“Phim hoạt hình không có quốc tịch, không phân biệt lứa tuổi” – chuyên gia, nhà sản xuất phim truyền hình Nhật Bản Takamasa Sakurai đã khẳng định như thế với các bạn trẻ trong chương trình Ngày Nhật Bản tại VN sáng 21-9.
Với những thước phim hoạt hình (PHH) đẹp như mơ về tình bạn, tình yêu do chính mình sản xuất; với phong thái dí dỏm, cởi mở, cách dẫn chuyện sinh động, buổi thuyết trình của ông Takamasa Sakurai mang chủ đề “PHH Nhật Bản: Quá khứ, hiện tại và tương lai – bí mật của sự cạnh tranh quốc tế” đã khiến hội trường Nhà văn hóa Thanh niên, TP.HCM với hơn 400 ghế ngồi không còn một chỗ trống.
Phim hoạt hình không chỉ dành riêng cho trẻ em
Tại sao PHH Nhật Bản được nhiều người ưa thích? Tại sao nhiều bộ PHH Nhật Bản có nhiều cảnh bạo lực? Khi sản xuất PHH, các nhà sản xuất có chú ý đến cảm giác của phụ huynh không? Làm thế nào để sản xuất được một PHH giá rẻ?… Hàng loạt câu hỏi đã được ông Sakurai giải đáp một cách thuyết phục và hóm hỉnh.
Nói về sự thành công của PHH Nhật Bản, ông chia sẻ: “Không phủ nhận một điều là PHH Nhật Bản nổi tiếng về vẻ đẹp, “long lanh” về hình thức, có sự sâu sắc trong kịch bản. Nhân vật được xây dựng với tính cách riêng, không tốt hoàn toàn và cũng không xấu hoàn toàn như môtip nhân vật trong PHH các nước khác. Chính điều này làm người xem không thể đoán trước được câu chuyện”. Ông cũng đưa ra dẫn chứng: có những bộ PHH Nhật Bản ra đời rất lâu và sản xuất kéo dài cả chục năm nhưng luôn thu hút khán giả khắp thế giới như: Ðôrêmon, Thủy thủ mặt trăng, Bảy viên ngọc rồng, Thám tử Conan, Ðội trưởng Tsubasa, Naruto…
Ông nhấn mạnh: “Câu hỏi tôi thường gặp là tại sao có quá nhiều cảnh bạo lực trong PHH Nhật Bản? Tại sao không làm một bộ phim đầy tính nhân bản, nhân vật trong sáng? Tôi xin trả lời rằng nếu để ý, các bạn sẽ thấy mỗi bộ PHH Nhật Bản đều nhắm đến những đối tượng khán giả riêng. Ðó cũng chính là lý do khiến PHH Nhật Bản thành công. Họ đã tạo nên những nhân vật không mang quốc tịch Nhật Bản, mà dành cho mọi người trên thế giới ở mọi lứa tuổi. Ðiều chúng ta cần lưu ý là PHH không chỉ dành riêng cho trẻ em mà dành cho mọi người. Quan trọng là bạn ở lứa tuổi nào và chọn xem phim gì thích hợp với mình”.
Phải mạnh dạn đầu tư và sản xuất phim
Trong cuộc trò chuyện ngắn dành cho Tuổi Trẻ ngay sau buổi thuyết trình, ông Takamasa Sakurai nói: “Ðây là lần đầu tiên tôi đến VN, thú thật tôi chưa xem PHH của nước bạn nhưng tôi nghĩ VN có nhiều cơ hội hợp tác với quốc tế. Khởi điểm nào cũng khó khăn, các nhà sản xuất VN phải mạnh dạn đầu tư, phải sản xuất thật nhiều mới có kinh nghiệm. Các nhà làm phim phải tự tạo cơ hội cho mình, gửi phim đến các liên hoan phim quốc tế để cọ xát, từ đó tìm ra ưu điểm, khuyết điểm để khắc phục”.
