Y tế - Văn hóaThư giãn

Phim lên hương nhưng nông dân chưa thấy “đã”

Tạp Chí Giáo Dục

 Hơn ba năm về trước, trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 3-4-2009 có đăng bài viết “Xin cho “tam nông” lên phim nhiều hơn” của tôi – một người đã, đang và chắc chắn sẽ mãi mãi sống cùng “tam nông” năn nỉ “bốn nhà” – nhà viết kịch bản, nhà đạo diễn, nhà làm phim và nhà đài – quan tâm chiếu cố đến “tam nông”.

Chắc chắn không phải chỉ vì cảm động trước sự năn nỉ chân thành này mà mấy năm qua nhiều hãng phim “rủ nhau làm phim nông thôn”, mà chính cuộc sống, chính sự đòi hỏi của nghề nghiệp làm cho “bốn nhà” hợp sức chuyển hướng về tam nông.
Một lần nữa cũng xin cảm ơn “bốn nhà” đã quan tâm, chiếu cố, đưa hình ảnh người nông dân và một phần đời sống hiện thực của nông thôn VN lên màn ảnh. Tuy vậy, nhiều khán giả là nông dân hoặc dân sống ở nông thôn vẫn chưa thấy “đã”.
Trước hết về số lượng, nói là nhiều nhưng thật ra chỉ mới đếm được bằng đầu ngón tay. So với các đề tài khác, nhất là tâm lý xã hội thành thị thì còn rất khiêm tốn.
Về chất lượng thì các báo đã nói nhiều nhưng khách quan mà nhận xét thì những phim về tam nông ở phía Nam không bằng phía Bắc. Những vấn đề phim đề cập còn rất hạn hẹp so với cuộc sống vô cùng phong phú của nông thôn. Tính đa dạng vùng miền cũng còn hạn chế, chỉ thấy chuyện phim xảy ra ở các tỉnh phía Bắc hoặc Tây Nam bộ mà ít, thậm chí không thấy những câu chuyện ở Trung bộ hay vùng dân tộc.
Ngôn ngữ là một phần hồn cốt tạo nên sự hay, dở của phim nhưng thường ít được chú ý, nhất là phim về nông thôn Nam bộ. Trừ những phim được xây dựng trên nền của những tác phẩm văn học hay báo chí của những nhà văn rặt nông dân như Phi Vân, Đoàn Giỏi, Sơn Nam… còn lại thì “nửa đồng nửa chợ, nửa xưa nửa nay”. Đâu phải chỉ nói ngọng vài từ như “cá gô”, “cái gổ” hay “mần”, “tui”, “mình ên”… là thành nông dân Nam bộ. Còn rất nhiều thứ, ngay cả ngữ điệu của nông dân cũng rất riêng.
Đạo cụ, trang phục cũng là vấn đề. Bộ quần áo bà ba, chiếc khăn rằn là biểu trưng của nông dân nói chung, đặc biệt là nông dân Nam bộ, nhưng không phải bất kỳ áo quần bà ba kiểu nào, màu gì cũng được. Hầu hết những bộ quần áo bà ba lên phim được cách điệu quá trớn. Lại nữa, hầu như nhân vật trong phim đều được mặc áo mới. Chiếc khăn rằn cũng vậy, mới tinh. Chuyện biến những quần áo mới, khăn mới thành “nhụt, nhụt” màu cháo lòng đâu phải khó mà như vậy nó mới thật nhưng không biết vì sao ta không làm?
Nói tóm lại, khán giả nông thôn vui vì được xem nhiều phim về chính cuộc sống của mình nhưng thật sự chưa thấy “đã”. Còn biết bao nhiêu chuyện của tam nông mà ai cũng thấy là rất “nóng” chứ đâu chỉ có chuyện cá, tôm, cây, trái. Hi vọng trong thời gian tới, “bốn nhà” sẽ liên kết với nhau thật chặt chẽ, có kế hoạch dài hơi về nông thôn mà “ba cùng” với nông dân chứ không phải chỉ cưỡi ngựa ngắm “tam nông”.
LÊ MINH HOÀNG (Trường THPT Long Bình, Gò Công Tây, Tiền Giang)- Tuổi trẻ

 

Bình luận (0)