Gần đây liên tục xuất hiện chuyện giáo viên trừng phạt học sinh (HS) bằng nhiều hình thức khác nhau, gây tổn thương đến tinh thần, thể lực, tâm lý HS. Thế nhưng đằng sau những hình phạt bị cả xã hội lên án ấy là gì? Vì sao thầy cô giáo phạt học sinh quá nặng?
Một người thầy tâm sự: vì chịu quá nhiều áp lực từ phụ huynh, nhà trường và từ chính cuộc sống hằng ngày.
“Chuyện xảy ra vào tiết toán ngày 24-11-2009, thấy HS cứ ngồi đùa giỡn với nhau, tôi đã nhắc nhở nhiều lần rằng: Tí nữa thầy cho làm bài mà không làm được là bị đòn đó. Sau khi giảng bài trên bảng xong, tôi xóa bảng và cho HS làm lại bài toán giống y chang bài mình vừa giảng, vậy mà gần mười em làm sai. Bực mình vì HS trình bày bài toán không đúng như ý mình, thậm chí có em còn viết sai cả đề bài, tôi đã lấy thước khẻ vào tay các em” – giọng buồn buồn, thầy P., giáo viên một trường tiểu học thuộc Q.Thủ Đức, TP.HCM, tâm sự.
“Không kiềm chế được”
Lớp thầy P. phụ trách có đến 12/40 HS thuộc dạng hay nghịch và làm ồn trong giờ học, khả năng tiếp thu bài rất yếu, lại mất căn bản. Một nét đặc trưng dễ thấy ở lớp này: khi thầy đang giảng bài đột nhiên im lặng, ngay lập tức HS cũng im lặng theo không dám đùa giỡn nữa. Nhưng chỉ cần giáo viên quay lên viết bảng là cả lớp xôn xao, ồn ào như một cái chợ, mạnh ai nấy làm việc riêng.
Thầy P. thú nhận: “23 năm đứng lớp tôi đã gặp nhiều tình huống bực mình, nói mãi mà HS không nghe. Những lúc ấy tôi trút giận bằng cách gõ tay thật mạnh xuống bàn hoặc bỏ ra ngoài chờ cơn giận hạ xuống. Ngày 24-11, tôi nôn nóng bởi thi cử sắp tới mà các em không chú tâm học hành. Thế nên tôi không thể kiềm chế được…”.
Trước đó, câu chuyện một thầy giáo bị kỷ luật vì đánh HS lớp 4 bầm mông ở Trường tiểu học PVH (Q.11) cũng để lại nhiều băn khoăn. Theo đồng nghiệp, thầy D. là người thầy hiền lành, điềm đạm, rất hiếm khi to tiếng với học trò. Hơn 20 năm kinh nghiệm, vậy mà một phút thiếu kiềm chế đã khiến thầy có hành động bột phát với học trò.
Tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi được biết HS bị đánh xếp vào hạng cá biệt. Thầy D. thường giữ em lại vào cuối giờ để kèm cặp, phụ đạo thêm. Nhưng sau một tháng khi kiểm tra vở, HS này vẫn không chịu chép bài, làm bài tập. Phụ huynh không những không hợp tác với giáo viên mà nhiều lần còn bênh vực con. Trong một tiết học bình thường, người thầy mất kiểm soát và đánh học trò…
Một giáo viên thể dục tại Trường tiểu học KĐ (Q.Gò Vấp) cách đây vài năm cũng bị buộc thôi việc bởi hành vi đánh, bắt học trò hít đất. Nhiều HS mệt xỉu ngay trong giờ thể dục. Người thầy giải thích: “Muốn răn đe HS để các em nghiêm túc trong giờ học”. Cũng là lý do “vì học sinh”, nhưng cách răn đe của người thầy này dường như đã vượt quá giới hạn của ứng xử sư phạm thông thường.
