Hội nhậpThế giới 24h

Phi hành gia chụp ảnh ‘trái đất mọc’ nổi tiếng rơi máy bay tử nạn

Tạp Chí Giáo Dục

Phi hành gia đã về hưu của Mỹ William Anders, một trong 3 người đầu tiên đến quỹ đạo mặt trăng và chụp bức ảnh nổi tiếng 'trái đất mọc' trong sứ mệnh Apollo 8 của NASA năm 1968, đã tử vong trong vụ rơi máy bay ở bang Washington, thọ 90 tuổi.

Phi hành gia William Anders và bức ảnh nổi tiếng. NASA

Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson đã vinh danh phi hành gia quá cố William Anders trên mạng xã hội với bài viết cùng bức ảnh trái đất "mọc lên" bên trên đường chân trời của mặt trăng, theo Reuters hôm 8.6.

Ông Nelson nhận xét rằng ông Anders, cựu phi công của Không quân Mỹ, đã tặng cho nhân loại một trong những món quà quý giá nhất mà một phi hành gia có thể làm được.

Bảo tàng Di sản Chuyến bay gần thành phố Burlington (bang Washington) do ông Anders đồng sáng lập xác nhận cựu phi hành gia đã thiệt mạng trong một tai nạn máy bay hôm 7.6 (giờ địa phương).

Ông Anders lái máy bay một mình khi chiếc phi cơ cỡ nhỏ lao xuống vùng biển bên ngoài đảo Jones thuộc quần đảo San Juan ở phía bắc Seattle và nằm giữa bang Washington với đảo Vancouver (tỉnh bang British Columbia của Canada), theo tờ The Seattle Times dẫn lời con trai nạn nhân là ông Greg Anders.

Còn theo Đài truyền hình KCPQ-TV, ông Anders gặp nạn khi lái chiếc máy bay cổ T-34 Mentor một động cơ do ông sở hữu.

KCPQ-TV phát đoạn video ghi lại hình ảnh một máy bay lao xuống từ trời cao với vận tốc lớn, trước khi đâm xuống biển ở ngoài khơi đảo Jones.

Sứ mệnh nguy hiểm

(trái sang phải) Chỉ huy sứ mệnh Apollo 8 Frank Borman, phi hành gia William Anders và phi hành gia James Lovell chụp ảnh trước khoang mô phỏng sứ mệnh vào ngày 21.11.1968. AFP

Tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ, ông Anders gia nhập NASA năm 1963 với tư cách là thành viên của đội ngũ phi hành gia thứ ba. Ngày 21.12.1968, sứ mệnh Apollo 8 khởi động, đưa đoàn phi hành gia đầu tiên rời khỏi quỹ đạo trái đất và vượt qua quãng đường 386.000 km đến mặt trăng.

Lúc đó, ông Anders là người mới trong đoàn, bên cạnh chỉ huy sứ mệnh Frank Borman và phi hành gia James Lovell, người tham gia sứ mệnh tàu vũ trụ Gemini 7 với ông Borman năm 1965 và sau đó là chỉ huy sứ mệnh Apollo 13 chết chóc.

Sứ mệnh Apollo 8 ban đầu dự kiến được thực hiện vào năm 1969 nhưng phải lên đường sớm hơn do Mỹ lo ngại Liên Xô có thể vượt qua nước này đến mặt trăng trước. Do thời gian cấp bách, phi hành đoàn Apollo 8 chỉ có vỏn vẹn vài tháng để huấn luyện cho sứ mệnh lịch sử nhưng độ nguy hiểm cao này.

Tàu con thoi của Mỹ được phóng lên quỹ đạo nhờ vào rốc két Saturn V chưa từng được sử dụng trước đó cho các chuyến bay có người và chỉ mới được thử nghiệm 2 lần. Vì thế, con tàu đối mặt thách thức vô cùng khó khăn phải đi vào quỹ đạo mặt trăng và rời đi một cách an toàn. Thất bại có thể là tàu con thoi sẽ đâm vào mặt trăng hoặc mắc kẹt vĩnh viễn trên quỹ đạo của nó.

Khám phá trái đất từ mặt trăng

Khoang tàu con thoi Apollo tại viện bảo tàng Mỹ. AFP

Nhớ lại sứ mệnh Apollo 8 khoảng 40 năm sau, cựu phi hành gia Anders thừa nhận vào thời điểm lên tàu vũ trụ, đội của ông biết rằng có 1/3 khả năng sẽ một đi không trở lại.

Dù nhiệm vụ chính là chụp ảnh mặt trăng, đối tượng này cũng khá buồn tẻ, "chẳng có gì ngoài những hõm chảo kế tiếp nhau trên bề mặt", ông Anders nói trước một hội nghị vào năm 2009.

Sự tập trung của các phi hành gia lập tức chuyển sang trái đất khi hành tinh xanh bắt đầu mọc lên bên trên bề mặt mặt trăng. "Hãy nhìn kìa, hành tinh diễm lệ, đầy sắc màu và tuyệt đẹp của chúng ta đang mọc lên bên trên đường chân trời xấu xí của mặt trăng", cựu thành viên sứ mệnh Apollo 8 chia sẻ với Tạp chí Forbes vào năm 2015.

Sử dụng ống kính dài và phim màu, ông Anders chụp bức ảnh giờ đây gọi là "trái đất mọc", một trong những bức ảnh gây ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

"Chúng ta phải lặn lội đường xa đến mặt trăng để phát hiện trái đất", ông Anders từng cảm thán.

Theo Hạo Nhiên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)