Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phía sau nỗi đau buôn người: Kỳ 1: Đường “mưu sinh” cay đắng

Tạp Chí Giáo Dục

Chị T. và đứa con với người chồng hờ ở Trung Quốc

Đa phần các nạn nhân buôn bán người đều xuất thân từ hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ít học. Cứ ngỡ rằng có được công ăn việc làm, kiếm thêm thu nhập hỗ trợ gia đình thì dù có xa nhà đến đâu họ cũng cam lòng. Thế nhưng, khi sự thật vỡ lở, họ lại phải đấu tranh trong cay đắng và tuyệt vọng để thoát thân.

1. Dù đã bước sang tháng 8 nhưng cái nắng gay gắt cộng thêm gió Lào quần quật thổi ở xứ sở nắng gió Quảng Trị vẫn chưa hề có dấu hiệu giao mùa. Con đường về nhà của chị V.T.T.T (SN 1985) ở thị xã Quảng Trị vời vợi xa bởi những nỗi niềm trăn trở phận người. Câu chuyện của chị T. khiến người nghe chùng lòng. Nhắc lại những tháng ngày kinh hoàng ấy, đôi mắt chị đượm buồn, từng câu nói ngắt quãng như cố nén nỗi đau khó gọi thành tên mà bao năm qua chị vẫn âm thầm chịu đựng. “Ngày đó nhà nghèo, học hành dang dở. Không có bằng cấp thì làm răng có được cái nghề ổn định. Rứa là tui xin đi làm công nhân ở một công ty tận trong Huế. Lương tháng được 4 trăm ngàn. Một bữa tui về thăm nhà, đang loay hoay giặt giũ ở giếng thì có một bà người quen đến hỏi chuyện rồi bảo bỏ việc ở Huế để bà xin cho đi bán hàng siêu thị ở Hà Nội, lương cao hơn. Nghe nói lương cao đến 8 trăm ngàn, chưa một lần được cầm số tiền lớn như vậy nên tui đồng ý. Ngay hôm sau, bà kia đến dẫn đi, nhưng ba tui nói không cho đi. Nghĩ lại sợ lỡ một việc làm có thu nhập nên tui trốn đi…”, chị T. chợt ngừng lại, đôi mắt rơm rớm nước. Hôm đó chị T. đã trốn đi với một người bạn gái ở Hải Phú (Hải Lăng) dưới sự dẫn dắt của đối tượng mai mối tên là bà H. Đối tượng đã dẫn T. và người bạn đi cùng ra Ga Đông Hà để xuôi ra Hà Nội. Đến Hà Nội, lại dắt lên xe về Lào Cai. “Quãng đường đi xa lắm, nhưng tui không xác định được vì lúc nớ tuổi mới lớn, chưa một lần được đi xa như thế. Đoạn đường này có thêm một người đàn bà nữa. Đi qua Móng Cái thì xuống đò qua sông, lúc đó đã 2 giờ khuya. Vừa qua sông, bước chân lên mép bờ sông thì có hai người đàn ông xuất hiện dẫn về nhà. Đêm tối nên sáng hôm sau ngủ dậy, tui thấy trong nhà đâu cũng viết bằng chữ Hán. Tui nghĩ bụng, thế là hết rồi!”. Một tháng sau đó, T. được bọn chủ bán làm vợ hợp đồng theo thời hạn 1 tháng cho một gã đàn ông 28 tuổi. “Cứ rứa, hết thời hạn thì về lại chủ cũ để cho người khác thuê… kiếp người như món đồ hàng cay đắng lắm!”, chị T. ngậm ngùi. 
Câu chuyện đời của hai người phụ nữ ấy chỉ là những trường hợp điển hình trong hàng chục trường hợp bị bọn buôn người lừa đảo bằng cách hứa hão về một công ăn việc làm ổn định ở chốn phồn hoa đô hội. Gánh nặng mưu sinh với “cái khó bó cái khôn” cộng thêm trình độ dân trí thấp, cả tin nên những người lao động trẻ tuổi này dễ dàng bị sa vào bẫy.
2. Rời nhà chị T., chúng tôi tìm đến một nạn nhân khác cũng ở thị xã nhỏ bé này. Ở cái tuổi ngoài 40, gương mặt chị sạm đen, khắc khổ vì mưu sinh và buồn bã. Chị nói, chuyện đời chị sẵn sàng chia sẻ nhưng chị muốn giấu tên để khỏi ảnh hưởng đến đứa con đang theo học cấp 2. Sinh ra trong gia đình có đông anh chị em, một vai mẹ gồng gánh mưu sinh nên chị buộc phải nghỉ học từ sớm ở nhà theo mẹ đi rửa bát thuê, lớn lên chút nữa thì chạy chợ, làm công nhân lò gạch… Hơn 20 tuổi, có một người đàn ông tên L. tìm gặp rồi cũng dụ dỗ ra Hà Nội làm thuê. Hai chị em chị nghe lời ngon ngọt liền đồng ý lên xe ra Hà Nội rồi cũng được đưa ngược lên Bắc Giang. “Đường xa, lần đầu tiên đi xe nên cả hai chị em đều say xe ngất ngưởng. Đến Bắc Giang vào một nhà nọ được cho ăn tối xong thì ngủ gà ngủ gật. Rồi được cho lên xe thùng chở đi. Sáng dậy thấy hai chị em đang ở khách sạn. Nghe tiếng nói lạ, tui nghĩ hai chị em bị bán sang Trung Quốc rồi”. Và rồi hai chị em bị bán thật, hết chủ này qua chủ khác, lúc đầu thì người ta mua cả hai đưa đi bán đời con gái, sau đó hai chị em bị tách đôi ra hai đường. Sau khi bán “cái ngàn vàng” của người con gái thì chủ mới đưa ra điều kiện cho hai chị em lựa chọn: Hoặc là đi nhà thổ, hai đi lấy chồng hoặc ba là bán “hàng quay” (tức là làm vợ theo thời hạn một hoặc nhiều tháng, hết hợp đồng thì lại quay về chủ cũ – PV). “Tui gặp em gái và khuyên nó hãy chọn lấy chồng, may ra đâu đó gặp được người đàn ông tử tế, họ sẽ tạo điều kiện cho được trở về để gặp người thân hoặc ít ra họ cũng yêu thương. Còn tui chấp nhận số phận làm “hàng quay” để mong có ngày nào đó tìm ra manh mối đặng trở về báo tin cho cha mẹ cứu em nếu như em không may lấy phải người chồng tệ bạc. Canh bạc ấy không còn sự lựa chọn nào khác”, chị buồn bã nhớ lại.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
LTS: Trong vòng 20 năm trở lại đây, toàn tỉnh Quảng Trị có 30 phụ nữ, trẻ em bị lừa bán sang Lào, Trung Quốc. Sau nhiều nỗ lực thoát thân cùng sự giúp đỡ chung tay của các ban ngành chức năng, những nạn nhân buôn bán người được trở về quê hương. Thế nhưng, đằng sau cuộc trở về ấy là cả một nỗi đau khó có thể quên được…
 
Kỳ tới: “Cuộc chiến” từ chính ý thức mỗi người dân

 

Bình luận (0)