Có phim chiếu rạp, tăng cường yếu tố văn hóa Việt, tích cực phát hành trên nền tảng mạng, phát triển hệ sinh thái quanh sản phẩm… là những bước tiến đáng kể của phim hoạt hình Việt trên hành trình hướng tới giấc mơ toàn cầu.
Bước chuyển mình tích cực
Thời điểm này tại các rạp, bộ phim hoạt hình Việt Wolfoo và hòn đảo kỳ bí (khởi chiếu ngày 13/10) đang ghi nhận tín hiệu vui từ phía khán giả. Doanh thu phim tăng đều trong dịp cuối tuần, trong đó doanh thu ngày Chủ nhật cao gần gấp 5 lần ngày thường. 3 ngày đầu tiên, phim đã thu được hơn 1,2 tỉ đồng – con số đáng mừng với một bộ phim hoạt hình “không nhượng quyền”, “không chuyển thể”, 100% “Made in Vietnam”. Hiện phim đã thu hơn 1,8 tỉ đồng.
Cảnh trong một tập phim ngắn thuộc series Trạng Quỳnh thời Nhí Nhố đang phát trên YouTube
Chị Phạm Thị Quyên – Giám đốc truyền thông của đơn vị sản xuất phim Sconnect – cho biết: “Theo nhận xét của CGV, so với các phim hoạt hình nhập khẩu từ Hàn Quốc, mức doanh thu của phim tương đương, tức là tín hiệu tốt”. Trong lúc ngành phim hoạt hình Việt Nam có dấu mốc đáng tự hào ngoài rạp thì gần đây, hoạt động làm phim 3D cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Các đơn vị làm phim hoạt hình cùng bắt tay thực hiện dự án lớn về series phim hoạt hình dài tập.
Lý giải về sự cần thiết của việc hợp tác, đạo diễn, họa sĩ Trịnh Lâm Tùng – CEO Alpha Studio – cho biết: “Sconnect có kinh nghiệm sản xuất các series dài tập với đa chất liệu và đa nền tảng khai thác, có dấu ấn trên thị trường mảng giải trí nhanh quốc tế, hệ thống phát hành và phân phối lớn cùng tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Alpha có kinh nghiệm sản xuất với đội ngũ chuyên gia, chuyên viên trong ngành lâu năm và kinh qua các dòng sản phẩm, phim hoạt hình. Dự án sẽ có đủ các tiềm lực để hướng tới một series chất lượng cao”.
Bên cạnh việc bắt tay với đơn vị có nền tảng số mạnh, sở hữu hệ sinh thái nhiều, các đơn vị làm nội dung còn tìm cách liên kết sản xuất như cách Thỏ Bảy Màu và Sun Wolf Animation Studio đang làm. Tất cả đánh dấu bước chuyển trong nhận thức của người làm phim, bởi từ trước đến nay các nơi đều mạnh ai nấy làm, khiến ngành phim hoạt hình khó lớn mạnh.
Chú trọng giá trị văn hoá Việt
Ở nước ta, mảng phim hoạt hình lâu nay là khoảng trắng trong mắt khán giả, dù ngành này không thiếu người làm và làm tốt. Sự góp mặt của những dự án phim hoạt hình kể trên đang hâm nóng giấc mơ “tham chiến” thị trường phim hoạt hình nói chung và phim hoạt hình 3D nói riêng của các đơn vị.
Phim Wolfoo và hòn đảo kỳ bí
Để chuẩn bị đi xa, câu chuyện đưa văn hóa Việt vào phim là mối quan tâm hàng đầu. Series phim hoạt hình 3D Trạng Quỳnh thời Nhí Nhố có nhân vật trung tâm lấy cảm hứng từ nhân vật Trạng Quỳnh trong văn hóa dân gian. Đạo diễn – họa sĩ Trịnh Lâm Tùng cho biết: “Ê kíp cố gắng lựa chọn những gì phù hợp nhất của lịch sử, cổ tích, các nhân vật sự kiện trong văn hóa dân gian làm chất liệu sáng tạo. Bên cạnh đó, công nghệ AI cũng hỗ trợ cho các biên kịch thu thập dữ liệu, tạo dựng các ý tưởng mới”. Dự án phim ngắn 3D Huyền thoại loài Bọ Tiên của tác giả Duy Trung (dự kiến ra mắt năm 2024) đưa hình ảnh Dế Mèn trong tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký vào phim. Phim cũng lồng ghép những bối cảnh và yếu tố mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt.
Không chỉ làm phim, việc phát triển hệ sinh thái quanh sản phẩm cũng được các nhà làm phim chú ý. Sconnect sau thành công với hệ sinh thái Wolfoo (bao gồm các series phim ngắn, series dài tập, Wolfoo show, Wolfoo City – khu vui chơi giải trí mang trải nghiệm thế giới hoạt hình ra đời thực ở Hà Nội) đến series Trạng Quỳnh thời Nhí Nhố cũng có sản phẩm thương mại nhượng quyền, đồ chơi giáo dục, các game trực tuyến dành riêng cho nhân vật trong phim. Huyền thoại loài Bọ Tiên đang thử nghiệm mô hình/đồ chơi các nhân vật trong phim. Những hình ảnh mẫu khi trình làng trên fanpage phim đã nhận được nhiều lời khen ngợi, hỏi mua.
Phim hoạt hình là thể loại dễ xem với trẻ nhỏ lẫn người lớn. Nội lực của ngành hoạt hình trong nước đã có. Giờ là lúc người trong cuộc tăng tốc thực hiện giấc mơ chinh phục khán giả trong và ngoài nước. Đạo diễn Phan Thị Thơ (phim Wolfoo và hòn đảo kỳ bí) cho rằng: “Với sự phát triển bùng nổ của internet và các nền tảng giải trí xuyên biên giới, thời cơ và cơ hội để phát triển của thị trường điện ảnh Việt rất lớn, đặc biệt là phân khúc phim hoạt hình có rất nhiều hứa hẹn. Tuy nhiên, để phát triển bền vững và cạnh tranh quốc tế, cần phải có những cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ. Cần có sự kết hợp đầu tư giữa nguồn lực tư nhân và nguồn lực nhà nước, để nâng cao chất lượng công nghệ, thiết bị, nhân lực và quảng bá cho các sản phẩm hoạt hình. Ngoài ra cũng cần có sự đổi mới và sáng tạo về nội dung, phong cách và thể loại, ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất, để tạo ra những sản phẩm hoạt hình mới mẻ, hấp dẫn và có giá trị”.
Theo Hương Nhu/PNO
Bình luận (0)