Thay vì giảng dạy kiến thức tự nhiên và xã hội cho học sinh tiểu học qua sách giáo khoa, Nguyễn Ngọc Phương Thủy và Lâm Thị Thu Thảo (sinh viên năm 4 Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã làm những đoạn phim hoạt hình để lồng vào giáo án.
Hai tác giả đang hoàn thiện thêm bộ phim hoạt hình |
Các đoạn phim xoay quanh cuộc sống của cậu bé tên Tũn gặp những rắc rối mà bất kì một trẻ nhỏ nào cũng gặp phải ít nhất một lần trong đời, cùng các cách giải quyết rắc rối được đưa ra…
Mỗi đoạn phim là một bài học
Những rắc rối mà cậu bé Tũn gặp phải đó là nuốt hạt trái cây, vì ham chơi mà đi lạc, bị muỗi cắn… Có những rắc rối Tũn tự giải quyết nhưng sai khoa học, có những rắc rối Tũn lại giải quyết một cách thông minh. Cụ thể, ở đoạn phim Cây mọc lên từ hạt, nói đến việc Tũn lỡ nuốt hạt cam trong lúc ăn. Vì lo sợ cây nảy mầm, lớn lên trong bụng, Tũn đã không uống nước 1 ngày và hậu quả ngày hôm sau Tũn bị xỉu trong giờ thể dục. Còn ở đoạn phim Một ngày đi lạc kể về sự việc Tũn theo mẹ ra chợ, mải mê với cửa hàng đồ chơi siêu nhân nên bị lạc. Trong lúc tìm mẹ, Tũn đã gặp một người phụ nữ muốn dẫn Tũn đi, một người đàn ông muốn lau mồ hôi, tuy nhiên Tũn đã từ chối để tránh bị bắt cóc. Thay vào đó, cậu bé nhanh nhẹn tìm các chú cảnh sát giao thông ở giao lộ để nhờ gọi điện thoại cho mẹ đến đón về.
Phim sinh động, gần gũi giúp học sinh thích thú, học tập nhẹ nhàng, hiệu quả hơn. Đây chính là bài thi thiết kế đồ dùng dạy học của Thủy và Thảo. Bài thi vừa đạt huy chương vàng giải thưởng Sản phẩm thiết kế chế tạo ứng dụng 2015 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức. |
Theo Thủy, lồng ghép trong các câu chuyện của Tũn có những câu hỏi, câu trả lời được nêu lên để học sinh vừa theo dõi vừa suy nghĩ trả lời nhằm tháo gỡ khó khăn cho Tũn. Đúc kết lại bài học là lời khuyên của cô giáo trong phim đưa ra. Đơn cử, đoạn phim Cây mọc lên từ hạt, sau khi bị xỉu, qua lời giảng giải của nhân viên y tế, Tũn mới biết hạt cam vào dạ dày được nhào trộn với men tiêu hóa nhưng không phân hủy được nên hạt trở thành chất thải và bài tiết ra ngoài. Mặt khác, bất cứ loài cây nào muốn phát triển phải có sự kết hợp môi trường khí hậu, đất, nước. Và bài học cuối cô giáo trong phim đưa ra là cẩn thận khi ăn uống vì nuốt hạt sẽ làm đau ruột thừa.
Nhân vật Tũn trong phim thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc hết sức dễ thương (khóc, cười, băn khoăn, ngạc nhiên…) đúng với tâm sinh lý trẻ nhỏ thường gặp. Thảo cho rằng: “Xem phim, các em sẽ tìm thấy mình trong những câu chuyện đó. Nội dung kiến thức được lồng ghép vào mỗi tập phim sẽ đi vào trí nhớ của học sinh một cách tự nhiên nhất, giúp các em nhớ kiến thức lâu hơn, việc học sẽ trở nên có ý nghĩa hơn. Ngoài ra, các em còn có thể áp dụng kiến thức đã học vào thực tế đời sống”.
