Ngày 2.12, lãnh đạo phe chống chính phủ Thái Lan tuyên bố sẽ huy động tổng lực “xóa sổ lực lượng cảnh sát” trong hôm nay 3.12.
Người biểu tình sử dụng các phần hàng rào an ninh bị giật sập làm bia che chắn trước trụ sở cảnh sát – Ảnh: Minh Quang |
Hôm qua, lực lượng an ninh tiếp tục phải sử dụng hơi cay, đạn cao su và vòi rồng để ngăn chặn người biểu tình xông vào trụ sở cảnh sát thủ đô Bangkok. Một phần hàng rào kẽm gai và bê tông bên ngoài khu vực đã bị phá sập. Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố sẽ chiếm được trụ sở cảnh sát trước 3 giờ chiều nay. Ông này cáo buộc cảnh sát là tay chân của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra nên “cần bị xóa sổ” để tiến tới lật đổ cái mà ông gọi là “chế độ Thaksin”. Phe biểu tình thậm chí còn nhắm tới cả Tổng cục Cảnh sát quốc gia. Ngoài ra, nhiều tòa nhà chính phủ và cơ quan nhà nước vẫn tiếp tục bị người biểu tình vây hãm quyết liệt.
Hôm nay 3.12 là hạn cuối cùng mà phe biểu tình tuyên bố để Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải từ chức và giải tán quốc hội. Tuy nhiên, ngày 2.12, bà Yingluck vẫn khẳng định không đáp ứng những yêu cầu vi phạm hiến pháp của phe chống đối. Cùng ngày, nữ thủ tướng và lãnh đạo phe chống đối tiếp tục gặp nhau để thương lượng với sự trung gian của quân đội nhưng vẫn không đạt được kết quả. Trong cuộc họp báo sau đó, bà Yingluck tuyên bố: “Thủ tướng Thái Lan có thể làm bất kỳ điều gì để đem lại hòa bình cho đất nước. Chính phủ không tham quyền mà chỉ nỗ lực duy trì ổn định cho người dân. Nếu như người dân muốn tôi trao trả lại chính quyền, tôi sẽ làm theo. Tuy nhiên cho đến nay chúng tôi chưa tìm ra cách giải quyết nào theo đúng hiến pháp”. Bà cho biết đã nghĩ đến chuyện từ nhiệm và tổ chức bầu cử sớm nếu phe biểu tình không đòi trao quyền cho cái gọi là “hội đồng nhân dân” không qua bầu cử, một yêu cầu bị cho là vi hiến.
“Trong cuộc chiến này, chẳng bên nào chiếm lợi thế hay kiểm soát được tình hình”, ông Jade Donovanik, Hiệu trưởng Trường Luật thuộc Đại học Siam, nhận định với Thanh Niên. Theo ông Jade, phe biểu tình có chiếm được trụ sở cảnh sát hay thậm chí là tòa nhà chính phủ cũng không giải quyết được mâu thuẫn chính trị dai dẳng lâu nay tại Thái Lan, chưa kể những hành động của phe này đã vi phạm pháp luật. Chuyên gia này còn cho rằng nếu diễn ra bầu cử lại thì cũng chẳng đi tới đâu vì đảng Puea Thai của bà Yingluck có thể lại chiến thắng, còn nếu ngược lại thì phe áo đỏ, vốn ủng hộ chính phủ và ông Thaksin “chắc chắn không ngồi yên”. Bên cạnh đó, một số chuyên gia khác cũng nhận định với Thanh Niên rằng cốt lõi của mâu thuẫn không phải là “chế độ Thaksin” mà là chia rẽ sâu sắc trong nội bộ chính trị – xã hội Thái Lan. Sẽ không thể tìm ra lối thoát nếu các bên không chân thành ngồi lại với nhau và chấp nhận cùng thay đổi.
Thủ lĩnh biểu tình bị khép tội phản loạn
Ngày 2.12, Tòa hình sự đã phát lệnh bắt ông Suthep Thaugsuban về tội phản loạn với mức án cao nhất là tù chung thân. Ngay lập tức ông này tuyên bố không sợ cảnh sát và sẽ không từ bỏ mục đích.
Ông Suthep trao đổi với một nhà sư, thói quen của ông này trước khi ra các quyết định – Ảnh: Minh Quang |
Ông Suthep, 64 tuổi, từng là Phó thủ tướng dưới thời ông Abhisit Vejjajiva và tới trước đợt biểu tình này còn giữ chân nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ. Ông đã tham gia chính trị hơn 30 năm và thường kể với những người ủng hộ rằng mình từng thẳng thừng từ chối khi được ông Thaksin, lúc còn là thủ tướng, mời gia nhập đảng.
Tuy nhiên, Suthep cũng bị cáo buộc là “tay tham nhũng có hạng” và chính là người chỉ huy đối phó cuộc đại biểu tình của phe áo đỏ hồi năm 2010 trong cương vị phó thủ tướng phụ trách an ninh. Cùng với cựu Thủ tướng Abhisit, ông Suthep đã bị khởi tố về cáo buộc liên đới cái chết của 91 người trong đợt bạo động năm đó.
Theo TNO
Bình luận (0)