Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim điện ảnh: Nhiệt huyết thôi, chưa đủ!

Tạp Chí Giáo Dục

Sản xuất phim điện ảnh đòi hỏi nhà làm phim phải chuyên nghiệp, hiểu biết về quá trình sản xuất phim để không xảy ra tình cảnh khốn đốn cho bản thân lẫn ê-kíp sản xuất

Một tác phẩm điện ảnh không đơn thuần chỉ là tâm huyết, đam mê của một cá nhân mà của tập thể nên cần phải tránh tình trạng "cố đấm ăn xôi" trong hoàn cảnh không đủ năng lực.

Nỗ lực cứu phim

Phim "Kẻ thứ ba" (tựa cũ: Bí mật thiên đường) do Lý Nhã Kỳ là nhà sản xuất kiêm đóng vai chính, đạo diễn Park Hee-jun, sẽ ra rạp phục vụ khán giả từ ngày 13-5. Đây là cái kết đẹp cho một phim điện ảnh gặp phải vô vàn khó khăn, được Lý Nhã Kỳ chi tổng cộng 33 tỉ đồng để hồi sinh. Ban đầu, phim do nhà sản xuất Hạnh Nhân cầm trịch, được quảng bá rộng rãi là tác phẩm hợp tác Việt – Hàn với sự tham gia của Lý Nhã Kỳ đóng cặp cùng diễn viên Hàn Quốc Han Jae-suk (từng đóng các phim "Người mẫu", "Giày thủy tinh"…). Tuy nhiên, khi phim vẫn đang trong lịch trình quay ở Đà Lạt thì nhà sản xuất Hạnh Nhân không còn tiền xoay xở với lý do các nhà đầu tư rút vốn.

Lý Nhã Kỳ kể rằng thời điểm nhà sản xuất Hạnh Nhân thông báo vỡ nợ, phía ê-kíp Hàn Quốc rất lo lắng. "Vì thương Hạnh Nhân, tôi đã đồng ý chi ra 6 tỉ đồng để quá trình quay phim được tiếp tục. Thế nhưng, một tuần sau, đoàn phim tiếp tục vỡ nợ lần 2. Tôi giận nên định bỏ ra sân bay trở về nhà nhưng trước sự nài nỉ của anh em đoàn phim, tôi bình tĩnh lại rồi quyết định hẹn gặp Hạnh Nhân để thương thảo mua trọn dự án" – Lý Nhã Kỳ thông tin.

Phim điện ảnh: Nhiệt huyết thôi, chưa đủ! - Ảnh 1.

Phim “Kẻ thứ ba” nhiều lận đận trong quá trình sản xuất. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

Cô nói thêm rằng quyết định bỏ tiền mua dự án có 3 lý do: đầu tiên là không muốn hình ảnh ngành sản xuất phim Việt mất điểm trong mắt đồng nghiệp Hàn Quốc bởi sai lầm cá nhân; thứ hai, cô muốn bảo vệ quyền lợi cho ê-kíp Việt lẫn Hàn Quốc, những người dù rơi vào hoàn cảnh khó khăn vẫn chịu khó bám trụ với đoàn phim và cuối cùng là lòng hâm mộ bạn diễn Han Jae-suk, không muốn công sức cả ê-kíp đổ sông, đổ biển.

Sau khi bỏ tiền mua trọn dự án, Lý Nhã Kỳ cùng đoàn phim cố gắng hoàn thành tác phẩm với không ít khó khăn như tìm lại những phục trang, phụ kiện của các nhân vật đã được bán đi bù lỗ trước đó. Việc dựng phim cũng làm nhiều lần để bảo đảm cập nhật, nhất là khi phim phải dời lịch chiếu do đại dịch. Tuy nhiên, cô được sự tiếp sức từ ê-kíp Hàn Quốc như đạo diễn Park Hee-jun và nam chính Han Jae-suk vẫn bám trụ đến lúc dự án hoàn thành. Phía ê-kíp Việt Nam có diễn viên Xuân Nghị, Hoàng Khôi chấp nhận đóng tiếp mà không nhận thù lao.

