Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phim tiếng Anh của học sinh tiểu học lấy nước mắt người xem

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy, trò Trường Tiểu học TP.HCM lần đầu tay ngang làm phim giới thiệu về TP.HCM bằng tiếng Anh song chính sự dung dị, bình yên, tình cảm dành cho quê hương – những thước phim đã gây xúc động mạnh cho người xem. Không ít cảnh quay đã lấy nước mắt người xem…


Bà Lâm Hồng Lãm Thúy – Trưởng Phòng Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM trao giải cho học sinh đạt giải cao trong hội thi

43 thước phim đến từ 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức tham gia vòng thi cấp thành phố trong hội thi Hội thi liên hoan phim tiếng Anh dành cho học sinh tiểu học với chủ đề “Quê hương tôi, Nguồn cảm hứng” lần đầu được Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức. Hội thi vừa tổng kết trao giải trong sáng 26-6.

Vượt qua 43 tác phẩm, bộ phim “Imprin” (Dấu ấn) của thầy trò Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú) xuất sắc giành được hầu hết các giải thưởng lớn ở các hạng mục trong hội thi: giải xuất sắc nội dung phim; giải xuất sắc công chiếu phim; giải xuất sắc và giải nhất diễn viên công chiếu phim; giải xuất sắc và giải nhất diễn viên trong phim.


Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc (ngoài cùng bên phải) trao giải cho giáo viên tham gia trong hội thi

“Imprin” kể về lần hội ngộ của Hùng – một nghệ sĩ dương cầm sau khi thành danh – trở lại Sài Gòn sau 20 năm xa cách, đầy ngỡ ngàng khi thành phố đã thay đổi nhiều.

Tuổi thơ của Hùng lớn lên nhờ xe bánh mì kẹp của mẹ. Khu chợ nghèo làm lũ, nghèo khó với những gánh hàng nhỏ, xe kem, quán bún bò… hiện lên qua từng thước phim khắc hoạ trọn vẹn cho người xem tình bạn bè thân ái, tình hàng xóm nghĩa tình, thầy thầy trò ấm áp….


Bộ phim “Imprin” của Trường Tiểu học Phan Chu Trinh gây xúc động mạnh cho người xem

Cao trào của phim đó là cảnh mẹ Hùng ngất xỉu vì lam lũ mưu sinh, cậu bé Hùng bật khóc: …“Nhìn má kiệt sức, hay là con nghỉ học đi phụ má”.

– “Mẹ làm việc vất vả cho con ăn học đàng hoàng, sao mà con nghỉ học được”.

– “Đừng lo! Dì sẽ giúp má con khi cần”- Dì Tám hàng xóm nói thêm vào.

Đây cũng là phân cảnh lấy đi nhiều nước mắt của người xem. Miền ký ức của cậu bé Hùng chỉ vỏn vẹn với hơn 20 phút nhưng bộ phim đã gây xúc động mạnh cho khán giả khi bất cứ ai cũng có thể thấy mình trong đó: tuổi thơ nghèo khó nhưng tươi đẹp, đáng trân trọng, với tình bạn bè, tình thầy cô, tình nghĩa xóm giềng ở nơi được gọi là “quê hương”, trở thành “nguồn cảm hứng” hun đúc trong mỗi người lý tưởng sống tươi đẹp- như cậu bé Hùng và như người bạn của cậu thưở vi hàn.

Cô Lương Thị Thanh Lý – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Chu Trinh chia sẻ: Kịch bản, ý tưởng, diễn viên, bối cảnh phim, âm nhạc và ca khúc phim… đều do giáo viên trong trường thực hiện. Qua bộ phim, không chỉ mang ý nghĩa tăng cường tiếng Anh cho học sinh, tạo cơ hội để các em thể hiện khả năng của mình mà còn mang ý nghĩa giáo dục, nhắc nhở và hun đúc trong mỗi học sinh tình yêu quê hương, biết ơn sự hy sinh của ba mẹ dành cho mình, trân trọng tình cảm bạn bè, hàng xóm…

“Hội thi thực sự là một hoạt động để các nhà trường đẩy mạnh sự sáng tạo trong các hoạt động tăng cường công tác dạy học. Cùng với đó, tham gia ôhij thi giúp học sinh, giáo viên, phụ huynh, ban giám hiệu nhà trường đã kết nối càng kết nối với nhau nhiều hơn, cùng chung tay hướng đến mục tiêu giáo dục học sinh…”.

