Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim hay hơn nhờ kết hợp diễn viên nhiều vùng miền

Tạp Chí Giáo Dục

Từ điện ảnh đến truyền hình, ngày càng có nhiều tác phẩm sử dụng kết hợp diễn viên từ các vùng miền khác nhau. Cách làm này giúp phim mở rộng tệp khán giả.

Truyền hình đi trước, điện ảnh theo sau

Những ngày qua, khán giả xem phim truyền hình Nữ luật sư (đang phát trên SCTV14) thích thú theo dõi sự xuất hiện lần đầu của 1 diễn viên của truyền hình phía Bắc là Doãn Quốc Đam. Ngoài anh, còn có gương mặt quen thuộc khác là Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Ngọc Quỳnh. Tuyến chính với sự góp mặt của cả 2 bên cạnh 2 diễn viên miền Nam là Kim Tuyến và Trung Dũng tạo nên nét mới mẻ, thú vị cho phim.

Ngược lại, trên màn ảnh VFC bộ phim Trạm cứu hộ trái tim cũng đang gây thích thú khi có sự xuất hiện của người đẹp Thúy Diễm và nam diễn viên Trương Thanh Long. Chất giọng miền Nam của Thúy Diễm và miền Trung của Trương Thanh Long ít nhiều đem lại cân bằng về mặt giọng nói vùng miền, tạo cảm xúc đa dạng cho người xem.

Thành công phòng vé hơn trăm tỉ đồng của phim Quỷ cẩu có sự đóng góp của 2 diễn viên phía Bắc là Vân Dung (bìa trái) và Quốc Quân (bìa phải)

Thành công phòng vé hơn trăm tỉ đồng của phim Quỷ cẩu có sự đóng góp của 2 diễn viên phía Bắc là Vân Dung (bìa trái) và Quốc Quân (bìa phải)

Thị trường phim Việt lâu nay thường chia rõ thế mạnh vùng miền. Phim truyền hình “thống trị” màn ảnh nhỏ phía Bắc, còn trong Nam là “lãnh địa” của điện ảnh. Diễn viên 2 miền vì vậy cũng khu trú trong 2 phạm vi đó. Cách đây 5-6 năm, các nhà làm phim truyền hình của VFC (Trung tâm Phim truyền hình Việt Nam, thuộc Đài Truyền hình Việt Nam) đã tiên phong trong việc kết hợp diễn viên. Một số gương mặt Bắc tiến “đời đầu” như Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Mỹ Uyên, Nhã Phương, Lan Phương, Quốc Trường lập tức được yêu thích. Sau này có thêm vài tên tuổi thành công tương tự như Nhan Phúc Vinh, Khả Ngân, Huỳnh Hồng Loan.

Tiếp bước truyền hình, các nhà làm phim điện ảnh rộ trào lưu giao thoa diễn viên 2 miền từ hơn 1 năm nay. 3 phim ăn khách năm ngoái là Kẻ ăn hồn, Người vợ cuối cùng, Quỷ cẩu đều đánh dấu lần Nam tiến thành công của những tên tuổi gạo cội miền Bắc như NSND Ngọc Thư, NSƯT Chiều Xuân, Viết Liên, NSƯT Quang Thắng, NSƯT Kim Oanh, Vân Dung, Quốc Quân.

Dù điện ảnh hay truyền hình, dễ thấy xu hướng chọn diễn viên đa dạng vùng miền là cách để làm mới khoản nhìn – nghe cho người xem. Tuy nhiên, có thể thấy, với phim điện ảnh, việc lựa chọn thể hiện sự “toan tính” nhiều hơn. Không chỉ nằm ở việc “đo ni đóng giày” cho diễn viên mà còn ở ý đồ dễ bán vé ở cả 2 miền. Đạo diễn Victor Vũ chia sẻ: “Tôi chú ý kỹ khâu chọn diễn viên vì họ là người kể câu chuyện của tôi. Tôi chọn vì diễn xuất hơn vì giọng nói. Khi viết kịch bản phim Người vợ cuối cùng, do câu chuyện diễn ra ở miền Bắc nên tôi đã hình dung ra một số nét diễn cần có cho câu chuyện của mình. Nét diễn của anh Quang Thắng, chị Kim Oanh phù hợp và tôi cũng dựa vào nét diễn của họ để viết lời thoại thích hợp”.

