Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim chiếu mạng: Cuộc đua “bắt trend” của các nhà sản xuất

Tạp Chí Giáo Dục

Những phim chiếu mạng được giới thiệu gần đây có nhiều tình tiết, nhân vật được xây dựng từ những câu chuyện, con người có thật trong đời thường, hoặc những trào lưu đang “hot” trên mạng xã hội. Tất cả đều mang đến những tràng cười sảng khoái cho khán giả.

Xem phim thấy đời

Thời gian vừa qua, gần 20 phim chiếu mạng được ra mắt. Đó là một con số ấn tượng. Các phim khai thác đề tài khá đa dạng, phản ánh nhiều ngóc ngách trong cuộc sống. Nhiều phim gây chú ý khi tái hiện lại một số câu chuyện, nhân vật có thật trong đời thường, hoặc phản ánh những vấn đề gây chú ý trong dư luận, trên mạng xã hội. Ngoài việc mang đến tiếng cười cho khán giả, các nhà sản xuất (NSX) còn hướng đến việc truyền tải một thông điệp ý nghĩa nào đó.

Ngay từ tập đầu tiên của Mèn đét ơi (Võ Tấn Phát sản xuất), hình ảnh hai chị em Bách Hợp bán bánh mì, cùng màn trò chuyện của chủ và khách đã nhắc nhớ câu chuyện về thương hiệu bánh mì trứ danh ở Sài Gòn từng gây xôn xao dư luận vừa qua. Võ Tấn Phát cũng thể hiện được dòng chảy thời sự qua hình tượng nhân vật vi-rút Omicron để nói về dịch bệnh, ý chí của con người. Anh cũng khéo léo đưa câu chuyện “mang tiền về cho mẹ” vào một đoạn hội thoại giữa hai nhân vật trên một chuyến xe ôm. Chủ đề này cũng từng được bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn, mạng xã hội sau khi rapper Đen Vâu cho ra mắt sản phẩm âm nhạc mới.

Cảnh trong phim Mèn đét ơi

Cảnh trong phim Mèn đét ơi

Còn nhớ năm 2021, vụ việc một người phụ nữ ở Q.4 không hiểu vì sao cứ chở con gái đi khắp nơi, không đeo khẩu trang trong thời điểm giãn cách xã hội, cự cãi với mọi người khiến dư luận bất bình. Câu chuyện này được cả Trấn Thành và Võ Tấn Phát khai thác trong tác phẩm của mình qua hai nhân vật: Tư Dao Lam và Ngọc Lờ, nhằm phê phán những mặt chưa tích cực đồng thời mang đến tiếng cười trào phúng độc đáo.

Việc livestream, chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội là vấn đề nổi cộm thời gian qua cũng được MC Trấn Thành khéo léo đưa vào tập 4 của Hẻm cụt. Các tình huống được xây dựng chỉ gợi lại vấn đề, thông qua những câu chuyện mới mẻ, từ đó mang đến nhiều giá trị, bài học. Hiện, tập phim này thu hút gần 20 triệu lượt xem, tính riêng trên YouTube.

Trước thời điểm tết Nguyên đán, mạng xã hội rôm rả câu chuyện những câu hỏi nhạy cảm trong lúc gặp nhau ngày tết như: lương, thưởng bao nhiêu? Bao giờ cưới? Mua nhà chưa?… Diễn viên Huỳnh Lập cũng đưa tình tiết này vào Cậu Út cậu con Cúc, mang đến nhiều nụ cười sảng khoái cho người xem. Chị em song sinh tết này lấy chồng (BB Trần, Hải Triều), Làng Cù Lần (Huy Khánh)… cũng tái hiện nhiều sự vụ nổi cộm trên mạng lẫn đời thật. Trong đó, vụ ồn ào giữa hai cô gái bán hàng online vào giữa tháng Một được biến thành tình tiết xem mắt chọn dâu, rể rất hài hước.

