Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim ngoại áp đảo phòng vé Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Khép lại mùa lễ Tết dương lịch và Noel, hai phim Việt chiếu rạp có doanh thu thấp không như kỳ vọng, bị đè bẹp bởi bom tấn ngoại Avatar 2 và hoạt hình Mèo đi hia.

Phim ngoại vượt xa phim Việt

Chiếu rạp từ ngày 23.12, phim hành động Thanh Sói do Ngô Thanh Vân làm sản xuất và đạo diễn, đóng cùng Đồng Ánh Quỳnh, Tóc Tiên, Rima Thanh Vy, Song Luân, Thuận Nguyễn… qua hai kỳ lễ, tết vẫn chỉ thu được vỏn vẹn 15 tỉ đồng. Thanh Sói có kinh phí sản xuất hơn 50 tỉ đồng; phần dàn dựng, hình ảnh, võ thuật… được đầu tư lớn nhưng vẫn không thu hút được khán giả bởi kịch bản thiếu thuyết phục ngay từ đầu với số phận các nhân vật nữ giang hồ trong phim, cùng với đó là lời thoại xuyên suốt phim vô cùng “sách vở” khi các nữ giang hồ nói chuyện với nhau như nhà văn hoặc triết gia khiến khán giả cười ồ.

Phim ngoại áp đảo phòng vé Việt - ảnh 1

Avatar 2 đang thống trị rạp Việt với doanh thu hơn 227 tỉ đồng. Ảnh: CGV

Cũng chiếu đón đầu mùa Giáng sinh, Tết dương lịch 2023, bộ phim Đảo độc đắc: Tử mẫu Thiên linh cái của đạo diễn Lê Bình Giang, với diễn xuất của Sam, Trần Nghĩa, Trần Phong, hoa hậu Tiểu Vy, Minh Dự, Lan Phương… đến hết ngày 2.1 chỉ thu được hơn 10 tỉ đồng. Câu chuyện giả tưởng về bùa ngải trong phim không có gì mới mẻ và phi logic nên chưa chạm đến cảm xúc người xem. Còn Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên dựa theo truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, chiếu từ 2.12 đến nay thu được 3,9 tỉ đồng. Nhịp phim chậm cùng câu chuyện, cách dàn dựng theo hướng phim độc lập, nghệ thuật nên không được số đông khán giả đón nhận.

Trong khi đó, bộ phim Mỹ Avatar: Dòng chảy của nước đang “làm mưa làm gió” tại các phòng vé Việt với doanh thu tính đến hết 2.1 đã hơn 227 tỉ đồng. Đại diện đơn vị phát hành phim này tại VN cho biết dịp nghỉ lễ 1.1, phim áp đảo suất chiếu tại rạp Việt do nhu cầu khán giả muốn xem quá lớn. Trên thế giới, bom tấn Avatar 2 của đạo diễn James Cameron cũng đạt doanh thu lớn, cán mốc 1,4 tỉ USD toàn cầu, vào top 15 phim ăn khách nhất mọi thời sau 2 tuần công chiếu. Avatar 2 được đánh giá có kỹ xảo hình ảnh choáng ngợp, vượt trội phần 1, cùng thông điệp về tình cảm gia đình cũng như về sức mạnh của thiên nhiên lay động cảm xúc người xem. Các phân cảnh hành động của Avatar 2 được dàn dựng quy mô, kịch tính hơn, không khí tác phẩm vì thế liên tục có cao trào.

Phim hoạt hình Puss in Boots: The last wish (tựa Việt là Mèo đi hia: Điều ước cuối cùng) chiếu rạp Việt từ 30.12.2022 và sau 4 ngày chiếu đã đạt doanh số hơn 22 tỉ đồng. Tính ra một ngày phim hoạt hình này thu được 5,5 tỉ đồng tiền vé – một con số mà các phim Việt hiện tại đang mơ. Mèo đi hia thu hút khán giả Việt bởi hình ảnh sinh động, kỹ xảo mãn nhãn, đậm tính giải trí, kèm bài học nhân văn về việc đi tìm giá trị sống của mỗi cá thể đầy ý nghĩa.

Trước đó, trong năm 2022, nhiều phim ngoại cũng đạt doanh thu cao: bộ phim hoạt hình Minions: Sự trỗi dậy của Gru có doanh thu hơn 200 tỉ đồng, Doctor Strange 2 đạt doanh thu 201 tỉ đồng, Bỗng dưng trúng số với 182 tỉ đồng.

Phim ngoại áp đảo phòng vé Việt - ảnh 2

Phim Thanh Sói hoàn toàn lép vế trước phim ngoại. Ảnh: ĐPCC

Giải pháp nào để phim Việt có chuyển biến tích cực hơn ?

