Phim "Chúng ta của 8 năm sau" do đạo diễn Bùi Tiến Huy thực hiện được khán giả yêu thích bởi câu chuyện thanh xuân tươi đẹp với cách kể và lối diễn hấp dẫn
Bộ phim "Chúng ta của 8 năm sau" (phát sóng trên VTV3) chia làm hai phần với phần đầu nói về thanh xuân tươi đẹp và phần hai là giai đoạn tất cả đều trưởng thành, thay đổi từ ngoại hình đến tính cách. Phim đã kết thúc phần đầu và đang trong quá trình phát sóng phần hai.
Cách diễn xuất tự nhiên
Câu chuyện thanh xuân tươi đẹp xoay quanh những người trẻ: Dương (diễn viên Hoàng Hà), Lâm (diễn viên Quốc Anh), Nguyệt (diễn viên Ngọc Huyền) và Tùng (diễn viên Trần Nghĩa) trong phần đầu của phim nhận nhiều lời khen ngợi từ khán giả. Theo đó, Dương tươi trẻ, sở hữu tính cách mạnh mẽ, nhí nhảnh, yêu thích trai đẹp. Cô chơi thân với Nguyệt – một cô giáo dịu dàng, cùng độ tuổi. Cả hai đi du lịch và tình cờ gặp Lâm và bạn của Lâm là Tùng đang đi công tác. Họ nhanh chóng quen nhau và dần gắn kết để bắt đầu hành trình yêu đương đầy ngọt bùi, đắng cay.
Phim “Chúng ta của 8 năm sau” phần 1. Ảnh chụp từ màn hình
Sau giai đoạn bùng nổ của dòng phim thanh xuân, học đường, màn ảnh nhỏ Việt chuyển sang những phim đề tài ngoại tình, người thứ ba, mẹ chồng nàng dâu… Đến nay, khán giả được xem trở lại tác phẩm khai thác về thanh xuân, tuổi trẻ với dàn diễn viên phù hợp, có nghề và nhanh chóng bị chinh phục. Cũng là câu chuyện về tình yêu của một thời tươi đẹp nhưng "Chúng ta của 8 năm sau" không có diễn viên "cưa sừng làm nghé", nhiều tuổi hơn nhân vật nhưng cố tình dùng hóa trang, kỹ thuật diễn để trẻ hóa. Với cách diễn xuất tự nhiên, tươi mới đã thuyết phục người xem.
Nhiều khán giả bình luận: "Tôi thấy họ và cũng muốn yêu như thế"; "Phim thu hút tôi ngay từ ban đầu"; "Các diễn viên làm tôi nhớ về thanh xuân của mình"; "Lâu rồi, tôi mới xem một phim thanh xuân tươi đẹp như thế"… Khán giả yêu thích các nhân vật đến mức đã lên tiếng chỉ trích gay gắt khi nghe thông tin đổi toàn bộ dàn diễn viên trong phần sau. Khán giả lo ngại thay đổi diễn viên sẽ khiến cảm xúc gián đoạn, không còn thấy được những hình ảnh tươi trẻ nữa. Những tranh luận xoay quanh việc thay đổi dàn diễn viên kéo dài và gay gắt khiến tựa phim liên tục trở thành từ khóa nóng, được tìm kiếm nhiều trên mạng.
Những người trong cuộc cho rằng ai cũng từng có tuổi trẻ tươi đẹp và luôn nhớ về khoảng thời gian đó. Phim thanh xuân giống như sự hoài niệm, nhắc khán giả nhớ về thời thanh xuân của mình. "Khán giả sẽ đồng cảm và dễ dàng bị thuyết phục nếu tác phẩm làm tốt từ câu chuyện đến diễn viên. Hiện nay khán giả đã "ngán" những phim xoay quanh chuyện gia đình, mẹ chồng nàng dâu nên dòng phim thanh xuân trở lại đã nhận được sự thích thú" – biên kịch Kim Ngọc nhìn nhận.
