Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim Cô nàng bất đắc dĩ: Vô lý nhưng vẫn hút khán giả

Tạp Chí Giáo Dục

Lan Anh (Vũ Thu Phương, phải) và Hải Yến (Thanh Hoài) trong Cô nàng bất đắc dĩ – Ảnh: Jolie

Không thật sự hấp dẫn, nhiều tập còn dài dòng, không ít những tình tiết vô lý, nhưng Cô nàng bất đắc dĩ vẫn có sức hút riêng với khán giả.

Ngay từ đầu, phim Cô nàng bất đắc dĩ (150 tập, do Công ty Kiết Tường mua bản gốc và chuyển thể từ phim Lalola của Argentina, đang phát trên VTV3) gây sự chú ý với người xem bởi yếu tố “lạ”: sự góp tay của “phù thủy” hô biến phó tổng biên tập Anh Lân (Đức Hải) thành cô nàng Lan Anh (Vũ Thu Phương). Vì Anh Lân thuộc dạng người “quất ngựa truy phong”, nên sau khi bị bỏ rơi, cô bạn gái của anh đã tìm đến bà thầy để phù phép trả thù. Những rắc rối, phức tạp… làm người xem tò mò muốn theo dõi bắt đầu từ cuộc biến đổi này.

Tòa soạn báo lạ đời

Xem phim, người làm báo hẳn không khỏi ngạc nhiên lẫn khó chịu, thậm chí có thể sốc với cách sinh hoạt, làm báo của tạp chí Hào Hoa – không gian chính của phim.

Tòa soạn chỉ có mấy người, mà ai cũng có chức: Tổng biên tập Tất Huy (Huỳnh Anh Tuấn), phó tổng biên tập Lan Anh, thư ký tòa soạn Gia Tấn (Tiết Cương), thiết kế – nhiếp ảnh gia Đỗ Khang (Huy Khánh), rồi kế toán, tiếp tân… Người viết bài chủ đạo là phó tổng biên tập. Khi Anh Lân “biến mất”, Lan Anh – xưng là em họ của Anh Lân – vào tòa soạn làm thay anh mình và mọi thứ như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Gia Tấn vốn không ưa Lan Anh, luôn muốn đạp đổ chức vị của cô nên bày bao nhiêu chiêu trò, lôi kéo lẫn đe dọa để các đồng nghiệp về phe mình để cùng hãm hại Lan Anh. Nhưng trò nào của Gia Tấn cũng bị thua đau, ê chề, vậy mà anh vẫn cứ tồn tại trong tòa soạn.

Tổng biên tập thì dễ dàng nhận một nhiếp ảnh gia nghe nói rằng nổi tiếng về làm thiết kế cho báo, trong khi hầu hết mọi người đều không thể làm việc với anh ta vì tính tình kỳ quặc. Ai cũng thấy anh ta đầy máu… dê, biết anh ta cưỡng bức người mẫu teen trong lúc chụp ảnh nhưng vẫn không dám lên tiếng vì sợ bị đuổi việc. Một cô gái lạ bỗng dưng vào phòng tổng biên tập dàn cảnh ôm hôn ông như tình nhân, bà vợ vào bắt ghen, bà vợ về, ông tổng biên tập lại dễ dàng để cô gái kia đi mà không làm rõ vụ việc. Rồi khi vợ của ông vào tòa soạn giành quyền điều hành thì “sếp ông” và “sếp bà” thường xuyên lôi chuyện nhà ra cãi vã, mắng nhiếc nhau giữa cuộc họp cơ quan.

Hồn Anh Lân, da Lan Anh…

Ban đầu, nhiều diễn viên trong phim bị chê vì diễn xuất khô quá, làm người xem khó chịu, nhưng sau vụ “lùm xùm” rồi đổi đạo diễn (Xuân Cường thay cho Hồng Ngân) cùng một số diễn viên, phim được chú ý nhiều hơn!

Bên cạnh đó, tuy nội dung chẳng mấy hấp dẫn – xoay quanh công việc lẫn chuyện riêng của những con người làm báo của tạp chí Hào Hoa, nhưng vẫn tạo ra sự thu hút từ nhân vật chính Lan Anh. Sau Võ lâm truyền kỳ và Chuyện tình công ty quảng cáo, diễn xuất của Vũ Thu Phương ở phim này thể hiện sự tiến bộ rõ rệt. Lan Anh là một nhân vật phức tạp, là vai khó với cả diễn viên chuyên nghiệp chứ không chỉ với người tay ngang như Phương. Bởi, từ một anh chàng ham mê tửu sắc bị biến hình thành nữ, những đi đứng, ăn mặc, nói năng lẫn tâm sinh lý của phụ nữ từ từ nhập vào “anh Lân”. Cuộc sống xáo trộn, dở khóc dở cười vì hình hài thì… gái, nhưng Lan Anh vẫn còn “máu” của Anh Lân, thế nên Lan Anh luôn phải sống trong mâu thuẫn. Đến khi nảy sinh tình cảm với Đỗ Khang thì cô lại lo lắng về thân phận thật của mình, lại hoang mang, và đau khổ vì bất lực trước tình cảnh éo le ấy.

Tất cả những diễn biến tâm lý phức tạp trong con người “hồn Anh Lân, da Lan Anh” đều được Vũ Thu Phương lột tả qua nét diễn, có thể nói, là chuyên nghiệp! Thế nên, không ít người thích xem phim chỉ vì mê nhân vật Lan Anh. Họ theo dõi để xem hôm nay Lan Anh làm gì để “dập” lại những trò bẩn của Gia Tấn, Lan Anh giải quyết thế nào trước sự ghen tuông vớ vẩn của phu nhân tổng biên tập, và xem cô sẽ cư xử ra sao với chính bản thân mình, với tình yêu. Do đó, có thể nói chính nhân vật Lan Anh góp phần không nhỏ trong việc giữ chân khán giả với Cô nàng bất đắc dĩ!

Nguyên Vân (Theo TNO)

Bình luận (0)