Phim "Kẻ thứ ba" là dự án lận đận nhất của lịch sử phim Việt bởi nhà sản xuất vỡ nợ ngay trong lúc quay. Nhà sản xuất cũ không có năng lực tài chính lẫn khả năng vận hành dự án dẫn đến tình cảnh éo le và hậu quả càng lớn hơn khi đây lại là tác phẩm hợp tác với nước ngoài.

Từ vụ suýt "chết yểu" của phim này cho thấy công việc sản xuất phim không hề đơn giản, không phải là sự thử nghiệm chỉ với nhiệt huyết, đam mê của cá nhân. "Nhà sản xuất phim nói chung hiện nay không chỉ có cái tâm mà còn cần cả cái tầm với năng lực tài chính, điều hành, kinh nghiệm, sự chuyên nghiệp… Nếu là người mới, không nhiều kinh nghiệm, họ cần thiết lắng nghe những góp ý từ người có kinh nghiệm nhằm hạn chế rủi ro khi làm phim, để không gây ảnh hưởng đến nhiều người" – nhà sản xuất kiêm đạo diễn Luk Vân nhận định.

Hiện nay, tại Việt Nam, một phim thương mại trung bình cũng phải đầu tư trên 20 tỉ đồng, phim thuộc thể loại hành động hoặc phim đòi hỏi phải dựng bối cảnh, đầu tư trang phục nhiều thì mức kinh phí cao hơn như phim "578: Phát đạn của kẻ điên" của đạo diễn Lương Đình Dũng đầu tư 60 tỉ đồng, phim "Em và Trịnh" của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đầu tư 50 tỉ đồng.

Phim điện ảnh: Nhiệt huyết thôi, chưa đủ! - Ảnh 2.

Một cảnh trong phim “Kẻ thứ ba”. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

Với yêu cầu ngày càng cao của khán giả, của thị trường chung, nhà làm phim Việt đòi hỏi phải nâng tầm hơn để góp phần tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu. Đây không phải việc dễ dàng nhưng bắt buộc phải làm nếu không muốn bị đào thải hay gặp phải sự cố như phim "Kẻ thứ ba".

Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp Giải trí và Truyền thông Mega GS, cho biết sản xuất phim không dễ, sản xuất phim điện ảnh lại càng khó hơn. Bởi phim điện ảnh quy tụ ê-kíp đông đảo, mỗi ngày quay chi phí lớn buộc nhà sản xuất phải tính toán thận trọng. Phim quay không đúng lịch trình thì chi phí phát sinh cũng cao hơn so với dự kiến. Nếu không có nguồn tài chính vững và khả năng vận hành dự án thì nhà sản xuất khó có thể vượt qua khó khăn để tạo nên tác phẩm thuyết phục khán giả.

Theo biên kịch Đông Hoa, nhiều người có đam mê phim ảnh, nghĩ rằng bản thân có nhiệt huyết là có thể làm phim được nhưng thực tế không dễ như họ nghĩ. Nhất là hiện nay, phim Việt lẫn khán giả đều đã thay đổi, phát triển hơn trước, đòi hỏi sự chuyên nghiệp hóa ngày càng cao.

Nhà sản xuất và diễn viên là 2 công việc hoàn toàn khác biệt nhau. Nhà sản xuất kiêm diễn viên Minh Hằng từng thừa nhận dù là diễn viên nhiều năm nhưng bản thân chưa nhiều kinh nghiệm để quản lý cả dự án, nên đã chọn cách làm nhà đầu tư vào một số phim để học hỏi. Minh Hằng đã có được thành công bước đầu với vai trò nhà sản xuất phim "Bẫy ngọt ngào".

Theo Minh Khuê/NLĐO

 

Bình luận (0)