Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phiên dịch gieo chữ ở non ngàn

Tạp Chí Giáo Dục

Trên bục giảng, Mai nói một tràng tiếng Sán Chỉ dịch lại lời giảng của cô giáo vừa nói. Tôi đứng ngoài cũng chẳng biết em đã dịch đến đoạn nào nhưng các em nhỏ thì gật gù, đồng ý. “Phiên dịch” bài giảng sang tiếng Mông, Dao cho HS dân tộc là việc thường ngày của Mai, đã giúp việc gieo chữ trên vùng cao Pác Nặm (Bắc Kạn) nảy mầm.

Phiên dịch viên không biết tiếng Anh

Ở vùng cao, nơi chỉ có nghèo và đói nhưng đói nhất vẫn là đói chữ thì vận động được trẻ em đến trường đã khó, dạy các em học được lại càng khó hơn. Cô giáo không biết tiếng dân tộc, học trò lại chẳng hay tiếng Kinh, việc ươm mầm chữ gặp vô vàn trắc trở.

Từ đó xuất hiện những tình nguyện viên người dân tộc tình nguyện làm phiên dịch đứng lớp cùng giáo viên để truyền tải bài giảng từ tiếng Kinh sang tiếng dân tộc cho các em. Những cầu nối nhỏ ấy thực sự đang giúp chủ trương lớn về phổ cập giáo dục đạt nhiều kết quả.


Mai đang phiên dịch cho các em HS. Ảnh: Linh Sơn

Hoàng Thị Mai, 18 tuổi, dân tộc Sán Chỉ ở thôn Nà Lẩy (Bộc Bố, Pác Nặm) đã phải nghỉ học sớm để lo kiếm sống phụ giúp cha mẹ. Không như những bạn bè cùng trang lứa khác sớm bước chân lấy chồng, Mai ước muốn được làm một điều gì ý nghĩa. Được sự giới thiệu của giáo viên ở phân trường Nà Lẩy, Mai đã xin được làm một trong những nhân viên hỗ trợ giáo viên của Trường Tiểu học Bộc Bố.

Với vốn tiếng dân tộc, cũng chưa bao giờ làm công tác phiên dịch, cô gái nhỏ nhắn này bước lên bục giảng chỉ với ước nguyện giúp các em học sinh hiểu bài. Đó là điều ý nghĩa khi Mai phải bỏ phần lớn thời gian phụ giúp gia đình làm nương rẫy để tới bục giảng.

Hằng ngày, Mai cùng đến lớp với cô giáo và các em học sinh ở phân trường Nà Lẩy. Mỗi ngày cô, trò của phân trường dạy và học bao nhiêu tiết học thì cũng là thời gian Mai cùng ở trên lớp. Với nhiệm vụ của một nhân viên hỗ trợ giáo viên, Mai “phiên dịch” nghĩa của từng từ, từng câu tiếng Việt sang tiếng của dân tộc mình để các em dễ hiểu, dễ học. Mai tâm sự: “Những ngày đầu đến với công việc này em gặp phải khá nhiều khó khăn do cha mẹ phản đối không cho tiếp tục theo công việc này, vì làm như vậy thì sẽ không làm được nương rẫy. Nhưng từ khi được sự vận động của các thầy, cô giáo và hiểu được mong muốn của bản thân em nên cha mẹ đã để cho em đã tiếp tục theo công việc”.

Tôi đến lớp cùng Mai, nhưng khuôn mặt thơ ngây của các em học sinh như bừng sáng khi thấy Mai. Buổi học bắt đầu, cô giáo giảng bài, sau từng câu, Mai lại dịch sang tiếng dân tộc. Phấn khởi, vui vẻ, buổi học như gần gũi và dễ hiểu hơn hẳn.

Leo qua đỉnh Phiêng Lủng, gặp Sùng Thị Sải – người dân tộc Mông là nhân viên hỗ trợ giáo viên của phân trường Phiêng Lủng (Trường TH Bộc Bố) tôi không khỏi chạnh lòng về hoàn cảnh của em. Mẹ mất sớm nên Sải phải nghỉ học giữa chừng. Tuy nhiên, mong muốn được đến trường, tiếp tục theo học vẫn theo Sải hằng ngày.

