Sau gần 3 tháng đi vào hoạt động, phiên chợ xanh tử tế đã trở thành địa chỉ mua sắm tin cậy của nhiều gia đình. Những sản phẩm “cây nhà, lá vườn”, đặc biệt là rau xanh đảm bảo vệ sinh đã làm phong phú, tạo thêm chất lượng cho phiên chợ.
Khách hàng đang mua rau tại phiên chợ xanh tử tế |
Kết nối cung – cầu
Phiên chợ xanh tử tế được diễn ra 1 tháng 2 lần (thứ bảy và chủ nhật của tuần thứ nhất và thứ 3, kéo dài từ 8 giờ đến 18 giờ mỗi ngày) tại 163 Pasteur, P.6, Q.3 với hơn 20 gian hàng đa dạng từ các món đặc sản đến cây trái địa phương. Trong số đó, các gian hàng rau sạch thu hút các bà nội trợ hơn cả. Có mặt ở phiên chợ từ lúc 8 giờ sáng cuối tuần, chị Mai Lan (Q.3) vui mừng khi đã mua được cho gia đình những bó rau xanh ưng ý. “Tôi đến phiên chợ này ngay từ những ngày đầu và rất hài lòng dù giá cả các mặt hàng có thể cao hơn thị trường từ 5-15%. Hôm nào muốn mua rau sạch tôi phải đi sớm vì thường chỉ khoảng 2 tiếng sau khi mở cửa thì các gian hàng rau đã bán hết sạch”, chị Mai Hoa chia sẻ.
Rau là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của nhiều gia đình người Việt. Thế nhưng, trước những bất an về vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay, nhiều người nội trợ không khỏi đắn đo, thấp thỏm khi mua rau. Tâm lý chung của họ là nhiều khi chẳng biết mua rau sạch ở đâu để có thể yên tâm bởi rau ở chợ hay trong siêu thị cũng chưa hẳn an toàn. Trong khi đó, rất nhiều người trồng rau sạch lại khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Nắm bắt nhu cầu đó, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã làm chiếc cầu nối để giải quyết bài toán kết nối cung – cầu. Người dân TP có cơ hội được sử dụng các sản phẩm nông sản sạch đúng nghĩa “xanh, sạch, an toàn”. Người nông dân làm ra sản phẩm cũng đỡ vất vả trong việc tìm khách hàng. Sự tử tế của một phiên chợ bắt nguồn từ đấy.
Hơn 50kg rau trên sạp của gia đình chị Trần Thị Mai (Củ Chi) thu hút đông khách hàng. Sau hơn 1 tiếng, sạp chỉ còn vài bó. “Tôi hiểu tâm lý của người tiêu dùng rất bất an khi mua rau bởi họ sợ rau trồng phun thuốc trừ sâu và thuốc kích thích. Nếu tôi có mang rau ra chợ và giải thích với từng người rằng tôi không phun thuốc vào rau thì họ cũng không tin. Phiên chợ xanh tử tế đã giúp tôi có cơ hội giới thiệu rau sạch của gia đình mình đến với khách hàng, giúp tôi được làm người nông dân tử tế với nguồn rau được kiểm định kỹ lưỡng thông qua đơn vị tổ chức”.
Mô hình cần nhân rộng
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay là bài toán đau đầu cho nhiều người nội trợ. Muốn có một mâm cơm “sạch” đúng nghĩa không hề dễ dàng. Đông đảo khách hàng tìm đến với phiên chợ xanh tử tế đã cho thấy nhu cầu về thực phẩm xanh, sạch của người dân TP là rất cao nhưng những mô hình như phiên chợ này lại quá ít. |
Phiên chợ xanh tử tế còn có sự góp mặt của nhiều sản phẩm đã có thương hiệu, thành lập công ty, nhưng có gian hàng chỉ mới chập chững những bước đi đầu tiên. Đến phiên chợ này, không chỉ có mỗi rau mà khách hàng có thể tìm mua được nhiều nông sản và sản phẩm được chế biến từ nông sản nổi tiếng khác như: nước mắm rươi Long Vinh từ Trà Vinh, trà măng tây Linh Đan từ Ninh Thuận, gạo thơm, nấm Ngọc Thạch từ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành… Bà Trần Lê Thùy Trang, chuyên viên phát triển dự án Trung tâm Sáng tạo và ươm tạo doanh nghiệp, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết: “Tham gia phiên chợ xanh tử tế, chúng tôi muốn giới thiệu đến khách hàng sản phẩm nấm hữu cơ của mình. Bên cạnh đó, đây cũng chính là cơ hội để các bạn trẻ trong dự án được khởi nghiệp với những bước đi ban đầu chủ yếu dựa vào đam mê và nghị lực”. Vì vậy, có gian hàng dù sản phẩm mỗi ngày đều bán hết veo và lợi nhuận thu được không nhiều nhưng kinh nghiệm họ thu về được là vô giá.
Thử sức ở phiên chợ xanh tử tế, người sản xuất có cơ hội trải nghiệm, nâng cao kỹ năng tiếp thị, bán hàng, nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Hơn hết, người tiêu dùng được tiếp cận với các mặt hàng nông sản sạch trên cả nước. Lấy ý tưởng từ những lần tổ chức Ngày hội hàng Việt Nam chất lượng cao, BSA đã “chấm điểm” và chọn những nhà vườn, nhà cung cấp thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng trên cả nước, để đưa đến tận tay người tiêu dùng.
Thiết nghĩ, sự tử tế của người trồng rau, buôn rau không chỉ diễn ra trong một, hai ngày mà cần xuyên suốt để những người nội trợ có thể yên tâm bày trên bàn những đĩa rau ngon, đảm bảo vệ sinh. Người tiêu dùng cũng hãy là người mua tử tế để mô hình này được lan tỏa đến cộng đồng.
Bài, ảnh: Yên Hà
Bình luận (0)