Việc khai thác theo góc nhìn mới góp phần nâng cao giá trị của phim kinh dị, giúp nhà làm phim thoát khỏi những lối mòn trong sáng tạo
Đậm chất thời đại
"Gọi hồn quỷ dữ" kể câu chuyện về cô gái trẻ Mia (Sophie Wilde đóng) mắc chứng trầm cảm sau khi mẹ cô qua đời đột ngột do sốc thuốc. Mia cô đơn, lạc lõng, dựa dẫm tinh thần vào gia đình người bạn thân thiết Jade (Alexandra Jensen đóng) chứ không phải người cha Max (Marcus Johnson đóng) do những hiểu lầm, khúc mắc giữa hai bên kể từ sau cái chết của mẹ cô.
Một ngày, Mia thích thú muốn thử một trò đùa trong buổi tiệc của nhóm bạn học đang lan tỏa trên mạng xã hội liên quan bàn tay ma quái. Người chơi khi bắt lấy bàn tay sẽ được thấy hồn ma với câu nói "Hãy nói chuyện với tôi" và được hồn ma nhập cơ thể, kiểm soát với câu "Tôi để bạn vào". Họ sẽ thoát khỏi tình trạng bị nhập khi gỡ bàn tay ra khỏi người chơi trong vòng 90 giây. Họ ghi lại những hành động gây sốc khi người chơi bị xâm chiếm ý thức, hành động quái dị, ngây ngô.
Cảnh trong phim “Gọi hồn quỷ dữ”. Ảnh do nhà phát hành cung cấp
Khai thác chủ đề gọi hồn quen thuộc nhưng "Gọi hồn quỷ dữ" không theo lối mòn nhàm chán mà tập trung làm nổi bật về Mia – cô gái chịu cú sốc tâm lý dẫn đến mắc chứng trầm cảm, loay hoay tìm lối thoát rồi rơi vào bi kịch khi mất đi kết nối với người cha, gia đình bạn thân. Kịch bản thuyết phục, mang đậm chất thời đại, hiểu tâm lý giới trẻ. Những tình tiết trong phim cùng diễn xuất tốt của Sophie Wilde đã lột tả được nỗi đau của Mia, truyền cảm xúc đến khán giả, khiến nỗi đau đó trở nên chân thật.
Phim vì thế đã nhận nhiều lời khen với 94% nhận xét tích cực từ giới phê bình, 82% từ khán giả trên Rotten Tomatoes. Với kinh phí chỉ 4,5 triệu USD, phim hiện gặt hái tổng doanh thu 32,9 triệu USD và vẫn đang chiếu tại nhiều nơi, hứa hẹn tăng cao lợi nhuận.
Trước "Gọi hồn quỷ dữ", khán giả cũng từng được thưởng thức phim "Quỷ quyệt: Cửa đỏ vô định" ("Insidious: The Red Door"), dùng chuyện chống lại thế lực tà ác, quỷ quyệt để hàn gắn những tổn thương, chữa lành mối quan hệ cha con giữa Josh (Patrick Wilson đóng) và Dalton (Ty Simpkins đóng). Phim do Patrick Wilson đạo diễn, kinh phí 16 triệu USD nhưng doanh thu toàn cầu đã lên đến 183 triệu USD.
Phim "Tà chú cấm" ("Home for Rent") của Thái Lan, do Sophon Sakdaphisit đạo diễn, cũng làm nổi trội yếu tố tình cha con trên nền câu chuyện về hội tà giáo bí ẩn. Những nuối tiếc, đau khổ, tự trách bản thân sau cái chết của con gái nhỏ trước đó đã làm nhân vật người cha đi sai đường, gây hại cho gia đình hiện tại của anh.
Phim kinh dị cũng như các dòng phim khác đều cần có câu chuyện hay, hấp dẫn và gần gũi. Khán giả có thể nhận ra bản thân trong câu chuyện để đồng cảm, chia sẻ với nhân vật. Hoặc ít nhất, những câu chuyện kinh dị phải mạch lạc, hợp lý, thuyết phục được khán giả chứ không phải sự nhàm chán, vô vị và dễ đoán.
Nhà làm phim Việt cũng đã nỗ lực thực hiện những yếu tố như vừa nêu trên vào phim kinh dị, song vẫn chưa thành công. Nguyên nhân là do những câu chuyện được kể thường rơi vào tình cảnh "đầu voi đuôi chuột" hoặc ôm đồm quá nhiều thông điệp dẫn đến rối loạn, không tạo được dấu ấn trong lòng khán giả.
Phim thể loại tâm lý, giật gân gần đây của Việt Nam khai thác mặt tối của showbiz và mạng xã hội là "Fanti", do đạo diễn Andy Nguyễn thực hiện. Phim có một kịch bản tham lam nhiều nội dung, phần đầu tập trung vào mặt tối của showbiz và mạng xã hội, phần sau chuyển hướng đột ngột sang câu chuyện mâu thuẫn giữa mẹ và con, gây rối rắm, thiếu thuyết phục.
Phim kinh dị "Vong nhi" do Hoàng Tuấn Cường đạo diễn cũng mắc lỗi tương tự. Ngoài câu chuyện của nhân vật Lê Phương, khán giả còn phải mệt mỏi vì câu chuyện của nhân vật do Nhật Kim Anh thể hiện đan xen. Tuy nhiên, 2 câu chuyện lại không hòa hợp nhau tạo cảm giác rời rạc, thiếu cuốn hút.
Theo những người trong cuộc, để dòng phim kinh dị Việt phát triển tiệm cận thế giới còn cần thời gian dài. "Tôi tin rằng theo thời gian thì dòng phim kinh dị Việt sẽ phát triển theo sự phát triển chung của điện ảnh trong nước. Điều quan trọng vẫn là cần phải có một câu chuyện hay, hợp lý thì sẽ thuyết phục được khán giả" – đạo diễn, nhà biên kịch Kay Nguyễn nhìn nhận.
Theo các nhà chuyên môn, phim kinh dị trước đây nặng về yếu tố giật gân; những màn hù dọa, gây sốc được chú trọng nhiều hơn so với giá trị câu chuyện. Hiện nay, các nhà làm phim đã biến sự ghê rợn, ma quái làm nền cho những nỗi đau mang tính thời đại như trầm cảm, khoảng cách thế hệ…, góp phần nâng cao giá trị của dòng phim kinh dị. |
Bình luận (0)