Y tế - Văn hóaThư giãn

Phía sau việc dành hơn 2 tiếng để dùng MXH nhưng chỉ dành khoảng 1 phút đọc sách của người Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Dù nhiều năm nỗ lực để đạt chỉ tiêu 6 bản sách/người/năm vào 2010 nhưng hiện tại, người Việt chỉ đọc khoảng 1 bản sách/người/năm.

Người Việt đọc sách: E rằng lại nói chuyện… trăm năm

Trong nhiều năm qua, không thiếu những tọa đàm, hội thảo, chương trình bàn về thói quen đọc sách của người Việt. Ở đó, các cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan chỉ ra nguyên nhân vì đâu người Việt lười đọc sách và đưa ra định hướng cải thiện. Nhưng cho đến nay, người Việt cũng chỉ đọc khoảng 1 bản sách/người/năm.

Không gian sách cũ tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP.HCM.

Dành hơn 2 tiếng để sử dụng MXH nhưng chỉ dành khoảng 1 phút để đọc sách

Ngày 25/8/2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành chỉ thị 42-CT/TW Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, tại điểm 2.3 đã chỉ rõ đến năm 2010, phấn đấu đưa sách về đến cấp huyện và đưa sách đến phần lớn các xã để đạt chỉ tiêu 6 bản sách/người/năm.

Tuy nhiên, sau 10 năm (2010 – 2019) thực hiện, những con số cách xa chỉ tiêu được đề ra từ chỉ thị 42-CT/TW khiến bất kỳ ai nghe thấy đều không khỏi lo lắng. Theo số liệu của Cục Xuất bản Việt Nam trong 3 năm gần đây, bình quân mỗi năm, Việt Nam xuất bản chưa tới 400 triệu bản sách, nếu chia trên 90 triệu dân, bình quân 4 đầu sách/người.

Theo thống kê, người Việt đọc khoảng 1 bản sách/người/năm

Nhưng, nếu phân tích sâu hơn thì số lượng sách giáo khoa, giáo trình là sách công cụ để học tập với trên 300 triệu bản đã chiếm 80% trong tổng số 400 triệu bản kể trên. Số lượng học sinh cấp 1, 2, 3 trên cả nước có khoảng 22 triệu học sinh trên tổng số 90 triệu dân. Như vậy, gần 100 triệu bản sách còn lại dành cho trên 90 triệu dân sẽ phân bổ khoảng 1 đầu sách/người/năm.

Với khoảng hơn 1,1 đầu sách/năm, người Việt đã có sự thay đổi với chính mình vì nếu so với con số trong khảo sát do Bộ Thể thao – Văn hoá và Du lịch thực hiện trong năm 2013, người Việt đọc trung bình 0,8 đầu sách/năm- một con số còn cách xa ở phía sau các quốc gia khác, một sự thay đổi mà cười hay mếu có lẽ cũng như nhau.

Không gian đọc sách không xuất hiện nhiều tại các khu vực công cộng.

Đã có nhiều lý do lý giải vì sao người Việt lười đọc sách được đưa ra trong toạ đàm Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ? mới đây, và lý do lớn nhất là người Việt chưa có thói quen đọc sách. Phân tích sâu hơn, có quá nhiều yếu tố tác động đến thói quen đọc sách của người Việt, trong đó có tác động lớn từ mạng xã hội. Người Việt dành hơn 2 tiếng/ngày để sử dụng mạng xã hội nhưng chỉ dành khoảng 1 phút đọc sách/ngày.

Theo thống kê, Việt Nam không có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới, thậm chí ở top các quốc gia đọc sách ít nhất thế giới. Trong đó Đông Nam Á có 3 nước: Singapore đứng thứ 36, Malaysia đứng thứ 53 và Indonesia đứng thứ 60. Nghĩa là ở phạm trù đọc sách, Việt Nam không hề được nhớ tới.

Ngoài ra, nhiều lý do khác khiến người Việt lười đọc sách liên quan đến hệ thống giáo dục nhà trường và gia đình, số lượng thư viện còn ít, sự quan tâm chưa đúng tầm của các đơn vị liên quan, các hoạt động về sách chưa tiếp cận được số đông… Đây đều là những tồn tại đã được nhắc đến trong nhiều năm qua nhưng cách làm vẫn chưa hiệu quả.

Thói quen đọc sách: Tạo từ đâu?

Muốn hình thành thói quen đọc sách, công việc này không riêng của nhà trường, gia đình hay xã hội mà đó là sự tổng hoà các mối quan tâm, chung tay thực hiện các hoạt động liên quan đến sách. Cho đến hiện tại, dường như mọi công tác thực hiện đều chưa ở thế chủ động.

Ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết: “Không như các nước phát triển trên thế giới hay trong khu vực như Singapore, Malaysia… đều có tiết đọc sách được bố trí trong khung giờ chính thức ở tất cả các trường, đa số các trường tại thành phố và cả nước mình không có tiết đọc sách”.

Ngoài sách, Đường sách còn bán nhiều quà lưu niệm, túi xách, mũ nón…

Trong nhà trường, sự quan tâm đến việc đọc sách chưa được đồng bộ. Ngay trong các thư viện tại trường học vẫn có những bất cập đáng lo ngại mà nếu nhắc đến, điều đó thuộc về chính sách, chế độ đãi ngộ, kinh phí hoạt động. Để rồi đến những buổi tọa đàm, câu chuyện của một cô thủ thư với đồng lương quá thấp, kiêm nhiệm nhiều công việc, thiếu trình độ và một thư viện nhiều sách cũ, thiếu sách mới lại được nêu lên.

“Chúng ta vẫn thường nói công nghệ thông tin tác động đến thói quen đọc sách nhưng đó có phải là điều đúng không? Tôi nghĩ cần có những nghiên cứu cụ thể. Về phía gia đình, nhà trường, xã hội đều có những tồn tại nhất định ảnh hưởng đến thói quen đọc sách”, PGS.TS Hoàng Thị Tuyết – Giám đốc Trung tâm Phát triển Văn hoá đọc và Kỹ năng sống chia sẻ.

Không gian bên trong xe buýt sách giống như những gian hàng khác tại Đường sách Nguyễn Văn Bình.

Gia đình ở đâu và nhà trường ở đâu trong việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ? Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, câu hỏi này nên đặt ra từ lâu chứ không phải chờ đến bây giờ và tìm giải pháp.  

“Giúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ 14, 15 tuổi trước nay chưa từng được nghe chuyện, chưa từng rờ tới sách, suốt ngày chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do cao cả “khám phá kho báu tri thức” hay “nâng cao văn hóa đọc” như người lớn vẫn hay nói là một việc quá muộn màng, vì vậy quá nhọc nhằn, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.

Sự quan tâm của gia đình và nhà trường đến việc tạo thói quen đọc sách đã có sự chuyển biến so với trước. Đương nhiên, kết quả chưa thể nhìn thấy ngay và còn một quãng đường quá xa để từ 1 bản sách/người/năm đạt được 6 bản như con số đưa ra từ cách đây 15 năm. Nhưng, những tồn tại đã thấy và nhiều con số bình chân như vại sau ngần đó năm phản ánh tầm nhìn, năng lực không chỉ của gia đình, nhà trường mà là của cả những cơ quan liên quan.

Theo Diễm Mi/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)