Phải là câu chuyện hay, góc nhìn mới
Tình yêu thời tuổi trẻ, sự hoài niệm một giai đoạn tươi đẹp đã qua trong đời là đề tài không lạ với nhà làm phim lẫn khán giả Việt bởi từng có một thời dòng phim này bùng nổ màn ảnh nhỏ với các tác phẩm: "Cổng mặt trời", "Phía trước là bầu trời", "Gọi giấc mơ về", "Chạy trốn thanh xuân", "Bước nhảy xì tin", "Zippo, mù tạt và em", "Tuổi thanh xuân 1 và 2"… Tiếc rằng do lạm dụng quá đà, khi liên tục được chiếu trên màn ảnh nhỏ và cả ra rạp khiến khán giả bị "bội thực" bởi cách kể chuyện nhàm chán, sáo mòn dẫn đến sự "biến mất" của dòng phim này.
Các nhà chuyên môn nhận định hiện nay khán giả có rất nhiều sự chọn lựa từ phim chiếu rạp, các loạt phim trên truyền hình trả tiền, các nền tảng thu phí cho đến các nền tảng miễn phí. Vì thế, dù bất cứ thể loại, đề tài, dòng phim nào, nhà sản xuất cũng cần có dàn diễn viên diễn tốt, câu chuyện phim hay và có góc nhìn mới, lạ thì mới có cơ may thu hút được khán giả. Việc tìm được góc nhìn mới từ những dòng phim quen thuộc sẽ khiến câu chuyện phim trở nên thú vị trong mắt khán giả.
Theo biên kịch Kim Ngọc, xu hướng của khán giả là thích sự hoài niệm khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng, do vậy việc khai thác những câu chuyện thanh xuân ở những năm 1980-1990 là yếu tố có thể hấp dẫn khán giả, đặc biệt là những khán giả từng trải qua tuổi trẻ tươi đẹp ở giai đoạn này.
Biên kịch Đông Hoa cho rằng "Chúng ta của 8 năm sau" đã đáp ứng được yêu cầu trên. Ở phần đầu, phim đã tìm được dàn diễn viên phù hợp về ngoại hình và diễn xuất ổn, nhất là Hoàng Hà với vai nữ chính Mai Dương. Những gương mặt mới, trẻ trung trên màn ảnh nhỏ kết hợp diễn xuất tốt đã khiến khán giả hòa vào mạch cảm xúc mà các diễn viên trong phim mang đến. "Đặc biệt, phim "Chúng ta của 8 năm sau" thu hút khán giả do mang đến sự mới lạ về câu chuyện được kể, nhất là dàn diễn viên mới nhưng "hợp nhãn" người xem, góp phần mang đến sự thăng hoa cho tác phẩm" – biên kịch Đông Hoa phân tích.
Khán giả thời nay không thích phải xem mãi một dàn diễn viên ai cũng quen mặt, xuất hiện quá nhiều đến mức gây nhàm chán. Thế nên với những gương mặt mới trong tác phẩm thanh xuân có nội dung hay, hợp lý cùng cách kể mới đã giúp sự trở lại ấn tượng của dòng phim này.
Các nhà chuyên môn cho rằng sự đa dạng với nhiều dòng phim khác nhau sẽ hài hòa và lâu bền hơn việc các nhà làm phim cứ cố gắng đổ xô vào một dòng phim nào đó đang gây chú ý trên thị trường. Nhà làm phim không nhất thiết phải chạy theo thị hiếu khán giả mà cần nỗ lực sáng tạo để chủ động tạo ra xu hướng, tạo những câu chuyện hay ở nhiều thể loại, dòng phim.
"Dòng phim thanh xuân từng một thời tạo xu hướng trên màn ảnh Việt. Tuy nhiên, do sản xuất ồ ạt dẫn đến bão hòa, dòng phim thanh xuân biến mất cả trên màn ảnh nhỏ lẫn màn ảnh rộng, nhường chỗ cho những phim tình cảm gia đình, mẹ chồng nàng dâu… |
Theo Minh Khuê/NLĐO
Bình luận (0)