Đứng trong sương sớm mỗi ngày nhìn các em nhỏ tới lớp, Sải khao khát được tới trường. Chính vì vậy, khi được giáo viên của phân trường giới thiệu, mặc dù gặp phải sự phản đối của người thân nhưng Sải vẫn quyết tâm được tham gia công việc của một nhân viên hỗ trợ giáo viên để từng ngày được đến trường cùng các em nhỏ trong thôn, cùng góp sức truyền tải kiến thức đến các em học sinh, giúp các em có điều kiện được học tập đầy đủ.

Sải cho biết: “Từ nhỏ em đã rất thích được đến trường theo học và mong muốn được trở thành cô giáo sau này về dạy chữ cho các em nhỏ trong thôn, chỉ mong muốn được cống hiến sức lực nhỏ bé của mình giúp cho các em nhỏ trong thôn có điều kiện học tập đầy đủ, không phải chịu thiệt thòi như em nữa”. Có lẽ không đâu lại có những phiên dịch viên đặc biệt như vậy khi chính họ cũng là người dạy tiếng dân tộc cho các thầy cô giáo ở các phân trường.

Đa năng trong nhiệm vụ

Hàng loạt cái tên như Mai, Sải vẫn hằng ngày “đứng lớp” như Nông Văn Chạ (dân tộc Dao, phân trường Khuổi Bốc, Trường TH Xuân La), Triệu Văn Thông (dân tộc Dao, phân trường Khâu Vai, Trường TH Bộc Bố). Có một điểm chung ở hầu hết các nhân viên hỗ trợ giáo viên là họ đều còn rất trẻ, trung bình chỉ 18-20 tuổi và đều đã tốt nghiệp THCS trở lên.

Cô giáo Trương Thị Tuyết (Trường TH Bộc Bố) cho biết: “Mặc dù là một giáo viên dạy ở vùng cao đã lâu năm nhưng trong giao tiếp cũng như trong giảng dạy, chúng tôi còn gặp rất nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ với các em học sinh. Nhiều khi giảng thì cứ giảng mà không biết trò có hiểu được hay không. Trò không hiểu bực mình nói bằng tiếng dân tộc cô giáo cũng “mù tịt”. Từ khi có các nhân viên hỗ trợ giáo viên giúp đỡ việc giảng bài, truyền tải kiến thức đến học sinh vùng cao là dân tộc thiểu số mà không vấp phải nhiều khó khăn như trước nữa.

Hơn hết, các nhân viên này lại có trình độ học vấn trung bình tốt nghiệp THCS trở lên, nên cũng dễ dàng cho việc hỗ trợ các giáo viên trong bài giảng”. Đồng lương ít ỏi chỉ khoảng 360 nghìn đồng/người/tháng, vừa phải tham gia “phiên dịch”, vừa làm công tác vận động, giảng bài cho các em học sinh, nhưng với tình yêu trẻ nhỏ, mong muốn được giúp các trẻ em vùng cao có điều kiện được học tập nên họ đã vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần đưa cái chữ, hơn hết là đưa tiếng Việt đến đồng bào, trẻ nhỏ người dân tộc thiểu số ở các thôn vùng cao.

Không chỉ làm nhiệm vụ truyền lại cho các em học sinh từng từ, từng câu trong bài giảng của các giáo viên mà ngoài giờ học Sải còn đến từng nhà để động viên, nhắc nhở các em đến lớp và phải chịu khó học bài. Sải kể: "Nhiều em bỏ học, mình lại cùng cô giáo tới vận động các em trở lại trường, mình là người bản địa lại biết tiếng dân tộc, gia đình và các em cũng tin tưởng hơn rất nhiều".

Hơn thế, trong nhiều trường hợp Sải còn kiêm nhiệm cả vai trò của người “gia sư” tại nhà cho các em. Chính niềm vui được đến trường cùng thầy, cô giáo và các em học sinh đã tạo thêm niềm tin để Sải vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, tiếp tục gắn bó với công việc mà mình đang theo đuổi.

Đi bộ hàng chục cây số vận động học sinh đã trở thành quen thuộc với những phiên dịch viên này. Việc làm ý nghĩa của họ thật đáng trân trọng khi tất cả chỉ mong muốn được đến trường, được học cao hơn. Không đạt được ước vọng ấy vì hoàn cảnh gia đình họ đã biến điều đó thành động lực để giúp các em nhỏ khác được học hành. Ai có thể giúp những người như Mai, Sải… tiếp tục được đi học vẫn là câu hỏi đeo đẳng theo tôi mãi trên đường về.

Linh Sơn (Vietnamnet)

Bình luận (0)