Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phía sau những nàng tiên

Tạp Chí Giáo Dục

Trong “lò” luyện người đẹp ở Hải Phòng. 
Nhiều mỹ nhân đất cảng Hải Phòng liên tiếp giành giải cao trong các cuộc thi sắc đẹp, một phần nhờ đóng góp không mệt mỏi của những người luôn trăn trở với cái đẹp đích thực.

Lóc cóc đi… săn người đẹp

Năm 1988, Thành Đoàn Hải Phòng nhận được lời mời phối hợp, giới thiệu thí sinh cho cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong lần thứ nhất (nay là cuộc thi Hoa hậu Việt Nam). Nhiệm vụ tìm thí sinh được giao cho anh em đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) của Nhà Văn hóa thanh niên. Một tiểu ban với vài thành viên mang cái tên rất lạ, “săn bắt cốm” được thành lập.

Các cựu thành viên “săn bắt cốm” kể lại công việc của họ là hàng ngày đạp xe dạo khắp hang cùng, ngõ hẻm trong tỉnh Hải Phòng để… phát hiện người đẹp, giới thiệu cho cuộc thi.

 

Hoa hậu VN năm 2004 Nguyễn Thị Huyền. 

“Có những cô gái rất đẹp, nhưng mời họ vẫn chưa dám đi vì cụm từ Hoa hậu thời ấy lạ lẫm. Có cô đồng ý, nhưng gia đình lại không cho. Anh em phải theo về tận nhà giải thích, thuyết phục. Nhiều lúc bị người khác hiểu lầm là mấy anh đi… tán gái”, anh Tạ Quang Thanh, Giám đốc Nhà Văn hoá thanh niên Hải Phòng, kể về những ngày đầu anh em ĐVTN đất cảng hưởng ứng cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất do báo Tiền Phong tổ chức.

Nếu có một bảng xếp hạng địa phương có nhiều người đẹp đoạt giải, Hải Phòng sẽ đứng hàng đầu. Nhờ báo Tiền Phong châm ngòi, sau một vài cuộc thi, mỹ nhân Hải Phòng bắt đầu nổi lên với những cái tên được nhiều người biết đến như Hoa khôi Khoẻ đẹp – Thời trang và thể thao toàn quốc 1993 Nguyễn Kim Oanh; Vũ Minh Thuý (Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong 1996), Nguyễn Thu Huyền (Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 1999), Hoàng Nhật Mai (Hoa hậu thành phố biển Việt Nam lần 1 năm 1999)…

Đỉnh cao là giai đoạn 2000- 2004 khi Hải Phòng có hàng loạt mỹ nhân đăng quang ở ngôi vị cao như Nguyễn Ngọc Oanh (Á hậu cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong năm 2000); Phạm Thị Mai Phương (Hoa hậu Việt Nam năm 2002 – từ năm 2002 cuộc thi được đổi tên thành Hoa hậu Việt Nam với vị thế là cuộc thi Hoa hậu quốc gia của Việt Nam) và Nguyễn Thị Huyền (Hoa hậu Việt Nam năm 2004).

 

Hoa hậu VN năm 2002 Phạm Thị Mai Phương. 

Tâm sự người trong cuộc

Bên cạnh những thành công đó của người đẹp Hải Phòng, phong trào thi sắc đẹp cấp cơ sở tại đất Cảng nở rộ không khí tưng bừng từ cuộc thi hoa khôi cấp trường cho đến thi người đẹp cấp ngành… Nhiều câu lạc bộ (CLB), trung tâm thẩm mỹ xuất hiện như CLB Hoa Phượng (Nhà Văn hoá thanh niên); CLB người mẫu (Cung văn hóa hữu nghị Việt – Tiệp).

“Có thể nói những cuộc thi sắc đẹp và hoạt động của các CLB trong thời kỳ đó đã góp phần tập hợp được thanh niên, hướng tới cái thiện, cái đẹp”, anh Tạ Quang Thanh, một trong những người có nhiều đóng góp cho thành công của mỹ nhân Hải Phòng, nói.

Bà Đinh Hồng Sơn, người phụ nữ được mệnh danh là phù thủy đào tạo mỹ nhân Hải Phòng cho rằng, hiện nay xuất hiện quá nhiều cuộc thi sắc đẹp và phía sau đó là sự thương mại hoá các danh hiệu nhằm mục đích riêng. Thực tế khiến những người có tâm huyết đào tạo người đẹp như bà Sơn thực sự e ngại.

 

* Danh sách các người đẹp Hải Phòng thành danh còn rất dài. Nói như phù thủy đào tạo người đẹp, bà Đinh Hồng Sơn (Cung Văn hóa hữu nghị Việt – Tiệp) thì “Không thể nhớ hết tên những người đẹp Hải Phòng đoạt giải”. Tuy nhiên, bà Sơn còn nhớ rõ trong cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong năm 2000, tại khu vực phía Bắc, Hải Phòng đóng góp 8 người đẹp trong số 13 thí sinh lọt vào vòng trong.

* Mời các bạn tham dự cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010 do báo Tiền Phong phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức. Vòng chung kết diễn ra vào trung tuần tháng 8-2010 tại Quảng Ninh. Thể lệ đầy đủ và mẫu đăng ký dự thi xem trên Tiền Phong điện tử: www.tienphong.vn.

 

Phú Gia (Theo TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)