Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim trường cho phim truyền hình Việt: Kỳ 1: Đau đầu tìm bối cảnh

Tạp Chí Giáo Dục

Những phim trường chuyên nghiệp của Hồng Kông như thế này, tại Việt Nam vẫn đang ở “thì tương lai”. Ảnh: Lữ Đắc Long

Những năm trước đây, bối cảnh của phim truyền hình Việt đều trông chờ vào “cái có sẵn”. Do kinh phí ít nên hầu hết các đoàn làm phim phải năn nỉ đi xin, đi mượn, sau này khá hơn thì đi thuê bối cảnh. Tuy nhiên, chuyện thay đổi bối cảnh hoặc sai các tình tiết trong phim xảy ra thường xuyên vì nó phụ thuộc vào thái độ vui buồn của chủ nhân nơi mượn, thuê địa điểm quay phim.
Khó khăn trăm bề
Đạo diễn Xuân Phước cho biết: “Làm phim trong “cái có sẵn” thì không gian tác nghiệp chật chội, thường không đủ chỗ thay đổi góc máy quay như ý, đạo diễn buộc phải xé lẻ các cảnh quay để tiết kiệm thời gian thuê mượn địa điểm. Thậm chí, một số bộ phim lựa chọn bối cảnh chính đơn giản hơn để đỡ mất công đi tìm, thuê mượn dài ngày”. Trong khi đó, làm phim về đề tài xưa hay chiến tranh thì chuyện bối cảnh là trần ai nhất vì hầu hết đều phải sửa chữa, gia công lại cảnh “có sẵn” cho đúng yêu cầu phim, phù hợp với những trạng thái về không gian, thời đại, kiến trúc. Không có trường quay lớn nên không chủ động được về địa điểm quay, ánh sáng, khói lửa khi tiến hành các cảnh quay lớn, cháy nổ hay những cảnh tập trung đông người, vì vậy có thể làm giảm đi sự hoành tráng của phim chiến tranh cần có. Đây cũng là một trong số các lý do khó khăn khiến các nhà làm phim không mặn mà với phim truyền hình xưa và chiến tranh. Một nhà thiết kế than thở: “Khi chưa có trường quay, với những bối cảnh cố định được quy hoạch và giữ lại cho nhiều đoàn làm phim cùng sử dụng thì phải chấp nhận xây tường gạch, tre gỗ, ván ép, xốp… quay xong phim nào thì cải tạo lại dùng cho phim khác. Việc đầu tư cho các giàn đèn, cách âm, điều hòa nhiệt độ trong phim trường vẫn chưa được đồng bộ, thậm chí chắp vá”. Chẳng hạn, bộ phim truyền hình Thái sư Trần Thủ Độ đã chọn bối cảnh quán rượu Cả Ất và nhà tù trong phim trường Cổ Loa hoang vắng nhưng không thể tìm đâu ra nơi đảm bảo các yêu cầu về đặt góc máy, không gian diễn xuất cho diễn viên và tác nghiệp của đoàn làm phim đông hơn một trăm người. Phim trường cũ nát, quay phim giữa mùa hè nóng 400C của miền Bắc, mọi người trong đoàn làm phim luôn chịu cảnh mồ hôi chảy thành giọt, riêng diễn viên mặc đồ cổ trang ba lớp thì càng là cực hình.
“Phim trường thiên nhiên” là sự lựa chọn tối ưu
Trong “cái khó ló cái khôn”, để có những phim trường ngoại cảnh rộng lớn như ở Hàn Quốc, Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản… các đoàn làm phim thường trông cậy vào những “phim trường thiên nhiên” như các khu đô thị mới, khu dân cư mới với những nhà phố, biệt thự, công viên cây xanh được quy hoạch chuẩn ở Sài Gòn: Phú Mỹ Hưng, khu dân cư Tân Quy Đông (quận 7), Trường Sơn (Bình Chánh), Phan Xích Long (Phú Nhuận), khu biệt thự Thảo Điền (quận 2)… hay nhiều vùng có thắng cảnh đẹp như Đà Lạt, Phan Thiết, Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre… Đoàn làm phim Con nhà nghèo, Tại tôi đã từng “đóng đô” hàng tháng trời tại các khu nhà cổ ở Tiền Giang để ghi hình. Sông nước mênh mông của Bến Tre là phim trường chính của bộ phim Hương phù sa… Tuy nhiên, thực hiện với “phim trường thiên nhiên” gặp phải rất nhiều tình huống dở khóc dở cười. Phó đạo diễn Lê Tám kể: “Cảnh nhân vật chính trong phim Tham vọng đang nhập vai đi bộ ngoài bờ sông, trông rất trữ tình, cả đoàn đang chú tâm thì bỗng… máy bay bay ngang. Vậy là phải làm lại. Hay bộ phim Bước chân Hoàn vũ quay ở thác Giang Điền cứ ngỡ tiếng thác “reo” sẽ là âm thanh thích hợp cho đôi tình nhân tâm sự. Ai ngờ, khi cảnh quay diễn ra thì tiếng ve bắt đầu râm ran… cả đoàn phải nghỉ giải lao chờ. Quay được một chút thì ve lại “hát” tiếp. Cuộc chiến âm thanh ồn ào này chỉ được dẹp khi đạo diễn cử các anh bảo vệ hiện trường leo lên cây rung liên tục để ve sợ mà đừng… kêu. Nếu có phim trường chuyên nghiệp thì sẽ giảm tải được những tình huống này”. Thời gian qua, nước ta đã có một số dự án làm phim trường chuyên nghiệp với diện tích lớn để phục vụ cho nhiều đoàn làm phim quay một lúc, đồng thời kết hợp với việc tổ chức các tour du lịch, tham quan… Đó là các dự án phim trường như Cánh đồng ước mơ của Trí Việt (10 ha ở Bình Dương), Vina Universal của Công ty Tân Tạo (1.000 ha ở Sa Huỳnh – Quảng Ngãi), phim trường của HTV (50 ha ở Củ Chi), Cổ Loa (200 ha ở Đông Anh – Hà Nội)… Tuy nhiên, ở thời điểm này, các phim trường kể trên vẫn còn là “ước mơ” ở “thì tương lai”.
Đan Khanh

Để đạt được tốc độ và chất lượng làm phim như ở Hàn Quốc (1 ngày/tập), Nhật Bản (3 ngày/tập), Hồng Kông (2 ngày/tập)… các đoàn làm phim truyền hình Việt đang trông chờ rất nhiều vào các phim trường chuyên nghiệp. Bên cạnh các “phim trường tương lai” kia thì nhiều phim trường khác ở cấp độ dễ chấp nhận hơn đã xuất hiện, tạo được hiệu quả rất tốt.

 

Bình luận (0)