Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Giải tán sở quy hoạch – kiến trúc?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chiều 24-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị (QHĐT). Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân nhận định, nếu áp dụng mô hình kiến trúc sư trưởng đô thị thì sở quy hoạch – kiến trúc không còn cần thiết.

Chưa rõ quan hệ giữa 3 cơ quan về quy hoạch kiến trúc

Báo cáo thẩm tra dự án Luật QHĐT của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Hà Văn Hiền trình bày cho biết, nhiều ý kiến thành viên UB đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa Hội đồng kiến trúc quy hoạch – Kiến trúc sư trưởng (sự kiến sẽ thành lập) và Sở QH-KT hiện nay. Sau khi cân nhắc ý kiến các bên, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo đề nghị giữ Hội đồng kiến trúc quy hoạch tại cấp tỉnh và chức danh Kiến trúc sư trưởng tại một số thành phố trực thuộc Trung ương. Chính phủ sẽ quy định nhiệm vụ cụ thể của 2 chủ thể này.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, khi có Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng thì Chính phủ cần nghiên cứu có nên giữ Sở QH-KT ở một số TP như hiện nay (Hà Nội và TPHCM – PV) hay không, để tránh tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Ksor Phước cho rằng, bỏ Sở QH-KT không ổn, vì Hội đồng kiến trúc – quy hoạch không thể làm công tác quản lý Nhà nước. “Phải nghiên cứu thêm theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ để hạn chế sự chồng lấn. Vì nếu Sở QH-KT, Kiến trúc sư trưởng và Hội đồng có ý kiến trái chiều thì lãnh đạo biết nghe ai?”, ông Phước thẳng thắn phát biểu.

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân thông tin: “Trên thực tế, Sở Xây dựng mới là cơ quan Nhà nước có chức năng quản lý quy hoạch – kiến trúc. Hà Nội và TPHCM là hai trường hợp đặc biệt, có Sở QH-KT là “hệ quả” của việc thí điểm mô hình Kiến trúc sư trưởng từ năm 1992. Tới năm 2001, sau 10 năm thí điểm, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng mới chuyển thành Sở QH-KT”. Bộ trưởng Quân cho biết, bộ đã làm việc với các địa phương và nhận được sự đồng tình về quan điểm sẽ giải tán Sở QH-KT. Nhiệm vụ quản lý nhà nước về quy hoạch – kiến trúc sẽ trả về Sở Xây dựng.

Mỗi gia đình có từ 1-2 con

Cũng trong chiều 24-12, UBTVQH đã nghe và thảo luận về Dự án Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Bá Thủy, việc quy định thiếu chặt chẽ tại Điều 10 “Mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định số con” dẫn đến việc người dân hiểu là Nhà nước không còn hạn chế quy mô gia đình. Chính phủ đề nghị sửa Điều 10 thành “Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền: quyết định thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh, sinh 1 hoặc 2 con phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập…”. 

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách khẳng định: “Nếu không kiên quyết sửa thì chúng ta còn phải đứng trước nhiều vấn đề về chất lượng dân số cần phải giải quyết”.

Theo số liệu của Bộ Y tế năm 2007, Việt Nam không hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh do Quốc hội giao (chỉ đạt 0,25‰ so với chỉ tiêu 0,3‰). Ước tính cả năm 2008, tỷ lệ giảm sinh cũng chỉ đạt 0,1‰; không hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh do Quốc hội giao (0,3‰).

UBTVQH cũng đã xem xét, cân nhắc đến các trường hợp không phải nộp và được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, tiền án phí, tạm ứng lệ phí và lệ phí. Để nâng cao trách nhiệm của người đi khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực đất đai, người đi khiếu kiện sẽ phải nộp tạm ứng án phí và chịu án phí trong trường hợp yêu cầu không được tòa án chấp nhận.

Anh Phương (Theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)