Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Phí trung chuyển hàng thông quan sang Trung Quốc tăng gấp đôi

Tạp Chí Giáo Dục

Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc tại cửa khẩu Hữu Nghị ở Lạng Sơn phải đóng thêm phí cho lái xe trung chuyển với mức phí từ 5-10 triệu đồng/xe/ngày.

Xe chở hàng chờ xuất khẩu qua Trung Quốc ở Lạng Sơn- Ảnh: Lê Thanh Hiền.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp vận tải chở hàng xuất khẩu đi Trung Quốc, từ ngày 7-4, phía Trung Quốc yêu cầu chỉ cho phép các lái xe có tên trong danh sách đội lái xe chuyên trách do Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn thành lập thì mới được phép vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đại diện một doanh nghiệp vận tải (đề nghị không nêu tên) cho biết, việc xuất nhập khẩu hàng hóa ở cửa khẩu Hữu Nghị đang gặp khó khăn khi phía Trung Quốc thắt chặt các biện pháp phòng dịch Covid-19.

Cùng với việc thành lập đội lái xe chuyên trách, phía Trung Quốc yêu cầu lái xe ở vùng đệm chở hàng qua biên giới phải có hộ khẩu thường trú tại Lạng Sơn. Họ còn yêu cầu phải có giấy xác nhận âm tính với Covid-19.

Theo phản ánh của doanh nghiệp này, mức phí cho một chuyến xe trung chuyển hiện nay do doanh nghiệp và lái xe tự thỏa thuận nên có rất nhiều mức giá khác nhau từ 5 đến 10 triệu đồng/xe/ngày, nếu xe phải chờ thêm một ngày thì phải đóng thêm 1 triệu đồng.

Trao đổi với TBKTSG Online, Mai Thu, nhân viên kinh doanh của một công ty xuất nhập khẩu ở Hà Nội, cho biết, cách đây 3 ngày phí trung chuyển cho một xe từ bãi hàng Tân Cương, Hữu Nghị, Lạng Sơn sang bãi hàng của phía Trung Quốc là 5 triệu đồng/xe.

Tuy nhiên, đến ngày 9-4, mức phí đã lên đến 10 triệu đồng/xe mà còn không tìm được lái xe được cấp phép chở hàng trung chuyển. Hầu hết các doanh nghiệp đã chở hàng lên cửa khẩu đều chấp nhận đóng phí để xuất được hàng đi, nếu không chịu thì phải chở hàng về.

Theo giải thích của các doanh nghiệp, sở dĩ mức phí cho lái xe trung chuyển ở cửa khẩu Hữu Nghị cao là do lái xe làm việc ở khu vực trung chuyển chỉ được hoạt động trong khu vực cửa khẩu, không vượt quá bãi kiểm hàng hóa, vì thế họ phải ăn nghỉ, sinh hoạt tại chỗ. Nếu rời khỏi khu vực cửa khẩu để về nhà thì phải cách ly đủ 14 ngày rồi mới được về. Do vậy, lái xe yêu cầu chi phí cao để bù cho 14 ngày không có việc làm do phải đi cách ly.

Hơn nữa, các cửa khẩu phụ khác ở khu vực Lạng Sơn chỉ thông quan hàng hóa, 2 giờ buổi sáng và 2 giờ buổi chiều nên hàng hóa xuất khẩu chuyển hết sang cửa khẩu Hữu Nghị.

Trả lời TBKTSG Online, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) khuyến nghị, trong bối cảnh vận tải bằng đường bộ bị thắt chặt để kiểm soát dịch Covid-19, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên xem xét hình thức vận tải bằng đường sắt.

Ông cho biết, hiện nay Lạng Sơn cũng đang xuất khẩu nông sản bằng đường sắt với thời gian thông quan chỉ 1-2 giờ nhưng hàng hóa phải đầy đủ hợp đồng, vận đơn và các chứng từ khác.

Theo Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, trong tháng 3-2020, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã được khôi phục. Lưu lượng xe xuất nhập khẩu hàng hóa trung bình đạt khoảng 1.000 xe/ngày.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc kiểm soát nghiêm ngặt dẫn đến năng lực thông quan hàng hoá xuất khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn đã giảm so với trước đây.

Theo Lê Anh/TBKTSG Online

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)