Y tế - Văn hóaThư giãn

Phim 16+: Hạn chế hay câu thêm khán giả

Tạp Chí Giáo Dục

 Chưa bao giờ phim dán nhãn khuyến cáo hạn chế trẻ em dưới 16 tuổi lại nở rộ ở các rạp như gần đây, và thay vì hạn chế người xem, thì mác 16+ này dường như lại trở thành “nam châm” hút khách.
Nhìn lại những phim ra rạp trong nửa cuối năm 2014, không khỏi giật mình trước sự bùng nổ của những tác phẩm được Cục Điện ảnh xếp vào loại 16+. Từ tháng 6/2014 đến nay, có hơn 20 phim nước ngoài và bảy phim VN không dành cho trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó đỉnh điểm như tháng Tám vừa qua có đến gần 1/2 phim bị hạn chế về độ tuổi người xem. Lý do để các phim bị đóng mác 16+ rất đa dạng: bạo lực (Hiệp sĩ mù, Hương ga, Mạng đổi mạng, Mật danh, Nước mắt sát thủ, Lucy, Dị biến, Tội ác ngủ say, Hercules, Chiến binh phương bắc); hình ảnh rùng rợn, máu me (Đoạt hồn, Bệnh viện ma ám, Tế xác, Trò chơi gọi hồn, Tượng ma, Trang điểm xác chết, Triệu kiểu chết miền Viễn Tây, Sách ma); có cảnh nóng hoặc có lời thoại thô tục (Lạc giới, Hương ga, Mất xác, Bước khẽ đến hạnh phúc, Bồng bột tuổi dậy thì, Cô gái mất tích, Ham muốn thể xác, Siêu ngốc gặp nhau, Vợ người yêu và người tình)…
Phim 16+ còn lan ra cả những sự kiện liên hoan phim (LHP) được tổ chức ở VN. Tại LHP quốc tế Hà Nội lần thứ ba, có sáu phim 16+ được đưa vào trình chiếu gồm ba phim trong chương trình Điện ảnh thế giới: Broken – Hàn Quốc, Sex (Appeal) – Đài Loan, Hương ga và ba phim trong chương trình Điện ảnh độc lập Philippines: Otso, Sonata, Rekcorder. Đó là chưa kể ba phim Việt tham dự là Đập cánh giữa không trung, Nước-2030 và Dịu dàng vốn cũng có các cảnh “nhạy cảm” nhưng chưa thấy khuyến cáo độ tuổi người xem. Trong số 10 phim chiếu tại LHP Đức 2014 ở các thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng và TP.HCM vào tháng Chín qua có đến năm phim 16+ là Cuộc viếng thăm bất ngờ, Vị hạt táo, Bãi ve chai, Hai mặt cuộc đời và Cụ Gớt.

Cảnh trong phim Kẻ săn tin đen, phim được dán nhãn 16+
Phân loại độ tuổi khán giả thích hợp cho một bộ phim là việc làm phổ biến trên thế giới và các nước thường phân chia nhỏ theo nhiều cấp tuổi, tuy nhiên ở VN hiện chỉ mới có một mức 16 tuổi được áp dụng từ năm 2007. Việc phân loại này trên lý thuyết sẽ giúp các nhà làm phim mạnh tay hơn khi dấn thân vào những đề tài nhạy cảm, nhưng trên thực tế những phim 16+ ra rạp hầu như đều phải cắt bỏ những đoạn “nhạy cảm”. Ý nghĩa phân loại vì thế không còn mấy tác dụng, thêm vào đó, việc dán nhãn của Cục nhằm hướng đến đối tượng người xem và mang tính chất khuyến cáo chứ không phải một sự kiểm soát nên việc “lọt sổ” khó tránh vì ý thức khán giả hiện nay nhìn chung chưa cao. Hiện tượng các bậc phụ huynh vô tư dẫn theo con nhỏ đi xem phim 16+ hoặc học sinh dưới 16 tuổi xem phim 16+ không khó bắt gặp ở các rạp.
Trong khi mục đích hạn chế người xem chưa đạt được thì ngược lại nhãn 16+ có vẻ đang trở thành công cụ để các nhà làm phim câu khách. Những phim bị đóng mác “người lớn” của VN đa phần rơi vào trường hợp lạm dụng nhiều cảnh nóng. Dù không phải tất cả các cảnh quay này sau đó đều hiện diện đầy đủ trên phim nhưng cũng đã kịp là “chiêu” PR hiệu quả của nhà sản xuất. Tâm lý người xem cũng thường tò mò trước những bộ phim được hé lộ có cảnh “nóng”. Ngoài sex, kinh dị, một yếu tố khác dễ khiến phim bị liệt vào loại 16+, cũng là gu của đa số người xem hiện nay, thế nên những phim 16+ càng đắt khách.
Dự kiến sang năm 2015, Cục Điện ảnh sẽ áp dụng một hệ thống phân loại mới, rõ ràng, cụ thể hơn chứ không quy mỗi mốc 16+ như hiện nay. Khi đó, hy vọng người xem ở các độ tuổi sẽ có nhiều lựa chọn hơn và tình trạng lạm dụng nhãn mác để câu khách cũng không còn.
Theo PNO


 

Bình luận (0)