Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phẫu thuật kích thích não sâu cho người bệnh Parkinson

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện vẫn chưa có phương pháp nào có thể chữa lành hoặc làm chậm tiến triển của bệnh Parkinson. Tuy nhiên, nhiều phương pháp điều trị có hiệu quả trong việc cải thiện triệu chứng của bệnh, giúp người bệnh Parkinson có chất lượng sống tốt hơn.


Các bác sĩ thăm khám người bệnh Parkinson sau phẫu thuật

Liên quan đến bệnh này, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM vừa thực hiện phẫu thuật kích thích não sâu cho người bệnh tên N.M.P. (63 tuổi, ngụ tại Đà Nẵng). Bệnh nhân này mắc bệnh Parkinson đã hơn 13 năm, điều trị bằng thuốc levodopa với liều lượng 300mg (5 lần mỗi ngày). Bệnh nhân còn được bổ sung thuốc đồng vận dopamine và thuốc chống ảo giác.

Tuy nhiên, mỗi cữ thuốc chỉ có tác dụng trong khoảng 2 – 3 giờ. Khi hết thuốc hết tác dụng, chân của bệnh nhân cứng đờ không đi lại được, khi thêm liều thuốc thì đi lại tốt nhưng bị ảo giác, hoang tưởng.

Dù bác sĩ đã ngưng đồng vận dopamine nhưng tình trạng ảo giác vẫn còn. Sau khi tái khám, bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị tác dụng phụ của thuốc levodopa, tư vấn phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu để giảm liều thuốc uống, cải thiện triệu chứng vận động. Người bệnh được phẫu thuật kích thích não sâu vào tháng 7-2020, đến nay tình trạng sức khỏe ổn định hơn, hết ảo giác, hoang tưởng, giảm thiểu triệu chứng “bật – tắt” và giảm lượng thuốc levodopa chỉ còn 100mg (3 lần mỗi ngày).

TS.BS Trần Ngọc Tài – Phó trưởng khoa Thần kinh, Trưởng Đơn vị Rối loạn vận động Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cho biết sau phẫu thuật kích thích não sâu, bác sĩ đã phải điều chỉnh kích thích thông qua máy kích thích thần kinh và điều chỉnh thuốc để đạt hiệu quả tốt nhất. Thông thường sự điều chỉnh tối ưu đạt được sau phẫu thuật khoảng 3 – 6 tháng. Phương pháp này được đánh giá là một thủ thuật an toàn, tuy nhiên cũng tiềm ẩn những nguy cơ như xuất huyết, đột quỵ trong lúc phẫu thuật hoặc các tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua do sự kích thích như tăng cân, khó tìm từ, giảm chất lượng lời nói… Do đó, “người bệnh cần được thực hiện tại một trung tâm phẫu thuật thần kinh chuyên sâu để được tư vấn, đánh giá trước mổ và điều trị sau mổ một cách chính xác nhằm đạt hiệu quả điều trị tối ưu”, TS.BS Trần Ngọc Tài nhấn mạnh.

Được biết, để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh Parkinson, bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM sẽ tổ chức Chương trình sinh hoạt Câu lạc bộ người bệnh Parkinson năm 2020 với chủ đề “Cải thiện hiểu biết và chăm sóc bệnh nhân Parkinson tại Việt Nam”. Tại đây, người bệnh và người nhà người bệnh sẽ được cung cấp kiến thức về các thuốc điều trị Parkinson hiện nay, kỹ thuật phẫu thuật kích thích não sâu. Ngoài ra, người tham dự còn được hướng dẫn các bài tập tại nhà cho người bệnh Parkinson giai đoạn muộn. Chương trình diễn ra vào sáng chủ nhật ngày 11-10-2020.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)