Hơn 30 năm trong nghề, nhưng trung tá Thắng bảo chưa dịp nào phải gồng mình như đợt này. Nhiều hôm chỉ được ngủ có một tiếng, đau ốm không dám nghỉ. Đêm về, người mồ hôi dính đặc nhưng anh em vẫn phải chờ "xếp hàng" tắm.
12h trưa 9/10, trụ sở Đội cảnh sát giao thông số 1 (Công an Hà Nội) vắng hoe. Trung tá Nguyễn Văn Tòng, đội trưởng bảo, chục ngày nay, hôm nào cũng vậy, toàn bộ quân số gồm hơn 160 người đều được tung ra các ngã ba, ngã tư."Lượng người đổ dồn về hồ Hoàn Kiếm đông kinh khủng. Cảnh sát chỉ vắng mặt một chút là tình hình giao thông ở đây hỗn loạn ngay lập tức…", trung tá Tòng nói.
Khu vực hồ Hoàn Kiếm là nơi cảnh sát giao thông tập trung với mật độ đông nhất để đảm bảo giao thông dịp Đại lễ. Ảnh: Thái Thịnh. |
Trong lúc trao đổi với phóng viên về đợt trực chiến kéo dài, trung tá Tòng liên tục nhận điện thoại. Ông cho biết, ngày mai (10/10), công việc của đội sẽ căng thẳng hơn vì lượng người đổ dồn về Thủ đô chắc chắn sẽ lớn chưa từng có. Vì vậy, các phương án bảo vệ luôn phải tính sao cho linh hoạt với tình hình thực tế.
Trung tá Tòng cho hay, hơn 160 người từ trẻ đến già những ngày qua chưa có ai được phép nghỉ dù ốm đau. Họ thường có mặt ở các chốt bắt đầu từ 5h sáng đến 23h để phân làn tránh ùn tắc giao thông. Đêm xuống, họ còn phải làm nhiệm vụ chống đua xe.
Nửa tiếng có mặt ở đội, trung tá Tòng lại tất tả ra mặt đường "trực chiến". Trong phòng họp rộng chừng vài chục m2 chỉ còn lại duy nhất trung úy trẻ Nguyễn Minh Tuấn (25 tuổi). Tay phải cầm bút, tay trái cầm bộ đàm, trung úy Tuấn bảo, ngày cuối Đại lễ công việc đột xuất càng trở nên nhiều hơn. Nhiều buổi trưa thay vì được ăn cơm anh phải dùng bánh mỳ và nước lọc để chống đói. "Thế vẫn còn hạnh phúc hơn khối anh em đấy. Nhiều người giờ còn đứng ngoài nắng, hứng bụi và còn chưa được ăn ", chỉ về chiếc bánh mỳ ăn dở còn lăn lóc trên bàn, Tuấn nói.
Kể từ khi nhận được lệnh trực chiến, trung úy trẻ tuổi này đã phải gác chuyện tình cảm của mình sang một bên. Anh tâm sự, yêu nhau được vài năm nên đã hiểu rõ bạn gái của mình thiệt thòi đến mức nào.
Trưa 9/10, trung úy Tuấn liên tục phải xử lý các thông tin tại trụ sở. Ảnh: Thái Thịnh. |
Trạc tuổi Tuấn, Vũ Việt Phương công tác tại Đội cũng được 7 năm. Đứng phân luồng giữa trời nắng gắt anh cho hay, trước đó đứng chốt ở khu vực khác. Khi nhận được lệnh lại tức tốc xuống đây phối hợp cùng anh em giải quyết.
Mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt, anh tự hào bảo 1.000 năm mới có một lần nên không riêng anh, trong đội ai cũng cố gắng. Đơn vị cách nhà gần 30km, khi chưa có lệnh trực, Phương có thời gian nhiều về với vợ và con hơn. Nhưng hơn chục ngày nay: "Sáng sớm tôi đã phải ra khỏi nhà. Nhiều hôm, 12h đêm về thì con đã ngủ…", Phương nói.
Anh tâm sự, 30/9 vừa rồi đúng dịp kỉ niệm một năm ngày cưới của hai vợ chồng nhưng mãi đêm khuya, sau khi hoàn thành nhiệm vụ mới tất bật phóng về tặng vợ được bó hoa. Lần đầu được làm bố nhưng nhiều người trong đội trao cho Phương biệt danh là "ông bố đảm đang".
Không vất vả với con, không sợ người yêu giận hờn nhưng trung tá Bùi Đức Thắng (54 tuổi, người lớn tuổi nhất Đội cảnh sát giao thông số 1) lại có những vất vả riêng của mình. Mặc dù nhà cách cơ quan chỉ qua chiếc cầu Long Biên nhưng hơn chục ngày nay anh cũng chưa được về thăm vợ, con. Mọi chuyện, đều phải dùng điện thoại để trao đổi.
Hơn 30 năm trong nghề, đã chuyển nhiều đơn vị khác nhau nhưng trung tá Thắng bảo chưa dịp nào phải gồng mình như đợt này. Vị cán bộ tâm sự, nhiều hôm chỉ được ngủ có một tiếng, chuyện ăn uống trở nên thất thường. "Có hôm 17h đã được ăn, nhưng có hôm 23h mới là bữa tối của anh em. Đêm về, người mồ hôi dính đặc nhưng anh em vẫn phải chờ nhau tắm vì đơn vị chỉ có một phòng duy nhất…".
Đằng sau tiếng còi mướt mải trong dòng người đông kịt là những giọt mồ hôi không kịp thấm của nhiều cảnh sát giao thông những ngày này. Ảnh: Nguyễn Khánh. |
Mới chuyển về đơn vị được gần một năm nhưng ông Thắng bảo cảm nhận rõ sự vất vả nhiệm vụ đơn vị phải gánh vác. Không đơn thuần chống ùn tắc giao thông, đêm đến tại nhiều ngã tư ở khu vực Hoàn Kiếm anh em trong đội đều phải ứng trực để phòng chống đua xe trái phép và tham gia bắt cướp.
Mang trong mình căn bệnh gout nhiều năm nhưng kể từ những ngày đầu Đại lễ diễn ra đến nay, trung tá Thắng vẫn không chịu bỏ địa bàn được giao bất cứ ngày nào. Mỗi khi căn bệnh hành hạ, đứng không nổi ông lại tự cấp cứu bằng những viên thuốc chống đau tức thời, rồi lại lao ra đường, lăn xả vào những điểm nóng. "Cả đội ai cũng căng mình làm nhiệm vụ, mình nghỉ không đành", ông Thắng tâm sự.
Thái Thịnh (VnExpress)
Bình luận (0)