Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim cho tuổi học trò: Mừng rồi lo…

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh trong phim Tiểu thư đi học. Ảnh: Lữ Đắc Long
Thời gian qua, hàng loạt bộ phim nhựa lẫn truyền hình dành cho tuổi học trò ra đời đã tạo nên những tín hiệu vui cho “người trong cuộc”. Tuy nhiên, bên cạnh một vài bộ phim phản ánh chân thực, sống động thế giới học đường, giáo dục về tình yêu của lứa tuổi mới lớn thì còn rất nhiều bộ phim gây thất vọng người xem khi xây dựng nhân vật không phù hợp, nhiều tình tiết quá “vô tư” không thể chấp nhận được…
Phim hay chỉ đếm trên đầu ngón tay
Theo đạo diễn Lê Bảo Trung thì: “Làm phim cho tuổi học trò không phải là ca ngợi những cái bồng bột, thiếu chín chắn và hoang tưởng của các em. Mà trái lại, cần phải mang tính giáo dục, tính định hướng trong những chi tiết hết sức đơn giản, nhỏ nhặt của cuộc sống”. Chuyện bạo lực học đường, nữ sinh tự tử một vài năm nay không còn mới trên mặt báo. Đó là một hiện thực ngồn ngộn mà chưa bao giờ được đưa lên phim ảnh để cảnh tỉnh và giáo dục thế hệ trẻ. Ấp ủ ý tưởng về một bộ phim có cái nhìn trực diện về những mặt trái của thế giới học đường, cuối cùng đạo diễn Lê Bảo Trung đã làm được trong bộ phim 3D Bóng ma học đường đạt doanh thu kỷ lục trong dịp Tết Tân Mão vừa qua. Bộ phim vẽ nên bức tranh nhiều màu sắc về cuộc sống của các cô cậu học sinh ở ngôi trường cấp 3. Có những mảng màu tươi sáng là tuổi học trò hồn nhiên, tình yêu chớm nở nhưng cũng có mảng tối như: tệ trốn học, băng nhóm, đánh nhau, xé quần áo, quay video clip tung lên mạng, tự tử vì yêu… Đó chính là những “bóng ma học đường” đang có xu hướng lan truyền với tốc độ rất nhanh qua các trường trung học. Điều khiến bộ phim thành công là sự chân thực và cái nhìn táo bạo. Tuy mang tính nghiệp dư nhưng Try – bộ phim do nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình, TP.HCM thực hiện đăng tải lên mạng Youtube đã trở thành hiện tượng trong cộng đồng mạng. Có thể nói, Try đã để lại nhiều ấn tượng bởi cốt truyện của phim rất gần gũi với giới trẻ, chuyển tải được những hình ảnh, câu chuyện thực tế mà giới học trò trải qua mỗi ngày như xúc cảm đầu đời về tình yêu, mối quan hệ bạn bè… Bộ phim truyền hình Chít và Pi của đạo diễn Ngô Quang Hải đã phát sóng trên VTV1 cũng khiến khán giả rất hài lòng. Bộ phim mang phong cách hoàn toàn mới mẻ, trẻ trung, chuyển tải một cách nhìn về thế giới học đường không vượt ra khỏi đời sống, không đi vào các góc tối nhưng không quá tô hồng.
Tuổi học trò không “thấy” mình trên phim
Với bộ phim truyền hình Bộ tứ 10A8 dài 260 tập, phát sóng VTV3 lại khiến khán giả phải bực mình. Mỗi tập chỉ dài 8 phút, chưa kịp ngồi ấm chỗ, chưa kịp nghe diễn viên đối thoại điều gì thì đã… hết. Mặc dù đây là phim về thế giới học đường, nhưng đạo diễn nhắc đến việc học chỉ là… phụ? Các nhân vật đóng vai học sinh được làm tóc khá cầu kỳ, keo vuốt bóng mượt, đồng phục lại na ná học sinh Nhật Bản, Hàn Quốc với váy ngắn lơ lửng ngang… đùi. Không hề có nhân vật nào xứng đáng để học sinh noi gương bởi tất cả đều thích chưng diện, ham chơi hơn học. Bố mẹ chưa thực sự quan tâm đến con cái học hành ra sao mà chỉ biết trách mắng hoặc dễ dàng bị con lừa dối. Tương tự, bộ phim Những thiên thần áo trắng phản ánh toàn chuyện phi thực tế của tuổi học trò, một lớp học chỉ có trong mơ và khi giật mình tỉnh dậy thì mọi thứ đều biến mất… Các bộ phim truyền hình Nữ sinh, Cầu vồng đơn sắc, Kẻ di trú, Thứ ba học trò… cũng đầy “hạt sạn” mà tuổi học trò có thể ngồi “nhặt” hoài không hết. Một điều nữa làm cho khán giả băn khoăn mãi, đó là chuyện tình yêu học trò. Tình yêu học trò thời nay khác với xưa quá. Thực tế là trên phim học trò hiện nay, không ít những cảnh tình cảm ướt át, hôn hít nhau hay những cảnh ghen tuông theo kiểu rất người lớn giữa các cô cậu học trò còn ngồi ghế trung học. Trong mùa hè năm nay, tuổi học trò sẽ được thưởng thức bộ phim dài 30 tập Tiểu thư đi học của đạo diễn Nguyễn Quang Minh với sự góp mặt của ca sĩ Hoàng Thiên Long, Angela Phương Trinh, Nguyễn Hoàng Nam, Anh Tài… Tuy nhiên, phần kịch bản cũng khiến nhiều người lo lắng bởi chuyện tình quá “khủng” . Trong phim, nhân vật chính Vũ đẹp trai, một cậu học trò lớp 11 suốt một năm học dùng đủ mọi cách “cưa” cô bạn học tên Quỳnh nhưng không đổ. Vũ thất tình nên quyết định đi Úc để quên Quỳnh. Câu trả lời thật đơn giản nguyên nhân Vũ thất tình đó là: mê gái, là học sinh cá biệt, quậy phá trong trường, hỗn láo với thầy cô, hay cúp tiết đi cà phê lại còn rủ các bạn khác cúp theo nữa… Vậy thì, tuổi học trò sẽ “thấy” bóng dáng của mình ở đâu từ câu chuyện thất tình ấy?!?
Long Lữ

Đạo diễn – NSƯT Lê Dân cho biết: “Đành rằng phim ảnh là có thể cách điệu, thêm bớt để tăng tính hấp dẫn. Nhưng đây là phim cho tuổi học trò, cần phải mang tính định hướng giáo dục cho lớp trẻ. Nếu “làm quá” sẽ khiến khán giả tuổi teen – đối tượng chính xem phim cũng thấy nó “xa vời vợi” với thực tế của mình, đồng thời khiến các bậc phụ huynh lo lắng vì sợ con em mình sẽ bắt chước theo phim thì quả thật là… rất nguy…”.

 

Bình luận (0)