 Nhìn chung, các vụ thời sự, xu hướng “hot” trên mạng xã hội được dùng làm chất liệu để các ê-kíp xây dựng thêm những điều mới mẻ, thu hút khán giả. Cái hay của họ là biến nhiều câu chuyện từng tạo ra phản ứng tiêu cực trong dư luận để trở thành những câu chuyện hài, gửi gắm những thông điệp tốt đẹp, không mang ý công kích, phê phán cá nhân.

Nhìn dễ nhưng không dễ 

Không khó để nhận thấy việc bắt kịp xu hướng mạng xã hội, vấn đề thời sự đang là một trong những hướng đi chung được nhiều NSX lựa chọn. Thậm chí, với một số ê-kíp, việc sản xuất phim bắt nhịp xu hướng đã trở thành màu sắc riêng của họ, chẳng hạn diễn viên Võ Tấn Phát, Huỳnh Lập. Cách làm này góp phần giúp phim tăng viral trên các mạng xã hội, và dễ dàng đến gần với khán giả hơn. Việc biến hóa khéo léo của các ê-kíp cũng tạo hứng thú cho người xem theo mô-típ “bình cũ rượu mới”. Thông qua tạo hình nhân vật, khán giả dễ dàng nhận biết câu chuyện được đề cập, nhưng họ luôn bất ngờ bởi những ý tưởng sáng tạo mới lạ khó đoán trước. 

Hình ảnh trong phim Cậu út cậu con Cúc

Hình ảnh trong phim Cậu út cậu con Cúc

Diễn viên Kim Đào – đồng biên kịch của Mèn đét ơi, Gia đình cục súc – chia sẻ: “Khi làm kịch bản, tôi và Võ Tấn Phát xác định sẽ phản ánh, thể hiện những gì gần gũi nhất với khán giả, đời sống. Tuy nhiên, không phải vấn đề thời sự, xu hướng nào cũng có thể mang vào. Mọi thứ đều phải được cân nhắc phù hợp với tính chất nhân vật, câu chuyện, tránh tạo cảm giác bị ngộp cho khán giả vì truyền tải quá nhiều chuyện, việc cùng lúc. Đặc biệt, với những câu chuyện thực có ý nghĩa tiêu cực, chúng tôi cân nhắc rất nhiều để thể hiện sao cho hài hước, văn minh. Mọi câu chuyện, nhân vật được lấy chất liệu, chúng tôi đều cố gắng thể hiện trung lập, không chỉ trích, phán xét. Từ đó, khán giả sẽ có sự yêu ghét của riêng họ. Nhưng hướng đi này cũng có điểm trừ nhất định. Thời điểm không có các sự vụ gây chú ý, hoặc các xu hướng, việc xây dựng kịch bản sẽ có phần hạn chế hơn, thậm chí có thể bị nhạt. Tuy nhiên, chúng tôi không phụ thuộc hoàn toàn, mà luôn tạo ra những điều mới mẻ để khẳng định màu sắc của mình. Chất liệu đời thực chỉ chiếm 30 – 40% mà thôi, còn lại phần lớn vẫn phụ thuộc sự sáng tạo của diễn viên, biên kịch”.

Trong khi đó, đạo diễn Trần Minh Ngân (phim Chuyện nhà Tí – lì xì, phim Mèn đét ơi) cho rằng những chất liệu này dẫu nhiều đến đâu, nhưng nếu biên kịch khai thác không đúng, có khi sẽ bị tác dụng ngược, khiến người xem thấy phản cảm. Khi khán giả đã biết được câu chuyện, nhân vật ngoài đời, thì việc thể hiện lại trên phim ảnh rất dễ bị so sánh. Vì thế, cách thể hiện phải luôn tạo được sự mới mẻ, bất ngờ. “Dù phát triển thế nào thì tôi cũng luôn hướng người xem đến những thông điệp tích cực. Họ có thể vui đó, cười đó rồi phải suy ngẫm. Thường tôi làm việc kỹ ở khâu kịch bản nhiều lần. Không phải các câu chuyện, nhân vật đã tồn tại ngoài đời thật nào đưa vào phim cũng được, đôi khi phải thêm, bớt cho phù hợp với bối cảnh và chuyện phim”, đạo diễn Trần Minh Ngân chia sẻ. 

Theo Trung Sơn/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)