Những tuyên bố và hành động chính thức gần đây của chính quyền mới ở Philippines được xem như là sự thay đổi hoàn toàn chính sách đối ngoại của chính quyền tiền nhiệm (Benigno Aquino III), có thể khiến Philippines đánh mất tuyên bố chủ quyền trên biển.
Cảnh sát đụng độ người biểu tình bên ngoài tòa Đại sứ quán Mỹ ở Manila ngày 19-10 – Ảnh: AP |
Tuyên bố nhân nhượng bãi cạn Scarborough đối với Trung Quốc diễn ra trước khi ông Duterte dự kiến gặp các quan chức Trung Quốc vào tuần này đã châm ngòi sự giận dữ của người dân tại Philippines, trong đó một thẩm phán Philippines thậm chí đưa ra cảnh báo ông Duterte có thể bị buộc tội phản quốc.
Trao đổi với người viết, tiến sĩ Jay Batongbacal, giám đốc Học viện các vấn đề hàng hải và Luật biển Philippines, cho rằng những hành động của ông Duterte đang làm lãng phí các nỗ lực của chính quyền tiền nhiệm trong việc khẳng định quyền chủ quyền và pháp quyền.
“Từ tất cả tuyên bố của tổng thống Philippines, có vẻ như ông ấy đang hoàn toàn rút lui khỏi vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền – ông Batongbacal nói – Tuyên bố này sẽ trả giá. Những gì đang diễn ra cho thấy Trung Quốc đang được cho phép tự do làm bất cứ điều gì họ muốn ở Biển Đông”.
Gần đây, ông Duterte còn đe dọa ngừng thực hiện Hiệp định gia tăng hợp tác quân sự Mỹ – Phi, vốn cho phép quân đội Mỹ gia tăng sự hiện diện luân chuyển ở Philippines và tham gia những hoạt động quân sự chung của nhiều nước trong khu vực. Ông cũng tuyên bố sẽ tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Nga.
Những tuyên bố trên của ông Duterte báo hiệu sự xoay trục của Philippines về Trung Quốc và những siêu cường phương Đông, đồng thời báo hiệu sự thay đổi trong mối quan hệ đồng minh quân sự Mỹ – Philippines kéo dài 65 năm nay.
Tiến sĩ Jay Batongbacal cho rằng Philippines đang kiềm chế Mỹ bằng cách từ chối cho Washington tham gia những hoạt động ở Biển Đông. “Philippines đang tạo cho Mỹ nhiều khó khăn, bởi Mỹ không thể làm bất cứ điều gì ở Biển Đông mà không có sự tham gia và ủng hộ chủ động của Philippines” – vị chuyên gia này nói.
Tuy nhiên, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải để bảo vệ các lợi ích của nước này ở Biển Đông. “Philippines sẽ bị bỏ lại một mình để tự chăm sóc chính mình” – tiến sĩ Batongbacal nhận định.
Tiến sĩ Batongbacal nói Philippines không thể mất Mỹ. “Tôi không nghĩ sẽ là thực tế nếu chúng ta có thể cắt đứt quan hệ với Mỹ. Thế bạn phải làm gì với những người nói tiếng Anh và đầu tư kinh tế ở khắp đất nước này? – ông Batongbacal nói – Tuy nhiên, Mỹ tự tin rằng mối quan hệ văn hóa kinh tế rộng lớn hơn giữa Mỹ và Philippines mạnh mẽ hơn những gì mà một tổng thống mới có thể gây ảnh hưởng”.
Ngoài việc đánh mất một đồng minh lâu năm, Philippines cũng có thể đánh mất quyền chủ quyền ở những vùng biển của mình và uy tín trong cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc đang đòi yêu sách chủ quyền đối với phần lớn vùng biển của Philippines, bao gồm toàn bộ Reed Bank và một phần của mỏ khí Malampaya.
Trong những năm qua, Philippines là người đi tiên phong trong khu vực khi đâm đơn kiện và giành thắng lợi vụ kiện đối với Trung Quốc. Quan trọng hơn, phán quyết của Tòa trọng tài có thể áp dụng cho các tranh chấp trên biển khác trong khu vực. Nhưng Philippines bây giờ đang lênh đênh khi không có một chiến lược rõ ràng về vấn đề tranh chấp trên biển và tệ hơn nữa là dâng hai tay lãnh hải của mình cho Trung Quốc.
Bình luận (0)