Đạo diễn Võ Thanh Hòa cũng cho biết, anh đã hình dung được sự thú vị và cách xử lý như thế nào khi phim Quỷ cẩu pha trộn diễn xuất của diễn viên 2 miền, do đó quyết định mời diễn viên Quốc Quân và Vân Dung.

Áp lực cho cả đôi bên

Xu thế giao thoa diễn viên 2 miền giúp nhà sản xuất tìm được gương mặt mới, diễn viên được thử sức với ê kíp mới, khán giả không còn phát ngán với tình trạng diễn viên nhẵn mặt. Tuy nhiên, lựa chọn nào cũng có thử thách. Lần đầu Nam tiến đóng phim điện ảnh, diễn viên Vân Dung chia sẻ, chị choáng ngợp với cách làm nhiều khâu, nhiều yêu cầu, kỹ lưỡng của đoàn phim.

1.Phim Nữ luật sự đánh dấu lần đầu Doãn quốc Đam nam tiến,

Phim Nữ luật sư đánh dấu lần đầu Doãn Quốc Đam Nam tiến

Về phía nhà sản xuất, chọn một gương mặt Bắc tiến hay Nam tiến sẽ gặp khó trong vấn đề xếp lịch quay. Chị Phương Thảo – Giám đốc sản xuất DTT Media (đơn vị làm phim Nữ luật sư) – cho biết: do phim quay bối cảnh ngoài trời nên không thể thu âm trực tiếp mà lồng tiếng. Lịch trình diễn viên – NSƯT Ngọc Quỳnh và Doãn Quốc Đam bận rộn, không thể tự lồng tiếng nên phải tổ chức thử vai lồng tiếng. Mỗi nhân vật phải thử chục người để chọn 1 người hợp nhất nhưng cũng khó mỹ mãn như diễn viên tự lồng. Việc diễn viên miền Bắc nhưng lên phim nói giọng miền Nam khá phổ biến ở các phim phía Nam, trong khi ở phim truyền hình phía Bắc, các diễn viên miền Nam đều được giữ nguyên giọng. Điều này cũng tạo ra phản ứng khác nhau ở khán giả. Chất giọng như hụt hơi của Thúy Diễm gây khó chịu, dù diễn xuất của cô được khen trong phim Trạm cứu hộ trái tim. Khả Ngân khi lần đầu Bắc tiến với phim 11 tháng 5 ngày cũng bị chê đài từ yếu. Trong khi đó, khán giả xem NSƯT Ngọc Quỳnh và Doãn Quốc Đam tiếc khi giọng lồng cho cả 2 không hay bằng giọng thật của họ.

Bỏ qua khâu giọng nói, sự kết hợp của diễn viên 2 miền đem lại hiệu ứng tích cực thấy rõ cho các phim, nhất là phim điện ảnh, thể hiện qua doanh thu. Nhà sản xuất Võ Thanh Hòa (phim Quỷ cẩu) chia sẻ: “Lợi thế của diễn viên miền Bắc là “giữ” vai rất kỹ, biết bám chặt vào đường dây để diễn. Tính giải trí có thể không cao nhưng họ hóa thân vào nhân vật rất tốt. Phim truyền hình có ngày quay đến 20-30 phân đoạn, còn phim điện ảnh nhàn hơn – chỉ quay 2-3 phân đoạn/ngày nhưng đòi hỏi độ sâu. Vậy nhưng họ bắt nhịp rất nhanh, qua đến ngày quay thứ hai đã quen”.

Trào lưu sử dụng diễn viên 2 miền đã và đang đem lại hiệu ứng tích cực. Nhiều gương mặt Bắc tiến hay Nam tiến khiến khán giả quên mất họ đến từ vùng miền nào, như trường hợp diễn viên Lan Phương, Trần Nghĩa, Bích Ngọc… Dù là diễn viên vùng miền nào, việc xem một bộ phim với nhiều chất giọng đem lại sự mới mẻ cho khán giả.

Theo Hương Nhu/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)