Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim chiếu mạng: Vui ít, buồn nhiều

Tạp Chí Giáo Dục

Thành công của web drama đầu năm 2022 đã chứng tỏ được sức hút, song chặng đường phía trước vẫn còn rất dài

Phong trào sản xuất phim được chiếu trên nền tảng mạng xã hội (web drama) nổi lên ở Việt Nam từ giữa những năm 2010. Thời điểm đó, các nhóm nghiệp dư như: FAP TV, BB&BG, Thích Ăn Phở… tiên phong với nội dung hài hước, dí dỏm. Từ sân chơi đó, nhiều diễn viên khẳng định tên tuổi và được công chúng yêu thích.

Trăm hoa đua nở

Trong gần 2 năm đại dịch Covid-19, mảnh đất màu mỡ này có thêm nhiều nghệ sĩ đã có tên tuổi góp mặt như: Nam Thư, Thu Trang – Tiến Luật, Trấn Thành, Huỳnh Lập… Bởi đây được xem là "phao cứu sinh" cho nhiều nhà làm phim Việt trong bối cảnh khó khăn đủ bề.

Phim chiếu mạng: Vui ít, buồn nhiều - Ảnh 1.

Một cảnh trong phim “Gia đình cục súc”. Ảnh do nghệ sĩ cung cấp

Giai đoạn đầu, những nghệ sĩ này đã hoạt động năng nổ, cho ra mắt các bộ web drama đình đám như: "Thập tứ cô nương", "Chị mười ba", "Tấm Cám – chuyện chưa kể" và phải nói đến thành công đặc biệt của "Bố Già".

Đầu năm 2022, sau những nỗ lực tìm sự bứt phá để tái hoạt động, hàng loạt phim chiếu mạng liên tục được giới thiệu và phát sóng như: "Công chúa bến xe" của Jang Mi, "Trời ơi! Tức muốn chết" của Hồng Vân hay "Gia đình bá đạo" của Thu Trang – Tiến Luật… Trước đó ít lâu, "Gia đình cục súc" cũng gây sốt cộng đồng mạng. Ngoài ra, "Trừ yêu đại sư huynh" của ê-kíp Hoài Tâm hay "Dịch vụ zụ zịt" của Nam Thư cũng kịp lên sóng và tham gia vào đường đua phim chiếu mạng dịp Tết Nguyên đán.

Không chỉ giải tỏa "cơn khát" giải trí của khán giả, đây cũng là cơ hội để các nhà sản xuất, các diễn viên được sống lại với nghề sau quãng thời gian ở nhà chống dịch. Đây cũng là xu thế tất yếu, phù hợp với thời đại công nghệ 4.0, giúp nghệ sĩ duy trì được sức hút với người hâm mộ.

Đạo diễn Chánh Trực, thành viên Hội đồng Nghệ thuật Giải Mai Vàng lần thứ 27-2022 của Báo Người Lao Động, từng nhận định: "Đầu năm 2022 có thể xem các sản phẩm mới của web drama sẽ là đất phô diễn tài năng của nhiều nghệ sĩ. Thị trường này đang có sự cạnh tranh và chính điều này thúc đẩy các nhóm làm phim phải tự nhìn lại thực lực, không còn trông vào việc "ăn may" như lúc trước mà phải đầu tư, chăm chút và tạo bản sắc riêng trong khung cảnh trăm hoa đua nở như hiện nay của thị phần này".

So với những năm trước, web drama ngày càng được đầu tư bài bản. Dàn diễn viên cả cũ lẫn mới đều gây được thiện cảm với công chúng nhờ sự chuyên nghiệp, năng nổ và sáng tạo. Các đề tài được khai thác mang tính đa dạng, không còn gói gọn trong những màn giả gái, nhại giọng, lấy chuyện giới tính làm trò gây cười như trước. Những câu chuyện gia đình gần gũi, tình bạn, tình yêu, cuộc sống của tầng lớp lao động nghèo được đề cập có chiều sâu, mang đến cảm xúc thật cho người xem.

