Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim đề tài văn hóa dân tộc liệu có ăn khách ?

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện tại, các nhà sản xuất – đạo diễn đang có xu hướng làm phim quay về với những giá trị, màu sắc văn hóa dân tộc như một nỗ lực tìm hướng đi mới, thoát khỏi lối mòn của nhiều phim về đề tài đô thị khác ở phòng vé.

Văn hóa Việt lên phim

Ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc điều hành của V Pictures kiêm Giám đốc nội dung của CJ CGV VN, cho biết đang đầu tư và sản xuất nhiều bộ phim điện ảnh đậm đà bản sắc văn hóa Việt như: Huyền thoại bánh Tết, Nghe vẻ nghe ve, Người viết thư tay, Người đẹp Tây Đô (dựa trên bộ phim truyền hình cùng tên đình đám), Hoàng hậu cuối cùng (chuyện về hoàng hậu Nam Phương của vua Bảo Đại).

Phim đề tài văn hóa dân tộc liệu có ăn khách ?  - ảnh 1

Poster phim Công tử Bạc Liêu. Ảnh: ĐPCC

Hiện tại, V Pictures hoàn thiện Chị chị em em 2: Đệ nhất mỹ nữ xoay quanh nhân vật cô Ba Trà – một mỹ nhân nổi tiếng thập niên 1920 – 1930. Phim do Vũ Ngọc Đãng đạo diễn, hai diễn viên chính là Minh Hằng và Ngọc Trinh, dự kiến ra rạp dịp tết Nguyên đán 2023. Nội dung phim tái hiện cuộc sống hào nhoáng, xa xỉ bậc nhất của mỹ nữ Ba Trà, sau này bị thay đổi bởi sự xuất hiện của người đẹp Tư Nhị, kéo theo cuộc chiến tàn khốc "tình – tiền – quyền lực" quanh giai thoại về Hắc – Bạch công tử.

Bên cạnh đó, bộ phim kinh dị chiếu tết Nguyên đán 2023 Tết ở làng địa ngục (đạo diễn Trần Hữu Tấn, Hãng phim ProductionQ) được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thảo Trang hứa hẹn “gieo nỗi sợ và sự kinh hoàng thông qua các chi tiết đậm chất văn hóa dân gian và tâm linh miền cao”.

Đạo diễn Lý Minh Thắng và xưởng phim Màu Hồng thì đang bắt tay thực hiện phim chiếu rạp Công tử Bạc Liêu. Lần đầu tiên câu chuyện về nhân vật nổi tiếng giới thượng lưu miền Nam một thời được lấy làm cảm hứng điện ảnh; được gia đình ông Trần Trinh Huy và UBND tỉnh Bạc Liêu cho phép sử dụng những hình ảnh, thông tin, cấp phép quay hình tại kiến trúc nhà cổ của Công tử Bạc Liêu (xây dựng từ năm 1917), nhằm góp phần quảng bá văn hóa đặc sắc của địa phương lên màn ảnh rộng.

Đất rừng phương Nam phiên bản điện ảnh chiếu rạp của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (dựa trên nguyên tác của nhà văn Đoàn Giỏi, do Hãng phim Galaxy và Nguyễn Trinh Hoan sản xuất) hiện đã tuyển chọn xong diễn viên cho các vai chính. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói: "Tôi mong muốn một lần nữa tái hiện câu chuyện hào hùng của quê hương trên màn ảnh rộng, đưa khán giả đi qua vùng đất Nam kỳ lục tỉnh gặp những người dân Nam bộ hào sảng, chất phác, giàu lòng nghĩa hiệp; và kỳ vọng đây là dự án điện ảnh làm sống lại ký ức của hàng triệu khán giả, nhất là khi bản phim truyền hình Đất phương Nam năm 1997 của đạo diễn Vinh Sơn đã chinh phục đông đảo người xem".

Cần đột phá để tạo dấu ấn riêng

Theo chia sẻ của đạo diễn Lý Hải, Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh (chiếu rạp vào 30.4.2023), dù là phim về đời sống hiện đại, cũng sẽ chọn bối cảnh một làng nghề làm chiếu với những sản phẩm tinh xảo nhưng có nguy cơ thất truyền. Lý Hải cho biết muốn phục dựng lại làng nghề làm chiếu để góp phần lưu giữ và quảng bá cho khán giả ngành nghề truyền thống của người Việt. Một số dự án lớn cũng đang lên kế hoạch sản xuất như: Số đỏ (từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng, Phan Gia Nhật Linh đạo diễn), Quỳnh Hoa nhất dạ (Thanh Hằng sản xuất, Lý Minh Thắng đạo diễn, phim huyền sử về Thái hậu Dương Vân Nga), Thằng Bờm (nội dung quanh cuộc đời của thằng Bờm có cái quạt mo và phú ông trong câu ca dân gian)…