Điện ảnh Việt đang gặp nhiều khó khăn về thị phần phòng vé khi có tới 28/38 phim lỗ và lỗ nặng trong năm 2022, chỉ duy nhất có 1 phim cán mốc trên 100 tỉ đồng doanh thu là Em và Trịnh. Theo các chuyên gia điện ảnh, năm 2023 tiếp tục sẽ là một năm đầy khó khăn đối với điện ảnh Việt, bởi khán giả đang ngày càng “nghiêm khắc” hơn với phim nội địa, họ mất dần niềm tin vào chất lượng phim Việt ngày càng thụt lùi, và sẵn sàng “tẩy chay” với phim kém đến mức “thảm họa” vừa công chiếu như: Duyên ma, Qua bển làm chi, Ê ông già yêu ha, Cù lao xác sống, Virus cuồng loạn…

Đánh giá chung về thị trường điện ảnh Việt trong năm 2022, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CGV, cho biết: “Sau đại dịch, kinh tế, thói quen và nhu cầu thưởng thức phim của khán giả tại rạp đã có những thay đổi lớn. Doanh thu rạp năm nay chỉ đạt khoảng 70% so với thời điểm đạt đỉnh trước dịch – năm 2019. Số lượng khán giả thì chỉ đạt 60% so với trước và thành phần khán giả đến rạp này đa số chọn xem phim ngoại bởi họ đánh giá phim Việt không hay, không theo kịp nhu cầu, thị hiếu của công chúng nên doanh thu của phim Việt rất thấp”.

Phim ngoại áp đảo phòng vé Việt - ảnh 3

Phim Đảo độc đắc: Tử mẫu Thiên linh cái. Ảnh: ĐPCC

Chưa có thời điểm nào từ khóa “thảm họa phim Việt” lại được nhắc nhiều như quãng nửa cuối năm nay. Đạo diễn Võ Thanh Hòa thẳng thắn cho rằng: “Điều tôi buồn nhất là năm nay phim chiếu rạp hầu hết là phim xả kho, phim yếu, vốn từng không được chọn chiếu trước đây nhưng nay lại được phát hành. Sự cẩu thả trong tư duy, cách làm phim đã khiến các bộ phim yếu kém đến mức thành thảm họa, mắc lỗi cơ bản ở nhiều khâu”.

Nhà phê bình điện ảnh Phong Việt nói về cách ngăn chặn “thảm họa phim Việt” ra rạp: “Một bộ phim cũng như một món hàng bày lên trên kệ của siêu thị (ở đây là hệ thống rạp phim). Thế nên cách tốt nhất để ngăn một món hàng kém chất lượng được bày bán, là nhà quản lý rạp phim phải cấm cửa ngay từ khâu nhập hàng. Về mặt nguyên tắc, không thể ngăn cấm việc trình chiếu một bộ phim không vi phạm bất cứ quy định nào trong luật Điện ảnh; tuy nhiên, khâu kiểm duyệt phim cũng nên nghiêm khắc hơn với những bộ phim nằm dưới chuẩn chất lượng của một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa, có tác động xấu đến thị trường chung của nền điện ảnh, đến thị hiếu khán giả…”.

Cơ hội “phản công” giành lại thị trường cho phim Việt trong năm 2023 nằm ngay ở dịp Tết Nguyên đán 2023 với 3 phim đã có lịch chiếu từ mùng 1 là Nhà bà Nữ của Trấn Thành, Chị chị em em 2 của Vũ Ngọc Đãng và Siêu lừa gặp siêu lầy của Võ Thanh Hòa.

Bom tấn Việt Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đang khởi quay với những hình ảnh đại cảnh kỳ công được tung ra ít nhiều đem lại kỳ vọng vào một năm mới khả quan hơn cho chất lượng phim Việt.

Để có thể từng bước “phục hồi” thị trường phim Việt, đạo diễn – nhà sản xuất Nam Cito chia sẻ: “Khán giả xem phim hiện nay có trình độ thưởng thức, yêu cầu rất cao. Trong thời gian tới, các nhà sản xuất cần chú ý hơn về nội dung kịch bản, không nên bỏ tiền vào những dự án có kịch bản yếu kém và cần đa dạng thể loại phim hơn, tìm kiếm những gương mặt diễn viên mới, tăng kinh phí sản xuất để nâng cao chất lượng của dự án thì mới tạo ra được sản phẩm thu hút khán giả, chứ không thể sản xuất các phim kinh phí thấp, nội dung đơn giản, kỹ thuật cẩu thả mà mong khán giả bỏ tiền ra xem”.

Theo Phan Cao Tùng/TNO

Bình luận (0)