Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim “Người môi giới” và niềm tin về những điều thiện lành

Tạp Chí Giáo Dục

Tại Liên hoan phim Cannes 2022, đại diện đến từ châu Á – Broker – của đạo diễn Nhật Hirokazu Kore-eda đã giành được nhiều giải thưởng quan trọng. Sau Shoplifters (2018), Kore-eda đã quay trở lại với một tác phẩm đong đầy cảm xúc.

Từng chiến thắng giải Cành cọ vàng với Shoplifters, Broker (tựa việt: Người môi giới) là một phiên bản có phần tương đồng, nối tiếp tác phẩm trước đó. Kore-eda chia sẻ, cảm hứng thực hiện bộ phim đến từ việc nghiên cứu hệ thống nhận con nuôi trong quá trình làm phim Like father, like son (2013). Qua đó, ông đã phát hiện nhiều điểm tương đồng trong hai hệ thống của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Phim Người môi giới hướng đến những điều tươi sáng và thiện lành

Phim Người môi giới hướng đến những điều tươi sáng và thiện lành

Người môi giới kể về hành trình đi bán những đứa trẻ bị bỏ rơi ở các hộp trẻ sơ sinh, trước cửa nhà thờ, bệnh viện hoặc những nơi khác. Nhận thấy lợi ích của nó, chủ một cửa tiệm giặt là có nhiều nợ nần Sang-hyeon (Song Kang-ho thủ vai) quyết định kết hợp cùng Dong-soo (Gang Dong-won đóng) để đưa chúng đến các gia đình hiếm muộn.

Tuy chỉ bán trẻ em cho người có đủ điều kiện và trách nhiệm chứ không phải bọn buôn người, nhưng hành động này vẫn không thoát khỏi sự quan sát của Soo-jin (Bae Doona thủ vai) – một cảnh sát chuyên trách. Trong lần định bán đứa bé tên Woo-sung, hành trình trên đã bị chuyển hướng khi người mẹ trẻ So-young (Lee Ji-eun hay IU thủ vai) quay ngược trở lại tìm con mình. Liệu Woo-sung sẽ được trả lại cho mẹ với sự hỗ trợ của Soo-jin, hay vẫn bị bán đi vì những món tiền?

Những thay đổi tươi sáng 

Có thể thấy Người môi giới chính là một phiên bản khác của Shoplifters, khi từ nội dung, bối cảnh, câu chuyện cũng như màu sắc… đều gợi nhớ tới những nét đặc trưng rất Kore-eda. Đó thường là những tổ hợp nhân vật không theo một quy tắc nào, sống cùng nhau trên một đường biên có phần mong manh giữa sự đồng cảm (bởi cùng là những con người dưới đáy xã hội) và cơ hội (được huấn luyện để rồi tiếp tục làm những công việc không đúng đắn).

Người môi giới

Người môi giới  là một phiên bản khác của Shoplifters với những nét đặc trưng rất Kore-eda

Thế nhưng, với việc chuyển dịch bối cảnh từ Nhật Bản (Shoplifters) sang Hàn Quốc (Người môi giới), có thể thấy rằng Kore-eda đã có nhiều thay đổi. Chuyển sự chật chội, tù túng giữa mùa đông lạnh giá từ tác phẩm trước đó sang những cảnh quay góc rộng, với biển và khung cảnh mùa hè, Người môi giới cho thấy Kore-eda đã bớt ủ ê, và tập trung hướng về cái đẹp và sự thiện lành. Kịch bản của Người môi giới được Kore-eda chủ ý thêm vào những nhân vật có cá tính hơn (như cậu bé Hae-jin) nhằm mang đến nhiều tiếng cười hơn nữa – một điều dường như không thể thấy được ở tác phẩm trước. Trong bối cảnh thế giới chìm trong khá nhiều sự kiện tiêu cực, Người môi giới là tia hy vọng chứa nhiều ủi an rất đáng khích lệ.

Vấn đề khó giải quyết

Tuy có những sự khác nhau trong góc nhìn và hướng khai thác, nhưng cả Người môi giới và Shoplifters đều cùng hướng về một mục tiêu chung: Phản ánh cuộc sống của người dưới đáy xã hội, cho thấy bất cứ hành động nào cũng được phơi bày ở nhiều khía cạnh, trong thế lưỡng nan buộc con người phải lựa chọn. 

Ở đó, chi tiết hộp em bé là thứ gây nhiều suy ngẫm. Việc lập ra nó là một điều tốt, hay càng khuyến khích những bà mẹ trẻ chối bỏ trách nhiệm? Hành động chỉ bán trẻ con cho những gia đình thực sự cần chúng và có đầy đủ điều kiện cũng là vấn đề lưỡng nan khác: về mục đích – đó là nhân đạo, nhưng về bản chất – hiển nhiên đó là tư lợi.

Những câu hỏi này cho thấy tài năng trong khâu biên kịch của Kore-eda, để người xem có những suy ngẫm rất riêng về những vấn đề có phần toàn diện. Người môi giới cũng có cốt truyện phức tạp hơn, với những phe phái tham gia hành trình mà mỗi người đều có những câu chuyện riêng. Ai cũng có thể cảm thấy mình đang ở đâu đó giữa các nhân vật. Điều này cũng là một nỗ lực rất khác của Kore-eda nếu so với Shoplifters, khi ông giữ một khoảng cách nhất định trong sự tương tác giữa chính khán giả và cả bộ phim.

Người môi giới là một tác phẩm đáng xem và đáng suy ngẫm

Người môi giới là một tác phẩm đáng xem và đáng suy ngẫm

Với dàn diễn viên chất lượng, Người môi giới không chỉ thành công về mặt nghệ thuật, mà với sức hút của Gang Dong-won, IU hay Song Kang-ho (người đã chiến thắng giải Nam diễn viên của Cannes 2022 và thủ vai chính trong Parasite trước đó), bộ phim cũng đã để lại ấn tượng nhất định. Người môi giới giành được chiến thắng ở hạng mục Prize of the Ecumenical, tôn vinh  các tác phẩm “phơi bày chiều sâu bí ẩn nơi con người, thông qua nỗi đau, thất bại cũng như hy vọng” ở Liên hoan phim Cannes năm nay. Đó là một tác phẩm đáng xem và đáng suy ngẫm từ một trong những bậc thầy phô diễn câu chuyện dưới đa góc nhìn Hirokazu Kore-eda. Hiện thực như Parasite, chất chứa như Minari, rất có thể Người môi giới sẽ làm nên chuyện ở mùa Oscar sắp tới. 

Theo Ngô Minh/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)