Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm nay cho hay quốc đảo Đông Nam Á lần đầu tiên theo đuổi việc tự vũ trang với những chiến đấu cơ không phải do Mỹ chế tạo.
Philippines cần những chiến đấu cơ mới để thay thế cho mẫu máy bay F-5 đã nghỉ hưu. Ảnh: Jim Guiao Punzalan |
Ông Aquino cho biết chính phủ của ông đã đề nghị mua các máy bay chiến đấu F-16 cũ từ Mỹ. Tuy nhiên, chi phí bảo dưỡng số máy bay này có thể sẽ rất lớn do chúng đã quá cũ kỹ. "Chúng tôi có thể phải chi ra từ 400 tới 800 triệu USD cho mỗi phi đội, trong khi chúng tôi cần ít nhất hai phi đội máy bay chiến đấu", AFP dẫn lời tổng thống Philippines nói trên đài phát thanh Bombo ở thủ đô Manila.
"Chúng tôi cần một phương án thay thế, và thật bất ngờ, chúng tôi dường như có khả năng mua các chiến đấu cơ mới nhưng không phải là từ Mỹ", ông Aquino nói nhưng không đề cập tới loại máy bay này. "Những chiếc phi cơ chiến đấu này được sản xuất bởi một quốc gia khác mà tôi sẽ không tiết lộ tên ở thời điểm này".
Tổng thống Aquino lưu ý rằng Manila đã cho chiếc máy bay chiến đấu cuối cùng, một chiếc F-5 đặc trưng thời Chiến tranh Triều Tiên, nghỉ hưu vào năm 2005. Cùng với máy bay F-5, Philippines đã từng tin tưởng các máy bay cũ kỹ và lỗi thời của Mỹ, gồm có T-33 và P-51 Mustang, như những chiến đấu cơ hữu dụng.
Từ năm 2005 đến nay, Philippines tiếp tục sử dụng các máy bay huấn luyện S211 của hãng Marchetti, Italy. Các phi cơ này đôi khi được sử dụng như máy bay tấn công mặt đất để đối phó với các tình hình bất ổn. Thực tế là Manila hiện không có hệ thống phòng thủ trên không hiệu quả.
Philippines tháng trước đề nghị được cung cấp máy bay, tàu tuần tra và các hệ thống radar từ đồng minh quân sự là nước Mỹ, với mục đích có được sự phòng vệ đáng tinh cậy ở mức tối thiểu. Mỹ sẽ chuyển giao cho Philippines một tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ hai trong tháng này.
Tuyên bố của Tổng thống Aquino về việc mua máy bay chiến đấu mới được đưa ra trong bối cảnh Manila và Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền tại bãi đá Scarborough/Hoàng Nham hơn một tháng qua. Cả hai nước tuyên bố chủ quyền với bãi đá này và không có dấu hiệu nhượng bộ.
Tàu ngầm USS North Carolina của Mỹ hôm qua cập cảng Subic của Philippines trong một chuyến thăm thường kỳ. Subic từng là căn cứ quân sự lớn của Mỹ, sau đó Philippines đã mở cửa tự do và chuyển thành khu nghỉ dưỡng, khu công nghiệp nhẹ.
Theo VNE
Bình luận (0)