Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phi công “dỏm”: Lỗ hổng ở đâu?

Tạp Chí Giáo Dục

Phạt đối tác giới thiệu viên phi công 200 triệu đồng; tạm đình chỉ bay tổ bay A320 để huấn luyện đào tạo lại, đồng thời tìm nguyên nhân và rút kinh nghiệm; rồi yêu cầu phi công bổ sung hồ sơ xác minh về kinh nghiệm bay trên máy bay A320…

Đó là những “biện pháp mạnh” nhất mà Vietnam Airlines (VNA) đã áp dụng cho lỗi… không biết hạ cánh của phi công Hàn trên chuyến bay từ TP.HCM đi Busan tháng 4-2011!

Nhưng hành khách thì… hết hồn!

Nếu quy định của ngành hàng không và VNA chỉ có thế thì việc chi cả trăm triệu đồng/tháng để thuê nhà, trả lương, bù chi phí sinh hoạt… và nhất là mang sinh mệnh của hàng trăm hành khách của một chuyến bay và danh tiếng của hãng hàng không quốc gia “thế chấp” cho tay nghề phi công ngoại thì đúng là… “lỗ hổng” chết người!

Bởi vì VNA chỉ tin vào con số “đã thực hiện 680 giờ bay”; và niềm tin ấy VNA có được lại chỉ dựa vào xác nhận của… một hãng hàng không Indonesia!

Với tầm quan trọng của công việc này, bất cứ hãng hàng không nào (dù là giá rẻ) khi tuyển người cũng phải căn cứ vào CV (lý lịch nghề nghiệp) của phi công. Theo đó, bên cạnh các chứng chỉ đào tạo phù hợp do các trung tâm huấn luyện danh tiếng cấp (cả thế giới chỉ có một vài trung tâm như vậy), bản lý lịch này phải mô tả cực kỳ chi tiết quá trình công tác: đã trực tiếp điều khiển các loại máy bay nào, bao nhiêu giờ, ở đâu, ai (cơ quan nào) quản lý; địa chỉ, điện thoại liên lạc ra sao để phía tuyển dụng dễ kiểm chứng…

Hơn thế, sau giai đoạn lọc hồ sơ, do khoản chi cho một phi công ngoại rất lớn (gồm lương và chi phí nhà cửa, đi lại gấp nhiều lần phi công Việt) thì quy trình không thể khác một dự án đầu tư. Nghĩa là kết quả tuyển chọn phải căn cứ vào số điểm có được sau một quá trình chọn thầu công khai, có thi lý thuyết và thực hành nghiêm ngặt. Sau đó là các chuyến bay thử có mặt đất và phi hành đoàn giám sát, cuối cùng ứng viên mới được giao vị trí “cơ trưởng”.

Vì thế trước scandal này VNA cần phải có một cuộc họp báo đúng nghĩa giải trình tất cả thông tin nói trên để hàng triệu hành khách đi máy bay yên tâm. Bởi nói gì thì nói, “hạ cánh” mới chỉ là một kỹ năng tối thiểu của một phi công mà người này còn chưa thạo thì anh ta sẽ ứng xử với các tình huống khó ra sao.

Và quy trình tuyển chọn các phi công ngoại khác đang làm “cơ trưởng” nữa, có thực sự “hổng” hay không?

VẠN BẢO (PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)