Gánh nặng của người thầy
Để xây dựng mô hình trường chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) đã phải chịu một áp lực nặng nề chưa từng có: không được để HS đạt điểm thấp. Nếu kết quả học tập của một lớp thấp dưới mức cho phép, giáo viên sẽ bị cắt lớp. Bên cạnh đó kết quả học tập của HS còn là “gánh nặng ngàn cân” khi giáo viên đối mặt với phụ huynh.
Bỏ ra một số tiền cao hơn gấp nhiều lần so với học phí trường THPT công lập bình thường, phụ huynh Trường Lê Quý Đôn có quyền đòi hỏi con em họ phải tiến bộ, phải học giỏi, có đủ khả năng thi đậu đại học hoặc du học ở nước ngoài. Chỉ riêng nội dung của môn toán (chương trình THPT phân ban) nặng gấp ba lần so với chương trình cũ. Như thế thử hỏi người thầy sẽ phải chịu bao nhiêu áp lực khi lên lớp?
Không chỉ bậc THPT, bậc THCS, tiểu học cũng đã bị “kêu” từ rất lâu rằng chương trình quá nặng, giáo viên phải làm quá nhiều việc (ngoài giảng dạy) như: soạn giáo án, làm hồ sơ, sổ sách, lên chuyên đề, đi học bồi dưỡng… Mặc dù hiện tại ngành giáo dục đã đổi mới phương pháp đánh giá giáo viên, nhưng 70% kết quả đánh giá vẫn phụ thuộc kết quả học tập của HS. Yếu tố này đã tạo thành một gánh nặng vô hình chi phối đến cách cư xử của nhà giáo đối với học trò.
Một giáo viên môn sử ở Q.11 than: “Nếu ai từng làm nghề dạy học sẽ luôn có cảm giác khó chịu khi mình đang khản cổ truyền đạt kiến thức mà nhìn xuống lớp thấy HS vô tư nói chuyện. Bực nhất là không khí ồn ào như một cái chợ của những lớp có sĩ số đông. Phòng ốc chật chội, thời tiết nóng nực, trong người mệt mỏi triền miên với hàng tá việc trường, việc nhà, gặp HS không học bài, không chép bài hoặc không nghe giảng thì khó mà dịu dàng được …”.
(còn tiếp)
H.HƯƠNG – L.TRANG/TTO
Hành hạ học sinh là không thể chấp nhận
Dù cho bất cứ lý do gì thì việc hành hạ HS là không thể chấp nhận được, là phản sư phạm và chứng tỏ giáo viên đã bất lực trong việc giáo dục HS. Tôi cũng tự thấy giáo viên ngày nay phải chịu quá nhiều áp lực từ phụ huynh, nhà trường và cả những áp lực của chính cuộc sống hằng ngày khi đồng lương không đủ sống. Cũng cần nói thêm: HS bây giờ “cứng đầu” hơn ngày xưa rất nhiều. Do đó giáo viên dễ nổi nóng, dễ có những hành động sai lầm (như trách phạt học trò). Tôi nghĩ rằng đã chấp nhận chọn nghề giáo thì ai cũng hiểu: phương pháp giáo dục bằng roi vọt, bằng hình phạt không mang lại hiệu quả cao.
Một giáo viên (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)
Không phải người thầy nào cũng vậy
Thời còn là HS phổ thông tôi hay bị thầy cô cho ăn đòn lắm. Nhưng nói thật bị đòn riết rồi lờn không biết sợ là gì, sau đó vẫn chứng nào tật nấy, thậm chí quậy còn hăng hơn. Riêng những thầy đánh tôi, tôi không quý mến (đương nhiên rồi vì họ có thương tôi đâu). Nhưng không phải người thầy nào cũng như vậy. Giáo viên cũng có người tốt, người xấu, người có tâm và ngược lại. Với những thầy cô tế nhị, rất phiền lòng về tôi nhưng không bao giờ la mắng trước lớp, sau buổi học thầy cô mới gọi tôi ra nói chuyện riêng một cách tình cảm. Như thế bảo sao không cảm động và nghe lời!
V.N.Đại (cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM)
H.HG. ghi
|
Bình luận (0)