Warner ra đi, ai là người thiệt?
Khi mà doanh thu từ các album liên tiếp giảm và nạn ăn cắp bản quyền trực tuyến đã ăn sâu vào lợi nhuận thì các hãng ghi âm lớn đều phải suy tính lại các hợp đồng với các đối tác, như MySpace, Apple iTunes và Google YouTube để bù đắp vào nguồn thu đang dần bị thâm hụt.
Tuy nhiên, mối nhân duyên giữa YouTube và Warner – nơi đăng tải các bài hát, album của những nghệ sỹ nổi tiếng, như Eric Clapton, Kid Rock, Madonna, Red Hot Chili Peppers, Green Day… – đã chấm dứt sau 2 năm “chung sống”.
Tuyên bố này đã được YouTube và Warner chính thức đưa ra hôm thứ 7, ngày 20/12. Nói về việc “tan vỡ” này, YouTube nhấn mạnh: “Vấn đề về bản quyền âm nhạc thực sự phức tạp”.
“Chúng tôi đã làm việc với các hãng ghi âm lớn, nhỏ, các nhà sản xuất, các nghệ sỹ, thậm chí trực tiếp với các tác giả trên khắp thế giới để xây dựng các điều khoản hợp đồng phù hợp nhất, có lợi cho cả đôi bên”, đại diện Google cho biết.
Tuy nhiên, Google tỏ ra rất thất vọng vì “mặc dù chúng tôi đã nỗ lực hết sức nhưng không phải lúc nào cũng có thể duy trì những điều khoản hợp đồng được đánh giá là sáng tạo từ trước đó”. Vì thế, theo hãng sở hữu trang web chia sẻ video nổi tiếng này, một khi mà cả hai bên không đạt được quan điểm chung về những điều khoản kinh doanh thì có lẽ chia tay nhau là điều nên làm, cho dù đấy là những đối tác rất thành công.
Còn về phần Warner, hãng này cho biết “đã làm việc với YouTube để tìm ra giải pháp trong thời điểm khó khăn của ngành công nghiệp ghi âm nhằm duy trì các nội dung âm nhạc hợp pháp trên YouTube.
“Thế nhưng, chúng tôi đã không đồng nhất quan điểm về điều khoản để chi trả và bồi hoàn tổn thất một cách hợp lý nhất cho các nghệ sỹ, các tác giả, hãng ghi âm và các nhà phát hành”, đại diện Warner cho hay.
Mặc dù tuyên bố “chia tay” từ cuối tuần trước, đến hôm qua (22/12), các sản phẩm âm nhạc của các nghệ sỹ của Warner vẫn còn được đăng tải trên YouTube. Điều này cho thấy Warner rất muốn hai bên đạt được thỏa thuận chung.
Warner thất thu vì “không biết mình biết ta”
Hiện tại YouTube đang có hợp đồng với các hãng Universal Music Group, Sony BMG và EMI nhưng có vẻ như các đối tác này đều không hài lòng với các điều khoản kinh doanh.
4 hãng ghi âm lớn trên thế giới là Warner, Universal Music Group, Sony BMG và EMI đều ký hợp đồng với YouTube nhưng mỗi bên có những nhìn nhận khác nhau về việc hợp tác với trang web chia sẻ video lớn nhất thế giới của Google.
Trong khi Warner và YouTube chấm dứt hợp đồng sau nhiều lần thương thảo thì các ông chủ của Universal lại xem YouTube như là nguồn thu chính. Theo họ, site chia sẻ này đã mang lại hàng triệu USD cho hãng. Khẳng định điều này với tạp chí CNTT CNet, Rio Caraeff, GD bộ phận kỹ thuật số của Universal, nói YouTube đã mang lại một nguồn thu khổng lồ cho hãng.
“Chỉ riêng lĩnh vực âm nhạc trực tuyến, doanh thu của chúng tôi đã tăng 80% so với năm trước”, ông Caraeff tỏ ra rất biết ơn YouTube. “Năm 2005, Universal đi từ con số 0 trong lĩnh vực video trực tuyến, nhưng đến hôm nay, chúng tôi đã thu được gần 100 triệu USD”.
Thế mới biết, việc Warner “dứt áo ra đi” cũng không gây được tác hại nghiêm trọng tới YouTube. Bởi, phần lớn người xem nhạc-phim có bản quyền trên YouTube tập trung vào nội dung do Universal và bộ phận phim – nhạc của Sony cung cấp – với hơn 3 tỷ lượt người xem. Số lượng người xem kênh nhạc của Warner rất thấp, chỉ có 250 triệu lượt xem.
Giới phân tích hy vọng YouTube và Warner sẽ quay trở lại bàn đàm phán vì theo họ, nếu Warner “ra đi” thì hãng sẽ không còn kiếm thêm được đồng tiền nào từ trào lưu chia sẻ video trực tuyến. Điều này chỉ có bất lợi cho “đại gia” ghi âm này.
Thế nhưng, Google không phải không thua thiệt. Việc Warner “dứt áo ra đi” đúng thời điểm Google đang nỗ lực mở rộng kinh doanh để tăng thêm doanh thu.
“Nếu YouTube không mềm mỏng, nhẹ nhàng trong khi xử lý rắc rối với Warner thì các hãng ghi âm khác cũng sẽ không nhượng bộ, đòi hỏi một hợp đồng công bằng cho cả đôi bên”, nhà phân tích Rob Enderle của công ty
T.Vũ (Theo Dantri)
Bình luận (0)