Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phía sau tỷ lệ một chọi 100 ở Rap Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Ngay sau khi tổ chức casting ở TP.HCM và Hà Nội, ê-kíp sản xuất game show Rap Việt ngay lập tức chốt đội hình tiến vào vòng ghi hình. Một tuần trước, Rap Việt đã tổ chức buổi gặp gỡ dàn thí sinh của mùa 4 để thỏa thuận các điều khoản tham gia game show và lên phương án chuẩn bị cho vòng đầu tiên.

Năm nay, tiêu chí chọn thí sinh của Rap Việt tương tự mùa 3. Các rapper đã nổi tiếng và có cộng đồng fan chưa chắc được ưu ái vượt qua casting. Thay vào đó, từ thành công của Double2T, Rhyder hay Pháp Kiều ở mùa 3, Rap Việt không ngại chọn thí sinh ít tên tuổi trong giới rap, miễn là đáp ứng các tiêu chí về tài năng và tiềm năng phát triển sau khi lên truyền hình và gia nhập đường đua âm nhạc.

Phía sau tỷ lệ một chọi 100 ở Rap Việt ảnh 1

CoolKid, một trong những thí sinh tiềm năng nhiều khả năng góp mặt ở mùa 4.

Đông nhưng chưa “tinh nhuệ”

Con số hơn 5.000 thí sinh đi casting Rap Việt, nhìn ở bề ngoài là sự hoành tráng, cho thấy tỷ lệ chọi đặc biệt gắt gao ở game show này. Song, thực tế là số lượng thí sinh đi casting rất đông, nhưng mặt bằng chất lượng không gần nhau. Phần lớn trong số này là những rapper chỉ bắt đầu đi theo con đường rap.

Khi bước lên vị trí casting đối diện JustaTee, Suboi, Thái VG và Karik, họ nhận cái xua tay dừng lại chỉ sau vài giây cất giọng.

Những rapper chất lượng, được giới rap đánh giá cao, đa phần hoàn thành tốt bài casting và được chọn vào vòng trong. Một rapper đi casting chia sẻ với Tiền Phong: “Trên sàn casting, nếu rapper hoàn thành trọn vẹn bài thi đầu tiên, sau đó được giám khảo cho trình diễn tiếp bài thứ 2 sẽ có cơ hội rất cao giành suất đi tiếp. Trong ngày đầu tiên casting ở TP.HCM, chỉ số ít rapper làm được điều đó”.

Rapper này cho biết phần lớn bị loại sớm, chưa kịp hoàn thành bài thi đầu tiên vì những lỗi sơ đẳng như quên lời, rap trượt beat (nền nhạc) hoặc màu sắc không hợp tiêu chí tuyển chọn của chương trình. Vậy nên, giám khảo lại là những người vất vả nhất trong các buổi casting vì phải “lọc sạn”, chọn được thí sinh ưng ý với tỷ lệ 1/100.

Dàn thí sinh được Rap Việt triệu hồi đến buổi gặp mặt, có Gill, Coldzy, Robber, là những rapper có tiếng trong giới. Gill và Coldzy từng lên sóng Rap Việt mùa một và 2. Tiếp đó, nhiều rapper tiềm năng, dần định hình chỗ đứng như CoolKid, Dangrangto, Puppy, 7dnight vượt qua casting, đúng như kỳ vọng từ rap fan. Phần còn lại sẽ là một loạt rapper mới, sắm vai “ẩn số” của Rap Việt mùa 4.

Phía sau tỷ lệ một chọi 100 ở Rap Việt ảnh 2

So với thế hệ của Thái VG, Karik, giới rap giờ bùng nổ số lượng rapper.

Bùng nổ nhạc rap

Tiền Phong đặt câu hỏi cho rapper MPaKK về sự nở rộ của rap, từ những rapper theo đuổi dòng nhạc này cho đến sản phẩm. Thành viên của nhóm Da LAB nhận định: “Tôi nghĩ sẽ dễ để làm một rapper hơn là ca sĩ. Một người không hát hay vẫn có thể rap được, chỉ cần sắp xếp câu chữ là đã có vần điệu rồi”.

Con số hàng nghìn thí sinh đăng ký casting Rap Việt mùa 4 là một phần để phản chiếu sự bùng nổ của rap tại thị trường nhạc Việt theo cấp số nhân. “Một mét vuông đang có 10 rapper”, đây là câu nói mà nhiều khán giả bình luận vui trên mạng xã hội để chỉ ra việc số lượng rapper xuất hiện trên thị trường tăng đột biến. Trên đà tốc độ đó, số lượng ca khúc rap được ra mắt trên các nền tảng nghe nhạc cũng không đếm xuể.

Để làm ca sĩ, chỉ có duy nhất một con đường là cần hát hay. Trong khi đó, để làm rapper, có nhiều cách. Chỉ cần nắm vững về nhịp, giai điệu, rapper có thể tạo ra bản rap. Nhiều rapper không có năng khiếu về nhịp, giai điệu, vẫn có thể được “cứu” nhờ công nghệ phòng thu. Nếu chất giọng của rapper đó không tốt, dùng auto-tune là phương án để kéo lại mọi thứ, từ đúng tông, chuẩn nhịp và có truyền cảm.

Sản xuất ra một sản phẩm rap, phần lớn quy trình đều đơn giản hơn so với một ca khúc chuẩn chỉnh của ca sĩ. Đó là con beat đòi hỏi không quá nhiều lớp nhạc cụ, kết cấu đơn giản, chỉ cần verse và hook đủ để tạo ra bài rap. Sự kết hợp linh hoạt giữa những rapper trong sản phẩm cũng là một phần quan trọng, là nét đặc sắc của rap, giúp quy trình sản xuất ca khúc được thu hẹp đi nhiều.

Từ những lý do kể trên, cánh cửa để tìm tới rap mở ra với bất kỳ ai. Với một rapper, chuyện sản xuất EP, mixtape hoặc album trong thời gian ngắn là bình thường. Nhìn lại diễn biến trên thị trường nhạc Việt trong 2 năm qua, tính riêng phân khúc nhạc mainstream thực thụ, nơi của những nghệ sĩ tên tuổi, phần lớn album ra mắt đến từ các rapper.

Nhạc rap ra mắt nhiều nhưng thật sự chất lượng và chinh phục khán giả chẳng đáng bao nhiêu, tương ứng tỷ lệ một chọi 100 ở casting Rap Việt. 5 năm qua, số lượng rapper thành danh ở thị trường nhạc Việt tăng lên rất nhiều so với giai đoạn trước, nhưng vẫn còn ít nếu lấy trung bình rapper đang hoạt động. Tương tự, từ game show Rap Việt, tỷ lệ thí sinh duy trì sức hút lâu dài, thật sự vươn tầm cũng chỉ đếm ở đầu ngón tay.

Theo Quỳnh Anh/TPO 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)