Đơn cử như ca sĩ – diễn viên Jang Mi đã không ngại làm xấu mình trên màn ảnh và dành thời gian tập luyện các cảnh võ thuật để đem đến hiệu ứng tốt nhất cho "Công chúa bến xe". Tương tự, "Gia đình bá đạo", "Trời ơi! Tức muốn chết" lại thu hút người xem bằng các tình huống dân dã, gần gũi, mang đến thông điệp về quê hương, cội nguồn của mỗi người.

Bên cạnh đó, bối cảnh, đạo cụ, phục trang, âm thanh ánh sáng và các khâu hậu kỳ cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng, đáp ứng cả phần nghe lẫn phần nhìn. Những điểm sáng này khiến cho web drama Việt ngày càng tiệm cận với những thị trường phim chiếu mạng đình đám như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan…

Còn nhiều sản phẩm kém chất lượng

Nói đến sự bùng nổ của web drama không thể không bàn tới lý do liên quan đến khâu kiểm duyệt. Loại hình phim này thường khai thác các vấn đề liên quan bạo lực, giang hồ, tình dục với cách thể hiện táo bạo, trần trụi.

Số lượng phim chiếu mạng ngày càng tăng nhưng kiểm duyệt lỏng lẻo cũng là nguyên nhân làm cho thị trường trở thành "vàng thau lẫn lộn". Đôi khi hiệu ứng thành công không đến từ chất lượng của tác phẩm mà chỉ đơn giản là bắt kịp xu hướng và đúng thị hiếu của cư dân mạng.

Vì lượt xem ảnh hưởng đến doanh thu và các hợp đồng quảng cáo nên không ít nhà sản xuất tìm cách để lồng ghép các yếu tố hài hước, lố lăng liên quan đến tình dục, các vấn đề nhạy cảm để gây cười. Một số nhóm chưa quá nổi tiếng lại nghĩ ra chiêu trò khoe thân phản cảm để tăng lượt truy cập, hút lượt xem về kênh, bỏ qua tất cả yếu tố về kịch bản, kỹ thuật, hậu kỳ.

Nhiều diễn viên mới dù đã nhẵn mặt trong nhiều web drama nhưng vẫn chưa được khán giả nhớ tên, quanh đi quẩn lại vẫn là những gương mặt cũ khiến người xem có phần bội thực.

Bộ phim "Gia đình cục súc" ra mắt giữa tháng 5-2021, đạt trung bình 5 triệu lượt xem mỗi tập, liên tiếp vào top 10 video thịnh hành trên YouTube nhưng lại bị nhận xét là lạm dụng các tình huống bạo lực gia đình, lời thoại thô tục. Các tình huống hài hước không được cân bằng, thiếu tiết chế tạo nên sự phản cảm khi đụng đến giới tính, tôn sư trọng đạo… Nhiều hình ảnh bị cường điệu hóa theo cách khó hiểu, ví như phân đoạn cô giáo trong phim dùng xương cá để chải đầu hay các đoạn chửi bậy khá chói tai khiến bộ phim nhận về nhiều "gạch đá" khi bị cho là một sản phẩm văn hóa tiêu cực, ảnh hưởng đến lối sống của giới trẻ.

Dẫu cho nhà làm phim đã có nhiều giải thích xoay quanh những phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng mạng, song đông đảo công chúng vẫn khó chấp nhận được cách làm phim lố lăng và cẩu thả, mang danh nghĩa phản ánh đời sống của người lao động nghèo nhưng đi ngược lại với những giá trị tinh thần cao đẹp của người Việt Nam.

Chiều theo thị hiếu của khán giả để tăng doanh thu là cách làm phổ biến hiện nay, chính điều này đã trở thành rào cản khiến cho các tác phẩm web drama vẫn bị bó buộc, đóng khuôn trong các sản phẩm giải trí đơn thuần, không có giá trị nghệ thuật cao.
Theo Hà Giang/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)