Ngoài 2 đoạn phim trên còn có phim: Tuổi dậy thì; Phòng tránh bệnh sốt rét, sốt xuất huyết.
“Tay ngang” làm nên chuyện lớn
Nói về lí do làm phim hoạt hình, Thủy chia sẻ: Hiện nay các video dạy môn tự nhiên và xã hội ở tiểu học hầu như không có. Khi muốn mang đến một tiết dạy sinh động, giáo viên chỉ còn cách lên internet tìm các video ở lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về nội dung đó và trình chiếu cho học sinh xem. Ví dụ học về máu và cơ quan tuần hoàn, trên internet chỉ có các đoạn video dạng 3D tái hiện. Mặc dù chân thật nhưng không phù hợp tâm lí học sinh khiến các em không nhớ lâu, nếu có cũng chỉ tạm thời. Đây là lí do chúng em quyết định tạo ra nguồn dữ liệu phục vụ riêng cho môn này ở bậc tiểu học.
Phim không dựa theo nội dung sách giáo khoa Theo Phương Thủy, mặc dù cung cấp kiến thức phục vụ cho môn tự nhiên và xã hội nhưng phim không dựa theo nguyên mẫu nội dung sách giáo khoa. Vì thế người dạy có thể dạy thoát li khỏi sách, hoặc cho học sinh xem vào các giờ sinh hoạt để củng cố kiến thức cũ hay bổ sung kiến thức mới. Khi ra trường đi dạy, Thủy và Thảo sẽ sử dụng sản phẩm này vào dạy học cũng như tìm ra nhiều sáng kiến hay hơn có những tiết dạy sinh động, hiệu quả. |
Tuy nhiên, Thảo bật mí: Chúng em từng làm phim hoạt hình trong lần kiến tập tại Trường Tiểu học Khai Minh (Q.1). Để chuẩn bị bài dạy về loài muỗi cho học sinh lớp 1, chúng em lên mạng tìm kiếm các đoạn phim nói về loài này nhưng chỉ thấy hình ảnh, kiến thức chuyên sâu dành cho người lớn sẽ không mang lại kết quả cao khi dạy. Chúng em suy nghĩ tìm giải pháp mới nảy sinh ý tưởng làm phim hoạt hình về loài muỗi. Phim vừa mang tính chất giải trí, vừa mang tính chất giáo dục. Cuối cùng đoạn phim cũng ra đời, các em học sinh rất thích thú bởi nhân vật trong phim bị muỗi cắn phải thoa kem chống muỗi cũng chính là tình huống các em đã trải qua…
Có năng khiếu hội họa nên Thảo đảm nhận khâu vẽ hình, còn Thủy đảm nhận kỹ thuật dựng. Để vẽ ra từng phân cảnh (hình ảnh, cử chỉ, hoạt động, thái độ, cảm xúc của Tũn), Thảo sử dụng phần mềm Adobe Illustrator (phần mềm cho phép tạo hình chỉnh sửa đối tượng). Sau đó hai em ghép hình ảnh Tũn chạy trên phân cảnh thông qua phần mềm Proshow Producer. Riêng khâu lồng tiếng nhân vật, hai em cũng tự thu âm rồi xử lý qua phần mềm Cool Edit Pro cho phù hợp với giọng điệu của Tũn.
Do học chuyên về giáo dục tiểu học nên hai em gặp không ít khó khăn liên quan đến kỹ thuật trong quá trình làm. Nhưng cái khó nhất là làm sao hoạt động của nhân vật phải mềm mại, khớp với lời thoại, cảm xúc nhân vật. Quá trình chuyển cảnh cũng phải làm sao cho liền mạch, không bị vấp… Sau 1 tuần các đoạn phim đã hoàn thành, thời lượng mỗi đoạn từ 2 đến 3 phút. Sản phẩm này được các chuyên gia đánh giá cao về tính ứng dụng.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
Bình luận (0)