Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim tiểu sử âm nhạc: Mỏ vàng!

Tạp Chí Giáo Dục

Phim tiểu sử âm nhạc nếu làm tốt không chỉ mang đến doanh thu cao cho nhà làm phim, mà còn cả những giải thưởng danh giá

Phim "Elvis" do đạo diễn Baz Luhrmann thực hiện từng nhận tràng vỗ tay kéo dài tận 12 phút khi chiếu ra mắt tại Liên hoan Phim (LHP) Cannes 2022. Đây là tác phẩm tiểu sử âm nhạc mới, nối dài danh sách phim tiểu sử âm nhạc đã và đang được các nhà làm phim thế giới tập trung khai thác.

Khắc họa chân dung âm nhạc

Phim "Elvis" có nội dung kể về huyền thoại âm nhạc, diễn viên người Mỹ Elvis Presley (qua đời tháng 8-1977). Ông được xem là một trong những biểu tượng đại chúng lẫy lừng của thế kỷ XX và thường được mệnh danh là "Ông hoàng nhạc Rock and Roll". Ông sở hữu phong cách trình diễn đầy năng lượng, tác phong làm việc cần mẫn và đạt được nhiều thành công trên thị trường âm nhạc thế giới.

Được kể từ góc nhìn của người quản lý Tom Parker, phim đào sâu vào sự liên kết của Elvis và Tom Parker cũng như gia đình Presley trong suốt 20 năm. Tác phẩm cũng phơi bày những câu chuyện hậu trường sân khấu của Elvis Presley từ khi còn là thiếu niên đến lúc thành danh. Sau lần ra mắt ấn tượng tại LHP Cannes 2022, phim sẽ ra rạp ở Mỹ từ ngày 24-6 và khán giả Việt cũng được thưởng thức tác phẩm này cùng ngày. "Elvis" được lòng người trong giới không chỉ nhờ câu chuyện đầy cuốn hút về cuộc đời của ngôi sao một thời mà còn nhờ diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên mà trong đó nổi bật là nam chính Austin Butler.

Cây bút David Rooney viết trên trang Hollywood Reporter rằng: "Austin Butler đã tái hiện xuất sắc nghịch lý của một câu chuyện thành công phi thường. Đó là câu chuyện về một người kiên trì bám vào giấc mơ Mỹ ngay cả khi nó liên tục vỡ vụn trong tay anh ta". Phim "Elvis" được kỳ vọng sẽ là tác phẩm nối tiếp các phim tiểu sử âm nhạc thành công về doanh thu như: "Bohe-mian Rhapsody", "Rocketman"…

Sau "Elvis", khán giả tiếp tục chờ đợi sự ra mắt của phim về Lang Lang, Buddy Holly, Whitney Houston… Người trong giới nhận định đây là một "mỏ vàng" mang đến danh vọng lẫn doanh thu cho nhà làm phim nếu tạo ra tác phẩm đủ sức chinh phục khán giả.

Phim tiểu sử âm nhạc: Mỏ vàng! - Ảnh 1.

Phim “Elvis” nhận tràng vỗ tay dài 12 phút tại Cannes 2022. Ảnh do nhà phát hành cung cấp

Danh vọng song hành doanh thu

Như bao tác phẩm phim truyện điện ảnh khác, phim tiểu sử âm nhạc đòi hỏi phải có một kịch bản chất lượng, diễn viên diễn xuất giỏi, sự đầu tư tái hiện những bối cảnh đúng cột mốc thời gian nhân vật trải qua từ không gian sống đến trang phục, phương tiện giao thông… Phim dựa trên nhân vật có thật nhưng lại không phải thể loại tài liệu nên cần chọn góc nhìn để khai thác sao cho hấp dẫn khán giả, chấp nhận những hư cấu, giả định để làm mượt mà câu chuyện được kể. Các ca khúc trong phim đều được chọn lọc sao cho phù hợp, truyền cảm nhất có thể.

Đặc biệt, dòng phim này đòi hỏi diễn viên phải hóa thân chân thật vào nhân vật không chỉ vẻ ngoài mà còn phải toát lên được thần thái để khi nhìn vào khán giả tin rằng đó là nhân vật. Diễn viên được chọn đều phải nỗ lực rèn luyện phát âm, giọng hát và học chơi nhạc cụ của nhân vật mình hóa thân. Diễn viên diễn xuất tốt góp phần quan trọng vào thành công của phim tiểu sử âm nhạc.

Phim tiểu sử âm nhạc: Mỏ vàng! - Ảnh 2.

Một cảnh trong phim “Elvis”. Ảnh do nhà phát hành cung cấp

Sự nỗ lực của Rami Malek mang đến cho anh tượng vàng Oscar 2019 hạng mục "Nam diễn viên chính xuất sắc". Phim này còn thắng thêm 3 tượng vàng Oscar ở các hạng mục: "Biên tập phim xuất sắc", "Hòa âm âm thanh xuất sắc", "Biên tập âm thanh xuất sắc" và 18 giải thưởng khác về điện ảnh.

Phim "Rocketman" kể câu chuyện về cuộc đời danh ca Elton John. Tác phẩm tạo ấn tượng với khán giả nhờ cách dẫn dắt cảm xúc tài tình và diễn xuất tốt của diễn viên trẻ Taron Egerton. Phim chiến thắng hạng mục "Ca khúc nhạc phim xuất sắc nhất" tại Oscar 2020 và 17 giải thưởng ở các lễ trao giải điện ảnh khác.

Phim tiểu sử âm nhạc kinh phí thực hiện không quá cao nhưng cơ hội doanh thu lại vô cùng lớn. Phim "Bohemian Rhapsody" doanh thu lên đến 911 triệu USD (kinh phí chỉ 55 triệu USD); phim "Rocketman" doanh thu hơn 195 triệu USD (kinh phí 40 triệu USD); phim "The Greatest Show-man" kinh phí 84 triệu USD (doanh thu hơn 434 triệu USD)…

Hẳn nhiên, không phải phim tiểu sử âm nhạc nào cũng gặt hái danh vọng song hành doanh thu, nhưng với những thắng lợi trên đủ trở thành động lực để nhà làm phim dốc sức đầu tư. Cây bút Dave Simpson của trang Guardian từng nhận định rằng trước đây các nhà làm phim rất khó để được các ngôi sao hoặc gia đình họ cho phép làm phim tiểu sử.

Tuy nhiên, sau thành công của "Bohemian Rhapsody" có vẻ các ngôi sao nhận ra rằng phim tiểu sử âm nhạc là một cách tái khẳng định danh tiếng của họ và mở ra một nguồn thu mới bên cạnh thu nhập truyền thống bằng sản phẩm âm nhạc.

Thị trường phim Việt chỉ mới có 2 phiên bản phim về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là tác phẩm khơi dòng cho phim tiểu sử âm nhạc. Phim có điểm cộng ở phần hình ảnh, âm nhạc và mang đến cảm xúc cho khán giả nhưng cũng có điểm trừ là ôm đồm, lan man, gây đứt mạch cảm xúc. Dù có nhiều tranh cãi, phim được kỳ vọng sẽ làm động lực để các nhà làm phim mạnh tay thực hiện phim tiểu sử âm nhạc để hòa cùng điện ảnh thế giới trong việc khai thác “mỏ vàng” kết hợp giữa âm nhạc và điện ảnh.
Theo Minh Khuê/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)