HS Trường THPT Tây Thạnh (TP.HCM) hào hứng khi nghe thông tin chia sẻ từ Ban tư vấn “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai”
|
Tại chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” năm 2014, có không ít học sinh (HS) đã quan tâm và đặt câu hỏi với Ban tư vấn về những ngành nghề đòi hỏi tiêu chuẩn đầu vào gắt gao, nhiều kỹ năng trong quá trình làm việc. Lái máy bay (phi công) là một trong số những ngành nghề đó…
Nghề có tính đào thải cao
Có thể nói phi công là một trong số ít ngành nghề ít được HS quan tâm vì những khó khăn và định kiến. Vũ Tuấn Anh (học lớp 12 Trường THPT Nguyễn Văn Tăng, TP.HCM) cho biết em rất khó thuyết phục ba mẹ để lựa chọn nghề này vì ba mẹ cho rằng các hãng hàng không chỉ tuyển phi công là người nước ngoài và hiện nay những tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng, kỹ năng của người Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu về kỹ thuật bay. “Em vốn thích trở thành phi công từ lúc còn rất nhỏ nhưng khi ba mẹ tư vấn như vậy cũng “chùn chân”. Em có tìm hiểu và được biết nghề này chỉ phù hợp với những người ưa thích mạo hiểm và độ cao, thời gian hành nghề cũng không bền như những nghề khác làm việc dưới mặt đất. Bản thân em cũng bắt đầu hoang mang trước những thông tin này, nhưng nếu từ bỏ đam mê để lựa chọn một ngành nghề khác thì thật là đáng tiếc”. Chia sẻ của Tuấn Anh nhận được rất nhiều cảm thông từ Ban tư vấn bởi có rất ít (khoảng 3%) HS đặt câu hỏi liên quan đến ngành nghề này vì những thách thức phía trước.
TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, thừa nhận: Chưa có trường ĐH nào tại Việt Nam đào tạo nghề phi công. Hiện mới chỉ có một trung tâm đào tạo phi công trực thuộc Học viện Hàng không Việt Nam thực hiện chức năng đào tạo phi công cơ bản cho các tổ chức trong và ngoài nước. Sau thời gian học căn bản, học viên sẽ được chuyển tiếp đào tạo tại nước ngoài trong thời gian 3 năm theo hình thức hỗ trợ của các hãng hàng không hoặc tự túc. Chi phí cho một khóa đào tạo phi công tại nước ngoài trong 3 năm học sẽ mất khoảng 120.000 USD. Vì thế, mỗi phi công sẽ mất khoảng 8-12 năm để trả dần khoản học phí này nếu được một hãng hàng không hỗ trợ. Nếu đi học bằng hình thức tự túc, đây sẽ là một khoản tiền không hề nhỏ với những ai yêu thích nghề này.
Bên cạnh những bất lợi về chương trình đào tạo, ông Trần Anh Tuấn, quyền Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cũng cho biết phi công là nghề có tính đào thải cao. Không giống như những ngành nghề khác, các phi công dù đã hành nghề vẫn phải thực hiện kỳ thi sát hạch và khám sức khỏe định kỳ hàng năm; nếu không vượt qua sẽ bị đình chỉ bay. Bằng lái của phi công cũng chỉ có thời hạn trong 5 năm, sau thời gian đó sẽ phải thực hiện đợt tổng kiểm tra, học nâng cao để được cấp lại bằng.
Một nghề nguy hiểm
Nữ có được học nghề phi công?
