Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phía sau cổng trường nội trú: Sự lựa chọn rủi ro

Tạp Chí Giáo Dục

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hải Châu, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD -ĐT bày tỏ quan điểm:

– Đó không hẳn là sự lựa chọn tốt. Có thể trong hoàn cảnh học sinh có cha mẹ ly tán, cha mẹ đi làm ăn xa hoặc không còn cha mẹ, người thân thì gửi con vào trường nội trú là việc bất khả kháng. Học sinh sẽ được học hành, được quản lý trong một môi trường có kỷ luật nghiêm ngặt. Nhìn ở khía cạnh ưu điểm sẽ tránh cho học sinh sa đà vào những cám dỗ mà lứa tuổi các em có thể vấp phải khi thiếu sự chăm sóc của gia đình.
Tuy nhiên, với những học sinh nội trú ở các thành phố hiện nay sẽ có những bất ổn trong phát triển nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn khi ở lứa tuổi còn quá nhỏ mà các em đã phải sống xa người thân, gia đình. Mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh xưa nay cũng đều nhắc đến vai trò của cả nhà trường, gia đình và xã hội. Việc đưa con vào trường nội trú vô hình trung đã loại bỏ một “chân kiềng” là sự giáo dục của gia đình.
Chưa kể việc giáo dục học sinh rất cần thiết được đặt trong môi trường sống gần gũi và truyền thống văn hóa của người Việt. Nhìn ở khía cạnh này thì việc sống trong khu nội trú cách biệt với bên ngoài là một thiệt thòi cho các em.
Phụ huynh làm thủ tục đón con về tại phòng giám thị Trường THPT tư thục Nhân Văn (TP.HCM) nhân lễ giỗ Tổ Hùng Vương 4-4-2009 – Ảnh: Như Hùng
Ông Nguyễn Hải Châu
* Với thực tế phát triển mô hình trường nội trú ở nhiều thành phố hiện nay, Bộ GD-ĐT có quy định gì trong việc dạy học, tổ chức hoạt động trong trường nội trú không, thưa ông?
– Ngoài hệ thống trường dân tộc nội trú, các trường phổ thông mới chỉ phổ biến mô hình bán trú hoặc lớp học 2 buổi/ngày. Trường nội trú ở bậc phổ thông vẫn còn mới mẻ. Tuy nhiên từ năm 2003, chúng tôi đã có quy định chung cho các trường phổ thông tổ chức học hai buổi/ngày, bán trú hoặc nội trú. Trong đó có định hướng rõ: không được phép tận dụng thời gian để dạy trước, dạy khác chương trình phổ thông hiện hành, gây quá tải cho học sinh.
Học sinh học 2 buổi/ngày, không được phép dạy học quá 7 tiết/ngày cho học sinh bán trú, nội trú (tính cả giờ giáo viên quản lý hướng dẫn học sinh tự học).
Việc tổ chức cho học sinh học thêm các môn học ngoài chương trình phải căn cứ vào nhu cầu chính đáng của cha mẹ học sinh và được các cơ quan chuyên môn tại địa phương cho phép. Ngoài ra, với các trường có bán trú, nội trú, nhất thiết phải xây dựng kế hoạch tổ chức được các hoạt động ngoài giờ học.
* Nhưng với những gì chúng tôi ghi nhận được thì ở một số trường phổ thông nội trú, học sinh phải sống trong môi trường “chỉ có kỷ luật” và quá cách biệt với bên ngoài xã hội. Ông suy nghĩ gì về cách làm này?
– Việc cho học sinh vào ở nội trú trước hết là trách nhiệm của nhà trường và cha mẹ học sinh trong việc thỏa thuận để tìm ra một hình thức giáo dục, chăm sóc hợp lý nhất. Việc tổ chức cho học sinh nội trú phải trên cơ sở tự nguyện, không vì lợi nhuận. Các sở giáo dục – đào tạo kiểm soát, phê duyệt kế hoạch giáo dục cụ thể do các trường trình lên. Với sự phân cấp trách nhiệm như hiện nay, các sở cũng phải có phương án kiểm tra, kiểm soát thường xuyên hoạt động của các trường nội trú, điều chỉnh hoặc ngừng ngay những hoạt động, cách làm phản giáo dục, có hại cho học sinh.
Bên cạnh đó cũng phải có khuyến cáo đến các bậc cha mẹ học sinh khi lựa chọn cho con môi trường sống và học tập. Bất luận vì lý do gì nhưng việc phó mặc hoàn toàn cho nhà trường, từ chối trách nhiệm của gia đình, cha mẹ trong việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái là việc khó chấp nhận.
* Trong tình huống chỉ có một con đường vào trường nội trú thì theo ông, các cơ sở giáo dục cần làm gì để học sinh có thể không bị lệch lạc về nhân cách và thiếu thốn về tình cảm?
– Nếu biết cách làm thì những trường có mô hình bán trú, nội trú sẽ có thể thực hiện rất tốt chủ trương xây dựng “trường học thân thiện”. Các hoạt động này phải mang ý nghĩa giáo dục, phong phú, gần gũi với lứa tuổi học sinh, giúp học sinh phát triển không lệch lạc khi phải sống bó hẹp trong môi trường học đường. Mục tiêu của “trường học thân thiện” là phát huy tính dân chủ, khuyến khích học sinh bộc lộ khả năng, suy nghĩ, mơ ước. Hướng sự hiểu biết, tình cảm của học sinh đến những giá trị văn hóa, lịch sử, những giá trị tinh thần mang tính truyền thống…
TRỊNH VĨNH HÀ (TTO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)