Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim nội nên “chữa lành” hơn là “làm đau”

Tạp Chí Giáo Dục

Không có dàn diễn viên trai xinh gái đẹp, không mô típ tình tay ba tay tư, cũng không có những màn ngoại tình, đánh ghen hay “tiểu tam” xuất hiện, phim "Người một nhà" (VTV3) vẫn lôi cuốn người xem. Tiếc là những bộ phim như vậy chỉ là số ít hiện nay.

Đời sao đầy bi kịch

Có rất nhiều tình huống não nề trong các phim dài tập đang phát hiện nay. Chẳng hạn em gái hẹn hò với người mà chị gái từng thầm thương trộm nhớ; phụ nữ có chồng sẵn sàng qua đêm với người theo đuổi mình để lợi dụng anh ta; ông chồng có vợ đang chuyển dạ vẫn bỏ vợ ngủ với người tình (phim Ước mình cùng bay, kênh VieOn). Người mẹ tìm mọi cách chia rẽ tình yêu của con trai và không muốn con trai phục hồi trí nhớ sau tai nạn để che giấu chuyện ngoại tình của mình; con trai của nạn nhân đem lòng yêu con gái thủ phạm hại chết cha mình tạo nên mối nghiệt duyên (phim Ván cờ danh vọng, kênh VieOn). Cho vợ uống thuốc tránh thai mỗi đêm vì không muốn có con; đẩy cha vợ vào tù để trả thù; chấp nhận sống kiếp chồng chung cũng vì mục tiêu trả thù (phim Trạm cứu hộ trái tim, kênh VTV3). Chàng trai sau 26 năm mới biết sự thật về cái chết của cha; cô gái cũng sau chừng ấy năm mới biết mình chỉ là con nuôi. Oái oăm hơn, người con gái ruột thất lạc của cha mẹ mình lại là “tình địch” của cô (phim Lỡ hẹn với ngày xanh, kênh VTV1).

Phim Trạm cứu hộ trái tim gây “đau tim” khi dồn dập các cú twist, darma

Phim Trạm cứu hộ trái tim gây “đau tim” khi dồn dập các cú twist, darma

Bạo lực, trả thù, ngoại tình, vỡ nợ, đánh ghen, xung đột nhà chồng – con dâu, bi kịch nhầm con… xuất hiện nhan nhản trong phim. Nhiều phim lên sóng gần nhau có mô típ na ná khiến khán giả theo dõi đôi khi cũng muốn “tẩu hỏa nhập ma”, lẫn lộn, nhất là khi diễn viên trùng nhau. Như trong phim Ván cờ danh vọng và Tình yêu bất tử (THVL1) nam diễn viên chính Anh Tài rơi vào hoàn cảnh tình tay ba, mà 1 trong 2 người con gái yêu anh là con của người gián tiếp gây ra cái chết của cha anh. Công bằng nhìn nhận, phim nội ngày càng tiến bộ hơn khi biên kịch, đạo diễn biết cách cài cắm, phát triển tình tiết cuốn hút. Các diễn viên nhập vai ngày càng nhuần nhuyễn.

Bộ phận truyền thông cũng làm việc tích cực nên phim nào gần như cũng “dậy sóng” trên mạng xã hội. Tuy nhiên, vì độ dài của phim nên sự lạm dụng bi kịch, đặt ra hàng loạt nghịch cảnh cho nhân vật gây hiệu ứng ngược. Người xem ngao ngán bởi thấy sao đời đầy bi kịch.

Chờ đợi sự chuyển mình

Phim dài tập nếu thiếu kịch tính rất khó giữ chân người xem. Nhưng thực tế của vài phim ăn khách cho thấy, nội dung không quá “đen tối” cũng vẫn lôi cuốn. Những tác phẩm như Anh có phải đàn ông không, Đừng làm mẹ cáu, Lối về miền hoa, Chúng ta của 8 năm sau, Không ngại cưới chỉ cần một lý do, Gặp em ngày nắng, Người một nhà ghi điểm với nội dung đời thường gần gũi, những phân cảnh hài hước, góc nhìn lạc quan về cuộc sống và con người. Dẫu cũng có tình huống tạo biến cố, cao trào, nhưng nhìn chung các phim đều đem đến màu sắc tươi sáng. Ở những phim này, tình yêu, tình bạn, tình mẫu tử/phụ tử được khắc họa đầy ấm áp.

Phim Người một nhà được đánh giá cao vì tôn vinh tình anh em ruột thịt

Phim Người một nhà được đánh giá cao vì tôn vinh tình anh em ruột thịt

Những chi tiết, khoảnh khắc đời thường được chú trọng khai thác đem lại cảm giác dễ chịu, ấm áp. Chủ đề của những phim này cũng vẫn là gia đình, các nhân vật mỗi người đều mang trong mình những vết thương, nỗi đau riêng… nhưng phim không bị rơi vào cảm giác nặng nề, ngột ngạt. Làm được điều này phụ thuộc vào tay nghề biên kịch, đạo diễn, diễn viên.

Kể từ sau đại dịch COVID-19 với quá nhiều mất mát, đau thương, người xem ngày càng có xu hướng ưa chuộng những tác phẩm nhẹ nhàng, chủ yếu nuôi dưỡng tinh thần, cổ vũ con người vượt khó khăn. Đó cũng là lý do nhiều phim Hàn Quốc, Trung Quốc dạng “chữa lành” như Lời hồi đáp 1988, Khi hoa trà nở, Điệu Chachacha làng biển, Đi về nơi có gió, Nốt trầm đời bác sĩ được khán giả đón chào. Trên màn ảnh rộng, thành công phòng vé của những bộ phim nhiều nước mắt nhưng cốt truyện nhân văn như Mai hay Lật mặt 7 – Một điều ước trong khi các phim lắm yếu tố bất ngờ, nhiều kịch tính như Trà, Quý cô thừa kế, Cái giá của hạnh phúc thất bại cũng là minh chứng.

Nhìn chung, các nhà làm phim truyền hình nội đang cố gắng cho ra đời những bộ phim vẫn lồng ghép một số yếu tố kịch tính nhưng ở mức vừa phải, không quá nặng nề. Có điều, những nỗ lực này vẫn còn ít ỏi nên bị lọt thỏm trong dòng chảy chính của các bộ phim lắm “drama”. Cùng với Người một nhà, sắp tới khán giả đang chờ đợi bộ phim Những nẻo đường gần xa lên sóng ngày 22/5 sẽ mang đến màu sắc tươi sáng hơn cho màn ảnh nhỏ hiện nay. Phim kể về một nhóm bạn ở nông thôn là Hùng, Dũng, Đông, Bảo. Họ không cùng tuổi, không cùng chí hướng nhưng có chung tình bạn chân thành, giản đơn và vô cùng trong sáng. Ở những ngưỡng khác nhau của cuộc đời, họ có những lựa chọn khác nhau. Không chỉ chuyển bối cảnh sang nông thôn, phim còn đề cập chủ đề giới trẻ với niềm lạc quan “không có gì là không thể” nên hứa hẹn góp thêm cho dòng phim “chữa lành” còn đang thiếu.

Phim ảnh ngoài chức năng chính là góp phần định hướng chân-thiện-mỹ cho công chúng, còn có chức năng giải trí. Và các loại hình giải trí cũng có thể tác động, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Xem phim để thư giãn cũng là cách vượt qua trở ngại tâm lý. Vì vậy, hơn bao giờ hết, khán giả cần những tác phẩm “chữa lành” hơn là “làm đau”.

Theo Hương Nhu/PNO

 

Bình luận (0)