“Sân chơi vô cùng ý nghĩa cho học sinh tiểu học”

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc đánh giá, với chủ đề “Quê hương tôi – nguồn cảm hứng”, hội thi cho thấy sự sáng tạo, tình yêu và trách nhiệm của học sinh với quê hương, đất nước thể hiện qua những thước phim do học sinh, giáo viên nhà trường xây dựng.

Các thước phim tham gia hội thi rất ấn tượng, cho thấy ý tưởng, cảm xúc của từng đơn vị, từng tác phẩm khác nhau, mang đến nhiều cảm xúc cho ban tổ chức, ban giám khảo. Qua hội thi đã thưởng thức được nhiều câu chuyện về cuộc sống bình yên, những kỷ niệm yêu thương từ quê hương, từ những trải nghiệm khám phá của mỗi học sinh. Điều này chứng minh cho sự phát triển, sự khám phá không ngừng của các em, đồng thời thể hiện khả năng giao tiếp tiếng Anh của các em rất tốt, rất sáng tạo.

Ông Nguyễn Bảo Quốc nêu dẫn chứng, đơn cử như xã đảo Thạnh An- dù còn rất nhiều khó khăn nhưng các em học sinh, thầy cô Trường tiểu học Thạnh An đã rất nỗ lực, cố gắng xây dựng thước phim giới thiệu về xã đảo Thạnh An, với những nghề truyền thống, với những nét đẹp của xã đảo, việc triển khai du lịch xanh tại nơi đây, qua đó thể hiện tình yêu về với vùng đất xã đảo còn nhiều gian khó.

Hay câu chuyện của cậu bé Khoai Tây đã từng buồn vì không có quê hương để về chơi mỗi cuối tuần. Với bạn “quê hương là một nơi rất xa, xa lắm” vì bạn ở TP.HCM. Nhưng rồi, khi được ba chở đi tham quan những nơi như Chợ Bến Thành, cầu Ba Son, nhà thờ Tân Định, đi thả diều ở khu Thủ Đức… thì Khoai Tây đã rất vui và tự hào khoe với các bạn về quê hương của mình. Từ câu chuyện của Khoai Tây, bạn bè của cậu thích thú, hào hứng cho biết nhất định cũng sẽ tìm hiểu về quê hương TP.HCM như bạn mình…

Đó còn là những thước phim về những siêu anh hùng nhỏ bé, với những điều ấm áp, giản dị, gần gũi từ quê hương, gia đình, trường lớp, cha mẹ, thầy cô với những ước mơ phi thường. Những siêu anh hùng đó đã, đang và sẽ đóng góp xây dựng những giá trị đẹp cho quê hương của mình, nơi khơi gợi vỗ về các em và là nguồn cảm hứng…

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, liên hoan phim tiếng Anh năm nay không chỉ mang đến sân chơi vô cùng ý nghĩa cho học sinh tiểu học TP.HCM mà qua đó giúp các em hình thành và phát triển năng lực giao tiếp ngôn ngữ và khả năng sáng tạo. Các em đã rất tự tin trong diễn xuất, thể hiện năng lực giao tiếp, năng lực tiếng Anh. Cho thấy sự đa dạng hoá các hình thức, phương pháp tổ chức dạy và học tiếng Anh trong nhà trường. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy, học tập, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số, hiện đại hoá. Đây là thành tựu đáng tự hào của ngành GD-ĐT TP với những nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh ở bậc tiểu học.

“Qua các bộ phim, học sinh đã thể hiện được lòng đam mê, có nhiều nghiên cứu sâu về địa danh mà hàng ngày các em đi qua, gắn bó. Từ đó giúp các em có những suy nghĩ sâu sắc hơn, hun đúc thêm cho các em những hiểu biết, tình cảm tốt đẹp về những di tích lịch sử tại địa phương mình. Những dòng chữ, hình ảnh khô khan trong tài liệu giáo dục địa phương được đưa vào trong các thước phim, trở nên gần gũi, sống động, ghi nhận đầy đủ những cảm xúc của các em về quê hương của mình” – ông Nguyễn Bảo Quốc đánh giá.

Với những giá trị đó, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc cho biết, Sở GD-ĐT TP.HCM hy vọng những tác phẩm trong hội thi sẽ trở thành nguồn tài liệu hữu ích, giúp cho thầy cô giáo ở mỗi nhà trường có thể tích hợp vào việc giảng dạy không chỉ ở bộ môn tiếng Anh mà còn ở nhiều bộ môn khác, cùng với hoạt động giáo dục địa phương tại TP.HCM.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)