Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim cho tuổi học trò: Vẫn còn nhiều “hạt sạn”

Tạp Chí Giáo Dục

Các nhân vật trong Bộ tứ 10A8 đến trường không chỉ để học?

Thời gian qua, hàng loạt bộ phim truyền hình dành cho tuổi học trò ra đời đã tạo nên những tín hiệu vui cho “người trong cuộc” khi phản ánh chân thực và sống động thế giới học đường, giáo dục về tâm sinh lý, tình yêu của lứa tuổi mới lớn… Tuy nhiên, cũng có không ít bộ phim gây thất vọng người xem khi xây dựng nhân vật không phù hợp, nhiều tình tiết quá “vô tư” không thể chấp nhận được…
Làm phim cho tuổi học trò không phải là ca ngợi những cái bồng bột, thiếu chín chắn và hoang tưởng của các em. Mà trái lại, cần phải mang tính giáo dục, tính định hướng trong những chi tiết hết sức đơn giản, nhỏ nhặt của cuộc sống. Bộ phim truyền hình Tóc ngắn của đạo diễn Trương Dũng đi sát sườn vào một thế giới học đường thật sinh động, ở đó có những cô cậu học sinh mê chơi hơn mê học, nghịch ngợm, yêu sớm làm cho bố mẹ phải lo lắng. Nhưng bên cạnh đó, đã xuất hiện không ít những gương sáng, vượt khó vươn lên trong học tập, gặt hái được nhiều thành quả đáng nể. Chính điều này đã giúp các cô cậu học trò nghịch ngợm, quậy phá kia soi rọi lại mình, tự sửa chữa bản thân. Hay bộ phim Kính vạn hoa 1 2 của đạo diễn Nguyễn Minh Chung cũng “ghi điểm” với khán giả tuổi học trò. Những câu chuyện đời thường kèm theo cách làm dã tưởng nhưng ấn tượng và phù hợp đã khiến các em như tìm thấy chính mình trong phim. Còn với bộ phim truyền hình Bộ tứ 10A8 dài 260 tập, phát sóng VTV3 lại khiến khán giả phải bực mình. Mỗi tập chỉ dài 8 phút, chưa kịp ngồi ấm chỗ, chưa kịp nghe diễn viên đối thoại điều gì thì đã… hết. Mặc dù đây là phim về thế giới học đường, nhưng đạo diễn nhắc đến việc học chỉ là… phụ? Các nhân vật đóng vai học sinh được làm tóc khá cầu kỳ, keo vuốt bóng mượt, đồng phục lại na ná học sinh Nhật Bản, Hàn Quốc với váy ngắn lơ lửng ngang… đùi. Không hề có nhân vật nào xứng đáng để học sinh noi gương bởi tất cả đều thích chưng diện, ham chơi hơn ham học. Một số cảnh nữ sinh uốn éo làm dáng để “câu” những anh chàng đẹp trai của trường rất phản cảm. Sẽ thật đáng lo ngại khi mà trong môi trường giáo dục, cô lớp trưởng ra hiệu cả lớp đứng chào thầy cô giáo bằng cách giơ tay búng tanh tách như nhân vật Mai Lâm, hay việc nữ sinh không tập trung việc học mà lúc nào cũng kè kè một chiếc máy khâu để có thể may vá bất cứ chỗ nào, bất cứ nơi đâu ở lớp học như nhân vật La La… Bố mẹ trong phim chưa thực sự quan tâm đến con cái học hành ra sao mà chỉ biết trách mắng hoặc dễ dàng bị con lừa dối. Bộ phim dài 20 tập Kẻ di trú của Châu Huế đạo diễn vừa phát sóng cũng khiến tuổi teen khó chịu. Cậu học trò tên Sơn ở nông thôn “di trú” lên thị xã học lớp 11 nhưng không hề “nông thôn” chút nào. Chuyện vóc dáng không phù hợp với lứa tuổi, “cưa sừng làm nghé” của nhân vật này chỉ là… chuyện nhỏ, còn chuyện lớn là hễ gặp bất kỳ chuyện buồn nào, đánh nhau với bạn, bị hiểu lầm… cậu đều tự bỏ học về quê. Có lần còn nghỉ học suốt một thời gian dài, sau đó lại tiếp tục vào lớp… học lại một cách bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Chẳng lẽ tuổi học trò là vậy sao, muốn học là học, không thích thì nghỉ mà không hề sợ chút nào về kỷ cương trường lớp? Hay bộ phim Cầu vồng đơn sắc đang phát sóng trên HTV đầy “hạt sạn” mà tuổi học trò có thể ngồi “nhặt” hoài không hết. Nhiều bạn bảo xem phim mà cứ tưởng đó là một học đường ở trong mơ chứ không hề có thật ngoài đời… Mong rằng trong các bộ phim truyền hình dành cho tuổi học trò sắp phát sóng như Nhất quỷ nhì ma, Những thiên thần áo trắng, Thiên thần xui xẻo… sẽ hạn chế những điều này nhằm làm cho “người trong cuộc” cảm thấy thỏa lòng hơn khi xem.
Đành rằng phim ảnh là có thể cách điệu, thêm bớt để tăng tính hấp dẫn, nhưng đây là phim cho tuổi học trò, cần phải mang tính định hướng giáo dục cho lớp trẻ. Nếu “làm quá” sẽ khiến khán giả tuổi teen – đối tượng chính của bộ phim cũng thấy nó “xa vời vợi” với thực tế của mình, đồng thời khiến các bậc phụ huynh lo lắng vì sợ con em mình sẽ bắt chước theo phim thì quả thật là… rất nguy.
 
LONG LỮ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)