Phụ huynh Trường Mầm non thôn Nại Cửu, xã Triệu Đông bức xúc vì các khoản phí ngoài quy định |
Do phải gánh nhiều khoản phí bắt buộc dưới danh nghĩa “tự nguyện”, nhiều phụ huynh mầm non, thôn Nại Cửu, xã Triệu Đông (huyên Triệu Phong, Quảng Trị) tỏ ra rất bức xúc.
Nhiều phụ huynh có con theo học tại Trường Mầm non Triệu Đông, cho biết phải đóng tới 9 khoản tiền ngoài quy định. Gồm tiền xã hội hóa giáo dục (300.000 đồng); tiền mua đồ dùng học tập và bán trú (250.000 đồng); tiền hoạt động (không rõ hoạt động gì, 150.000 đồng); tiền trả lương cho nhân viên dinh dưỡng (400.000 đồng); tiền nước uống (90.000 đồng); tiền bảo vệ (60.000 đồng); tiền quỹ hội (80.000 đồng); tiền điện thắp sáng (60.000 đồng); tiền lao động vệ sinh (40.000 đồng)… Trong khi trường này là trường công lập, cha mẹ các cháu không phải đóng góp như những trường tư thục. Anh Trần Đức Thắng, phụ huynh có con theo học ở đây bức xúc: “Ban Giám hiệu nhà trường không tổ chức họp phụ huynh toàn trường, mà chỉ bàn bạc, thông qua với hội phụ huynh học sinh cũ, rồi trình lên Hội đồng giáo dục xã để phê duyệt các khoản đóng góp ngoài quy định nói trên. Sau đó, họ tiến hành họp phụ huynh từng lớp, phát cho mỗi người một mảnh giấy về những khoản tiền phải đóng góp này. Họ làm như thế nhằm “khống chế” sự phản đối của phụ huynh, bởi tâm lý ai có con em ở đây đều lo sợ mỗi khi mình phản đối thì con cái sẽ không được quan tâm, thậm chí bị thiệt thòi hơn”. Còn anh Trần Văn Thôi, đội 3, thôn Nại Cửu cho biết thêm: “Ở đây, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, được mùa lúa cũng chỉ đủ ăn, còn các chi phí khác như tiền học cho con, tiền điện nước, đám đình, đau ốm, cúng giỗ… đều phải đi làm thuê, làm mướn mới có. Cuộc sống chật vật là thế, nên bà con xin đóng một khoản tiền nhỏ 8.000 đồng cộng với nửa lon gạo cho mỗi cháu/ngày ăn. Thế mà không hiểu sao những năm lại đây Trường Mầm non Triệu Đông bắt phụ huynh phải đóng gần cả chục khoản phí ngoài quy định. Đặc biệt năm nay, số tiền mỗi cháu phải đóng góp lên tới 1.880.000 đồng, bằng một gia đình 4 nhân khẩu làm ruộng cả năm”.
Về vấn đề này, cô giáo Lê Thị Hồ – Hiệu trưởng Trường Mầm non Triệu Đông – cho rằng, phụ huynh không đồng tình thì nhà trường sẽ… giảm mức đóng góp xuống(?) Riêng khoản 300.000 đồng xã hội hóa giáo dục, cô Hồ cho biết dùng để sửa chữa bàn, ghế gãy và làm vách ngăn (bằng tôn) phòng giáo viên. Được biết toàn Trường Mầm non Triệu Đông có 180 học sinh. Như vậy, tổng cộng với khoản phí này là 54.000.000 đồng. Với số tiền này, cô Hồ cho biết đã làm một vách ngăn duy nhất ở chính phòng làm việc của mình, nhưng đã được làm… từ năm ngoái(!) Còn bao nhiêu cái bàn, ghế gãy thì cô… không biết. Trong khi đó chính cô Hồ lại cho biết, kinh phí cấp cho trường hoạt động hàng năm là 60 triệu đồng. Số tiền này dùng để… sửa chữa hai cái máy vi tính(!)
Theo ông Võ Văn Bắc – Chủ tịch UBND xã Triệu Đông, Chủ tịch Hội đồng giáo dục xã – nói: “Chúng tôi quyết tâm xây dựng địa phương Triệu Đông có trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, nên từ 7 điểm trường trước đây, đến nay chúng tôi đã xây dựng lại thành còn 2 điểm trường, trong đó điểm trường thôn Nại Cửu là cái đích hướng đến. Vì vậy, chúng tôi nhất trí với nhà trường về những khoản đóng góp ngoài quy định nói trên. Bản thân tôi cũng cảm thấy mức đóng góp như trên là cao, tuy nhiên ở Trường Mầm non xã Triệu Trung (Triệu Phong, Quảng Trị) còn cao hơn thế, với tổng cộng 2.000.000 đồng/cháu”.
Bà Nguyễn Thị Phước Hòa – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Triệu Phong – cho biết: “Chúng tôi không khuyến khích các trường mầm non thu những khoản đóng góp ngoài quy định. Việc thu, chi nếu có và phải được phụ huynh đồng thuận cao thì phải minh bạch, rõ ràng, tránh tham ô những đồng tiền mồ hôi nước mắt này vào những việc riêng”. “Để xây dựng điểm Trường Mầm non Triệu Đông thành trường đạt chuẩn quốc gia, Phòng GD-ĐT huyện Triệu Phong đã tập trung kinh phí xây dựng từ 3 năm nay. Việc xây dựng trường nhằm đảm bảo tốt hơn điều kiện dạy và học ở đây; nó không có nghĩa xây dựng bằng mọi giá để bắt phụ huynh phải gồng gánh những khoản đóng góp ngoài quy định”, bà Hòa khẳng định.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)