Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim ngắn và giấc mơ thương mại hóa

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều năm gần đây, các nhà làm phim trẻ đã có thể xin được tài trợ kinh phí làm phim từ một số nguồn, được hỗ trợ đưa phim tranh tài tại các liên hoan phim trên thế giới. Thế nhưng việc thương mại hóa phim sau đó còn xa vời, việc làm phim ngắn chỉ để đi thi là điều đáng tiếc.

Làm phim ngắn chỉ để dự thi

Trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) ngắn TPHCM lần thứ nhất, tọa đàm “Sức mạnh của phim ngắn trong thúc đẩy biến đổi, phát triển xã hội tại TPHCM” diễn ra ngày 28/10 đã khơi gợi nhiều vấn đề. Một trong số đó là thương mại hóa phim ngắn. Làm phim ngắn là đường đi tất yếu của các đạo diễn trẻ. Các liên hoan, cuộc thi phim ngắn không chỉ là cơ hội để thể hiện tài nghệ mà còn là bước đệm để nhà làm phim trẻ tìm “giấy thông hành” vào nghề.

Cảnh trong phim ngắn Bắp ế - 1 trong 96 phim dự Liên hoan phim ngắn TPHCM lần thứ nhất

Cảnh trong phim ngắn Bắp ế – 1 trong 96 phim dự Liên hoan phim ngắn TPHCM lần thứ nhất

Hiện các đạo diễn phim ngắn không còn chật vật lo kiếm tiền làm phim, tự tìm đường đến các LHP nước ngoài như trước. Ở nhiều cuộc thi, các nhà làm phim trẻ đã nhận được sự hỗ trợ kinh phí để sản xuất nếu dự án được đánh giá là có triển vọng. Thành phẩm sau đó sẽ được ban tổ chức tìm LHP quốc tế phù hợp đưa đi tranh tài. Tại LHP ngắn TPHCM lần thứ nhất, những tác phẩm được Hội Điện ảnh TPHCM đầu tư sáng tác hằng năm cũng tham dự. Sự kiện tổ chức định kỳ 2 năm/lần này từ đây cũng sẽ là cơ hội để thẩm định công khai hiệu quả đầu tư của hội.

Từ trước đến nay, hầu như đường đi phim ngắn trong nước chỉ dừng lại trong khuôn khổ các cuộc thi, LHP. Đây là điều đáng tiếc vì làm phim ngắn đòi hỏi độ khó không kém gì phim dài, khi phải kể được câu chuyện hấp dẫn trong thời gian và kinh phí hạn chế.

Nhà sản xuất, biên kịch Mỹ Trang – thành viên ban giám khảo vòng sơ khảo LHP ngắn TPHCM lần thứ nhất, có kinh nghiệm sản xuất phim ngắn – cho biết: “Phim ngắn đa phần không có lợi nhuận khi bán, chủ yếu là để đi thi, tìm kiếm giải thưởng. Ở Việt Nam, trên các nền tảng trực tuyến, khán giả chỉ xem phim bộ và phim điện ảnh. Làm phim xong, tìm đường phát hành cho phim ngắn thật khó khi các LHP và nền tảng phát hành chính thức cho thể loại này vẫn còn nhiều hạn chế. Do ít khi phát hành bán vé ngoài rạp chiếu thông thường nên lợi nhuận cho phim ngắn khó đong đếm, điều đó thêm phần trở ngại đối với việc mời gọi vốn đầu tư hay chào bán trước nội dung cho các nền tảng online”. 

Nhà làm phim trẻ thiệt thòi

Phim ngắn của các đạo diễn trẻ khó lan tỏa sau khi các cuộc thi khép lại là thực tế đáng buồn. Các chương trình phim ngắn trên một số nhà đài chỉ dành chiếu phim của các đạo diễn chuyên nghiệp. Các nhà làm phim trẻ cũng khá thiệt thòi khi Nhà nước chưa có nguồn quỹ hỗ trợ làm phim nên lâu nay chỉ biết xin tiền từ các quỹ nước ngoài. Các dự án của đạo diễn Việt Nam nói chung khó nhận được sự quan tâm, chú ý của nước ngoài khi kêu gọi đầu tư.

Nhà làm phim trẻ Mai Lưu Ly (sản xuất dự án phim Bắp ế – thuộc công ty THE CREDITS và CÓGU studio – dự thi LHP ngắn TPHCM lần thứ nhất) cho biết: “Các quỹ, lab, nhà đầu tư và LHP nước ngoài rất quan tâm việc bộ phim đã nhận được sự hỗ trợ từ những quỹ đầu tư nào trong nước. Đó cũng là cách để họ đánh giá tính bản địa, tính khả thi và chất lượng phim. Ở nước ngoài, phim ngắn có thể kiếm được tiền từ việc phát trên các nền tảng VOD, trên máy bay, các nền tảng có trả phí và không trả phí… Ở Việt Nam, điều này chưa phổ biến. Đa số các nhà phát hành tập trung vào phim điện ảnh và chưa có nhiều phương thức để thương mại hóa phim ngắn. Do đó các nhà làm phim ngắn của Việt Nam, khi có sản phẩm được nước ngoài ngỏ ý mua, thường nhận lời ngay mà chưa đánh giá hết những bất lợi về quyền tác giả, quyền phát hành và doanh thu mà IP (tài sản trí tuệ) của mình sẽ chịu. Chẳng hạn bên mua chỉ đưa ra điều kiện phát hành có lợi cho họ như thời gian mua bản quyền tận 3 đến 5 năm và lập lờ chuyện trả lợi nhuận khi phim được phát triển các goods (văn hóa phẩm tiêu dùng) trong hệ sinh thái kèm theo”.

Phim ngắn là dòng chảy không thể thiếu của điện ảnh Việt, nhưng sức lan tỏa của phim ngắn vẫn còn bị giới hạn. Các nhà làm phim ngắn vẫn chịu nhiều thiệt thòi khi chưa nhận được những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để phát triển. LHP quốc gia chưa có hạng mục dành riêng cho phim ngắn.

Nhìn ra thế giới, ở nền điện ảnh phát triển như nước Pháp, có các kênh truyền hình mua phim ngắn phát sóng, LHP ngắn Clermont-Ferrand trở thành hoạt động văn hóa định kỳ quen thuộc. Riêng các LHP quốc tế lớn đều có hạng mục cho phim ngắn. Tại Việt Nam, phim ngắn làm ra chỉ để dự thi là một sự phí hoài cho công sức của ê kíp. Chuyện thương mại hóa phim ngắn sau khi xong nhiệm vụ thi thố là điều cần được nhiều sự hỗ trợ của xã hội, bởi có thu được lợi nhuận thì mới có thể tái sáng tạo. 

Theo Hương Nhu/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)