Là biên tập viên của một nhà xuất bản ở Tokyo nhưng đam mê ngành công nghiệp sáng tạo, ông Takamasa Sakurai đã chuyển sang sản xuất phim truyền hình, phim điện ảnh và hoạt hình. Ứng dụng công nghệ vào điện ảnh, ông đã có nhiều tác phẩm phim hoạt hình, video clip hoạt hình (đồng sản xuất) cho nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng của Nhật. Ông Takamasa Sakurai đã thuyết trình về nền công nghiệp hoạt hình Nhật Bản ở nhiều trường đại học tại Nhật và nhiều quốc gia như Ý, Đức, Pháp, Cộng hòa Czech, Tây Ban Nha, một số nước Trung Đông, Myanmar. Sau buổi thuyết trình ở VN, ông sẽ đến Lào và Campuchia. |
* Trong buổi thuyết trình, ông có nhắc đến những công nghệ làm PHH ở Nhật có thể tiết kiệm nhiều chi phí, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
– Tôi ví dụ bộ phim Hoshi no koe (Tiếng gọi từ vì sao) của đạo diễn Sinkai Makoto là một thành công cho thể nghiệm này. Chính đạo diễn này đã đem lại dũng khí, đánh thức khát vọng làm PHH cho nhiều người. Bộ phim dài 30 phút và chỉ do một mình ông Makoto thực hiện đã tiết kiệm được rất nhiều nhân lực và tiền bạc, bởi thông thường một bộ PHH phải huy động cả mấy trăm người tham gia.
Rất nhiều phần mềm làm phim hoạt hình ở Nhật như 3D Max/Maya có giá khoảng 600.000 yen (khoảng 6.000 USD). Tuy nhiên, tùy nội dung phim mà ta ứng dụng công nghệ nào cho phù hợp, còn không thì kết hợp cả hai công nghệ 2D và 3D. Quan trọng là nhà sản xuất chọn phương pháp nào để thu lại lợi nhuận nhiều nhất mà phim vẫn đạt chất lượng cao.
* Ðã đến nhiều quốc gia để thuyết trình về PHH, ông có nhận xét gì về thị trường PHH ở các nước và làm thế nào để PHH có vị trí trong lòng khán giả khi phim ảnh bây giờ tràn ngập?
– Ðơn cử ở Nhật Bản, mỗi năm chúng tôi sản xuất hơn 100 tác phẩm PHH để chiếu trên truyền hình (mỗi tác phẩm là xêri hàng trăm tập), chưa kể còn nhiều PHH điện ảnh. Ðến đâu tôi cũng thấy các bạn trẻ đón nhận PHH rất nhiệt tình, như cuộc hội thảo về công nghệ phim ảnh của Nhật ở Pháp đã thu hút hơn 120.000 người tham dự. Những cuộc trò chuyện về PHH của tôi ở các nước Myanmar, Tây Ban Nha, Ý hay VN thu hút hàng trăm bạn trẻ. Ðó cũng chính là sức ép cho các nhà sản xuất, họ phải cạnh tranh nhau để có những tác phẩm hay. Suy cho cùng, một tác phẩm chất lượng sẽ thu hút khán giả tìm đến.
* Ông có dự định nào về đầu tư sản xuất PHH ở VN không?
– Hiện Nhật Bản đang kết hợp với nhiều quốc gia khác để trao đổi công nghệ và sản xuất phim như Hàn Quốc, Philippines… Bản thân tôi rất muốn hợp tác để sản xuất PHH ở VN. Tuy nhiên, tôi phải xem tác phẩm của các bạn. Nếu tác phẩm của các bạn hay, tức khắc nhà sản xuất sẽ tìm đến, bởi vậy các nhà sản xuất PHH VN phải nỗ lực nhiều.
HOÀI NAM (tuoitre.com.vn)
Bình luận (0)