước đó, sáng 22.11, BV Bình Dân (TP.HCM) đã triển khai mổ cắt khối u đại trực tràng cho bệnh nhân Nguyễn Văn Tu (64 tuổi, Quảng Ngãi) bằng kỹ thuật nội soi bằng robot. Sau 3 giờ ca mổ đã thành công. Đây là bệnh nhân người lớn đầu tiên được mổ bằng kỹ thuật nội soi robot tại BV Bình Dân và của VN (ở BV Nhi T.Ư thì dùng robot mổ nhi), điều đặc biệt là bệnh nhân được mổ miễn phí. Để có ca mổ này diễn ra, BV Bình Dân đã chuẩn bị trước gần một năm từ kế hoạch, xây dựng phòng mổ, mua hệ thống robot trị giá 71 tỉ đồng từ vốn vay kích cầu của TP.
PV Thanh Niên có mặt quan sát ca mổ này. Vị bác sĩ người Singapore đóng vai trò phẫu thuật viên chính và một bác sĩ BV Bình Dân phụ mổ. Phẫu thuật viên chính không cần đứng hay ngồi sát bàn mổ như cách mổ truyền thống, ông ngồi ở bàn điều khiển tại một góc phòng mổ, cách bàn mổ khoảng 3 – 4 m. Hai mắt ông nhìn vào màn hình 3D, 2 tay cho vào 2 cần điều kiển phía dưới màn hình, phía dưới chân cũng có bộ phận điều khiển cắt đốt. Chốc chốc ông lại nói với bác sĩ phụ mổ qua hệ thống âm thanh từ xa về đưa dụng cụ vào, hút dịch… mà không cần phải trao đổi trực diện. Xung quanh robot, bàn mổ là 3 màn hình phóng rõ, to từng bộ phận mà camera từ robot ghi nhận truyền ra.
Xung quanh bàn mổ có rất nhiều bác sĩ, phẫu thuật viên của BV Bình Dân đứng thị phạm. “Mổ bằng robot là đỉnh cao của ngoại khoa, nó giúp phẫu thuật viên nhìn chính xác các chi tiết trong cơ thể, mũi kim đường chỉ cũng chắc chắn hơn”, một bác sĩ đứng quan sát nói.
Phẫu thuật viên ngồi độc lập ở xa bàn mổ vẫn mổ được như thường
|
Cánh tay nối dài tinh vi
Theo TS-BS Trần Vĩnh Hưng – Giám đốc BV Bình Dân, phẫu thuật nội soi robot hay phẫu thuật robot (robotic surgery) được thực hiện đầu tiên ở Mỹ từ cuối thập niên 1980. Hiện nay, phẫu thuật robot đã trở thành phổ biến tại các trung tâm phẫu thuật lớn ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… để điều trị các loại phẫu thuật lớn, phức tạp. Phẫu thuật robot đã phát triển đến thế hệ thứ tư với bốn cánh tay phẫu thuật, đầu camera thông minh, góc phẫu thuật rộng 540 độ, hình ảnh 3D. Với góc phẫu thuật này, không cánh tay người nào có thể thực hiện được, nhờ đó nó có khả năng phẫu thuật ở những vị trí khó và có thể di chuyển tự do ở sáu góc độ và vận động tinh vi.
“Với kỹ thuật này, bệnh nhân mau hồi phục, giảm các tai biến, biến chứng các bệnh lý mà các kỹ thuật khác chưa hoàn thiện được như ung thư tuyến tiền liệt, trực tràng… Robot vào sâu, phóng đại nên mổ rất dễ và thao tác thoải mái”, TS-BS Hưng trả lời. Cũng theo TS-BS Hưng, chi phí cho một ca mổ nội soi bằng robot tại BV Bình Dân khoảng 70 – 90 triệu đồng, trong khi đó tại nước ngoài chi phí lên cả tỉ đồng. Do vậy BV cũng đang xây dựng mục kỹ thuật để trình Bộ Y tế xét duyệt và sau đó đề nghị bảo hiểm y tế chi trả một phần viện phí cho người dân.
Robot đang mổ mà bị cúp điện như thế nào ?
Giả định khi robot đang mổ thì bị cúp điện, xử lý ra sao? BV có hệ thống điện dự phòng, khi hệ thống này cúp thì sẽ có nguồn điện khác, trường hợp 2 nguồn điện nhà nước đều cúp thì có máy phát điện dự phòng bật trong vòng 30 giây. Nhưng BV còn có ắc quy dự phòng cho máy đến 90 phút. Tình huống nếu có (chưa xảy ra bao giờ) đang mổ, robot đứng hình thì sẽ chuyển sang mổ hở hoặc nội soi.
|
Duy Tính (TNO)
Bình luận (0)