Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phía sau nỗi đau buôn người: Kỳ cuối: “Cuộc chiến” từ ý thức mỗi người dân

Tạp Chí Giáo Dục

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ban chỉ đạo 138 và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị phát động chiến dịch truyền thông phòng, chống mua bán người trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào
Đằng sau cuộc trở về của các nạn nhân từ bọn buôn bán người ấy là một nỗi đau khó nói thành lời. Hơn ai hết, thông qua sự chung tay của chính quyền, cộng đồng thì chính bản thân mỗi người dân cần phải cảnh tỉnh trước sự cám dỗ đầy cạm bẫy ấy.          
Ngày trở về buồn
Câu chuyện về những nạn nhân buôn bán người mà chúng tôi từng gặp ấy hầu như đều có một đoạn đời nghiệt ngã sau ngày trở về. Như hoàn cảnh của chị T. thì trở về từ Trung Quốc mang theo một đứa con của người chồng hờ bên ấy. Về nhà, người mẹ già sau mấy tháng trời ngóng tin con khóc ròng. Cuộc đời chị ngỡ như được “cứu” khi bỏ ra ngoài tai những thị phi đời thường, một người đàn ông đem lòng yêu và cưới chị làm vợ, hai mặt con ra đời sau đó. Thế nhưng, người đàn ông ấy sau đó đã bỏ chị và hai đứa con thơ dại ra đi không hẹn ngày về. Chị T. như bức tượng đất sụp đổ trước những trận mưa nước mắt rồi gượng dậy một nách ba đứa con thơ, chạy chợ hôm, chợ sớm để nuôi con.
Còn người phụ nữ giấu tên mà chúng tôi từng nhắc tới trước đó thì càng oái oăm hơn. Sau nhiều tháng bị tráo qua đổi lại như một món hàng, chị đã bỏ trốn và may mắn gặp một người đàn ông biết nói tiếng Việt. Ông ấy tốt bụng đưa chị về nhà trốn và tìm cách đưa chị thoát khỏi “động quỷ” để trở về quê hương. Trước khi rời đất Trung Quốc, ông còn cho chị 50 ngàn đồng làm lộ phí về quê. Về đến Hà Nội, chị làm thuê gần một tháng để kiếm thêm tiền xe tàu rồi tìm về lại nhà mẹ ở thị xã Quảng Trị. Chị nói trong nghẹn ngào: “Ngày đi tui đã làm lễ hỏi. Nhưng ngày về thì người chồng chưa cưới ấy chính thức nói lời chia tay. Cũng không trách được vì mình đã ra nông nỗi ấy nhưng tủi thân lắm. Nhiều khi thấy mẹ tui khóc, hàng xóm dè bỉu mà nghẹn lòng nhưng cứ nuốt nước mắt vào không dám khóc. Mãi đến 3 năm sau, đứa em gái mới tìm được đường về, lòng tui vơi đi chút ít. Nhưng rồi em cũng không thể ở lại quê, phải lang bạt tận miền Nam để kiếm sống”.
Một trường hợp khác đó là chị L.H (SN 1988) ở huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Năm 16 tuổi, nghe lời rủ rê đã trót theo một người đàn bà lên tàu rồi bị thực hiện hành vi bán cái “ngàn vàng” khi con tàu đang chuyển bánh. Chị bảo, đó là chuyến tàu kinh khủng nhất đời chị. Một người đàn ông tốt bụng đã giúp chị trốn thoát trở về nhưng với chị, cuộc ra đi trước đó gần như không còn đường về. Chị theo một gánh hát rong đi tận miền Nam để trốn tránh lời dị nghị. Rồi chị cũng hạnh phúc khi tìm được người yêu thương nhưng oái oăm thay, đứa con đầu lòng của chị bị dị tật bẩm sinh. Hai vợ chồng phải gửi con đi làm thuê ở tận Sài Gòn để đưa tiền về chạy chữa…
Chung tay chống nạn buôn người
Nhiều năm qua, tình hình tội phạm buôn bán người tại tỉnh Quảng Trị tuy không diễn biến phức tạp như các tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Campuchia nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Từ năm 1994 đến nay, có 30 phụ nữ, trẻ em trên địa bàn bị lừa bán sang Lào, Trung Quốc. Điểm đáng chú ý là bọn tội phạm hoạt động theo hình thức đưa đón phụ nữ, trẻ em qua Lào, xuất cảnh trái phép sang Thái Lan làm nghề giúp việc cho các gia đình khá giả, sau đó lừa bán vào các tụ điểm mại dâm hoặc đưa qua Trung Quốc lao động hợp pháp. Hậu quả của mua, bán người không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới nạn nhân, cuộc sống của từng gia đình mà còn đe dọa đến sự ổn định, trật tự an toàn xã hội.
Để góp phần ngăn chặn tình trạng trên, UBND tỉnh Quảng Trị và Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam đã ký văn bản thỏa thuận hợp tác triển khai Dự án bảo vệ nạn nhân trên địa bàn. Trong khuôn khổ dự án, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với chương trình chấm dứt mua bán người, Sở Ngoại vụ tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội nghị giao ban cho cán bộ các ngành, địa phương, đơn vị. Công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng được quan tâm thực hiện. Ngoài ra, hoạt động tăng cường hợp tác giữa cơ quan chức năng của Việt Nam và Lào cũng được đẩy mạnh thông qua các văn bản ghi nhớ, quy chế phối hợp, đường dây nóng… Cùng với đó, vừa qua Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ban chỉ đạo 138 và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị phát động chiến dịch truyền thông phòng, chống mua bán người trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào. Riêng tỉnh Quảng Trị có tuyến biên giới đường bộ dài 206km, giáp với tỉnh Savannakhet, Salavan (Lào), có 2 cửa khẩu quốc tế La Lay, Lao Bảo cùng rất nhiều cửa khẩu phụ giao thông với nước bạn Lào, hoạt động giao thương diễn ra khá nhộn nhịp, có nhiều vấn đề phức tạp, nhất là hoạt động của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua, bán người qua biên giới.
Khi các ban ngành đã bắt tay vào cuộc, nhiều người dân lao động nghèo sẽ được bảo vệ trước nạn buôn người này.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Có thể nói rằng, các hoạt động buôn bán người ngày càng diễn ra tinh vi hơn. Vì thế, để tránh bị lừa đảo, hơn ai hết, chính mỗi người dân cần có ý thức cảnh giác hơn trước những cạm bẫy đầy ngon ngọt của bọn tội phạm. Có như thế, tình trạng này mới được xóa bỏ triệt để 
 

Bình luận (0)