Phim đề tài văn hóa dân tộc liệu có ăn khách ?  - ảnh 2

Phim Đất rừng phương Nam

Trước nay, có một thực trạng là dấu ấn văn hóa Việt còn rất nhạt nhòa trong phim Việt. Đề tài về văn hóa truyền thống vẫn được xem là mảnh đất “khó nhằn” đối với các nhà làm phim; vì thế không có nhiều phim làm về “mảng màu” này và đa phần đều kén khán giả, chất lượng chưa ổn định. Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân (từng làm Song lang, Cô Ba Sài Gòn, Trạng Tí phiêu lưu ký, Tấm Cám: Chuyện chưa kể…) nói: “Trong bối cảnh thị trường vừa qua, việc làm phim về đề tài, chất liệu văn hóa truyền thống thật sự vô cùng khó khăn, giống như một mình đi ngược dòng, nhưng tôi vẫn tin phim nếu được làm theo một cách hấp dẫn về câu chuyện lẫn hình ảnh, thì chắc chắn sẽ đánh động được tình cảm yêu thích của người dân Việt. Xu hướng hiện nay tôi thấy nhiều nhà làm phim đã ý thức được: Để một bộ phim Việt gây được sự chú ý với khán giả, bật lên trong số đông phim, là chọn làm phim về những vốn quý của dân tộc, hoặc trong phim phải có chất liệu văn hóa truyền thống”.

Đạo diễn Lý Minh Thắng khẳng định sẽ theo đuổi những câu chuyện chứa đựng nét đẹp truyền thống Việt, những nhân vật đặc trưng con người Việt, tâm hồn Việt. Anh nói: “Tôi gọi những chất liệu mình theo đuổi là yếu tố văn hóa bản địa, bao gồm rất nhiều chất liệu như: các bộ môn nghệ thuật cổ truyền, ẩm thực dân gian, phục trang dân tộc, nghi thức nghi lễ dân tộc, văn hóa truyền thống gia đình, xã hội, tinh thần, tính cách con người Việt… Ví dụ trong các phim tôi từng làm: Sài Gòn anh yêu em là bộ môn cải lương và các chi tiết mang đậm dấu ấn riêng của Sài Gòn; chiếc áo bà ba và mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu trong Mẹ chồng; nghệ thuật biểu diễn

lô tô và những thân phận nghệ sĩ chuyển giới trong phim Lô tô; văn hóa đám cưới truyền thống trong phim Vu quy đại náo… Còn trong 2 dự án mới, tôi mong mình có được sự chín muồi hơn trong cách kể chuyện, cách nhìn nhận và thể hiện được vẻ đẹp, chiều sâu của văn hóa, con người VN một cách tinh tế hơn. Trong Quỳnh Hoa nhất dạ là không gian phim lịch sử cổ trang, bằng phục trang, tóc tai, bối cảnh, nghi thức đi đứng, tôi mong phần nào tái hiện lại nét đẹp và sự hào hùng của triều đại nhà Đinh. Ở Công tử Bạc Liêu là nét đẹp hào sảng, trù phú của Bạc Liêu và Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông thập niên 1930”.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, đại diện CGV, cho biết: “Đề tài văn hóa truyền thống sẽ gặp khó khăn về kinh phí, nên ít nhà đầu tư dám mạo hiểm, e ngại khó thu hồi vốn. Nhưng hiện nay, chúng tôi tin khán giả giữa cuộc sống xô bồ rất mong chờ để đón xem những phim có hồn cốt đậm dấu ấn văn hóa Việt, thế nên chúng tôi mới mạnh dạn làm cả một loạt phim theo vệt đề tài này”.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng bày tỏ những trăn trở để phim theo chủ đề này ghi được dấu ấn trong thời gian tới: “Tôi mong ngày càng có nhiều đạo diễn thật sự tâm huyết, có đam mê, nghiên cứu sâu và hiểu được tầm quan trọng, giá trị của văn hóa, lịch sử dân tộc, để cùng nhau bắt tay đẩy mạnh dòng nội dung này. Như thế mới tạo nên bản sắc riêng cho điện ảnh Việt, làm mới cho thị trường phim ảnh đã cũ với những mô típ quen thuộc”.

Theo Phan Cao Tùng/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)