Hiện Việt Nam có ít nhất 7 phi công là nữ đang hoạt động tại các hãng hàng không trong nước như Nguyễn Ly Hương, Lý Kim Châu, Trần Trang Nhung, Huỳnh Lý Đông Phương…
|
Là nghề điều khiển máy bay hoặc thiết bị bay bằng lực đẩy động cơ nên đòi hỏi người phi công phải có nhiều tố chất mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Theo ông Trần Anh Tuấn, ngoài những yêu cầu về sức khỏe, khả năng chịu áp lực cao…, thì một phi công cần phải có kỹ năng định vị không gian bằng trực giác, kỹ năng nhận biết các mùi vị đặc biệt có liên quan đến các dự báo nguy hiểm, sự nhạy bén trong quan sát, kỹ năng xử lý khi rơi vào tình huống nguy hiểm. Ngoài những tố chất này, phi công còn phải biết giao tiếp bằng tiếng Anh để báo cáo và nhận được hướng dẫn khi đi qua không phận của các quốc gia. “Trong tất cả các yếu tố này, sức khỏe và khả năng chịu được áp lực công việc là yêu cầu cần phải có để một phi công tồn tại được với nghề. Việc phải thường xuyên sống trái quy luật, bay qua nhiều vùng miền khác nhau trên thế giới với giờ giấc và thời tiết thay đổi liên tục dễ khiến nhiều phi công rơi vào trạng thái mệt mỏi. Bên cạnh đó, quá trình tiếp xúc nhiều với sóng điện từ trong buồng lái cũng khiến cho sức khỏe của người phi công bị ảnh hưởng và mắc nhiều chứng bệnh liên quan đến nghề nghiệp. Chính vì những rủi ro trong quá trình bay cũng như mức độ ảnh hưởng về sức khỏe nên nghề phi công được xếp thứ hai trong những nghề nguy hiểm nhất thế giới”, ông Trần Anh Tuấn khẳng định.
Có tiềm năng cao
Bỏ qua những yêu cầu gắt gao về tuyển dụng và quy trình đào tạo, phi công là một trong số ít những ngành nghề có tiềm năng và nhu cầu tuyển dụng cao đối với các hãng hàng không tại Việt Nam và trên thế giới. Theo ông Trần Anh Tuấn, hiện Việt Nam đang phải tốn một nguồn kinh phí rất lớn để thuê phi công người nước ngoài nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu thực tế của các hãng hàng không trong nước. Tuy đã có một đội ngũ phi công trẻ tuổi sau thời gian được gửi đi đào tạo ở nước ngoài quay trở về làm việc nhưng con số đó vẫn còn quá ít so với số phi công người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Với tốc độ phát triển của ngành hàng không, sự đổi mới liên tục về công nghệ của các loại máy bay, Việt Nam đang “khát” những phi công có sự chuyên nghiệp, trình độ tay nghề cao. Đó là chưa kể do yêu cầu đầu vào của nghề rất cao, tuổi nghề lại ngắn nên các hãng hàng không trên thế giới luôn bị rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân lực nghề này. Trên thực tế, thu nhập của nghề phi công là con số mơ ước của nhiều người. Cụ thể, với mức lương căn bản 15-30 triệu đồng/tháng (tùy vào vị trí), cộng thêm phụ cấp tính theo giờ bay, bình quân thu nhập của mỗi phi công đều từ 30-40 triệu đồng/tháng.
Bài, ảnh: Linh Vy
Tốt nghiệp THPT có thể học lái máy bay?
Nhiều chuyên gia cho biết, tuy hiện nay chưa có trường ĐH nào đào tạo nghề phi công nhưng các hãng hàng không trong nước vẫn thường tuyển dụng học viên tham gia nhiều khóa học đào tạo căn bản dành cho những công dân Việt Nam có độ tuổi từ 18-35, tốt nghiệp tối thiểu bậc THPT, trình độ tiếng Anh tối thiểu là IELTS 5.5. Nam cao tối thiểu 1m65, nặng 54kg; nữ cao tối thiểu 1m60, nặng 48kg; không bị dị tật, nói năng lưu loát. Sau thời gian tham gia khóa học, căn cứ vào tiêu chuẩn và khả năng mà học viên đạt được, các hãng hàng không sẽ thỏa thuận và gửi ứng viên đi đào tạo thêm tại các quốc gia như Mỹ, New Zealand, Pháp…
|
Bình luận (0)