Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim trường cho phim truyền hình Việt: Kỳ cuối: Phim trường nội lên ngôi

Tạp Chí Giáo Dục

Phim trường thực hiện bộ phim Thứ ba học trò. Ảnh: Lữ Đắc Long

Hiện nay, số lượng đầu phim truyền hình Việt Nam sản xuất ở mức chóng mặt, nhất là phim dài tập từ 40-150 tập trở lên. Vì vậy, để chủ động được tốc độ sản xuất và chất lượng phim, đặc biệt là khâu tiền kỳ và hậu kỳ, nhiều phim trường chuyên nghiệp đã ra đời.
Những đơn vị tiên phong
Mở đầu cho việc dựng phim trường quay phim truyền hình phải kể đến đơn vị tiên phong là TFS khi làm phim sitcom Lẵng hoa tình yêu theo công nghệ thu tiếng và quay hình nhiều máy tại chỗ của Hàn Quốc. Theo đó, hàng chục bối cảnh nội từ nhà ở đến văn phòng, khu phố được dựng lên trong một khu nhà kho rộng ngàn mét ở Củ Chi để quay phim này. Lúc ấy, vừa làm vừa học công nghệ mới, nhờ vậy đã rút ngắn từ 15-30 ngày/tập xuống còn 3-5 ngày/tập. Tiếp theo là hãng Gia Đình Việt hợp tác với CJ Hàn Quốc làm phim Mùi ngò gai hơn 100 tập đã dựng hẳn một phim trường ở quận 9 với những khu phố nhộn nhịp của quán phở, tiệm may áo, quán cà phê, trường học, chợ rau cá tươi sống, chợ trái cây… cùng 2 studio lớn ở quận 2 có thể dựng cùng lúc 15 bối cảnh, được trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại để làm phim từ 1-3 năm.
Ban đầu khi quay phim 39 độ yêu, hãng BHD đã cải tạo một dãy nhà kho ở quận 9 để thu tiếng và ghi hình tại chỗ một số bối cảnh nội. Sau đó hãng lại tận dụng địa điểm này để dựng một số bối cảnh nhà, chợ, lò mổ heo cho phim Hồn Trương Ba da hàng thịt. Rút ra từ những bài học của các lần vất vả thuê mướn phim trường, đơn vị sản xuất phim Cô gái xấu xí đã quyết định đầu tư hẳn một phim trường chuyên nghiệp với studio, phòng dựng rộng 3.000m2 trên diện tích 7.000m2. Ở phía Bắc, khi làm phim truyền hình Nhật ký vàng anh thì VFC cũng mạnh dạn đầu tư hẳn một phim trường nội ngay tại Đài Truyền hình Việt Nam. Bộ phim sitcom Những người độc thân vui vẻ được thực hiện trong một trường quay rộng cả chục ha nằm ở Hưng Yên, cách Hà Nội vài chục cây số. Phim trường này có hẳn một khu nhà nghỉ phục vụ cho ê kíp làm phim trong hơn 2 năm qua. Theo đạo diễn Lê Bảo Trung việc có một phim trường với dàn âm thanh hiện đại để thu tiếng đồng bộ là cực kỳ cần thiết. Trước đây, hầu hết các diễn viên Việt Nam đóng phim đều nhờ vào đội ngũ lồng tiếng để “cứu vớt” phần nào giọng nói yếu kém của mình. Tuy nhiên, dù điêu luyện đến đâu, hiệu quả lồng tiếng vẫn không thể bằng thu tiếng đồng bộ tại phim trường bởi lẽ nó thiếu sự tươi tắn, sống động, tinh tế của âm thanh đời sống nên người xem vẫn có cảm giác là không thật.
Không thua gì phim trường “ngoại”
Thời gian qua, với sự bùng nổ của phim truyền hình thì hãng Chánh Phương cũng vào cuộc với phim trường rộng 2.000m2, mang phong cách rất “Hollywood” tại Hóc Môn dùng để quay phim Dù gió có thổi dài 200 tập. Thật ra, phim trường này ra đời cách đây gần 3 năm với đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật, máy móc hiện đại theo công nghệ nước ngoài nhưng mới chỉ dùng quay một số cảnh của bộ phim Dòng máu anh hùng, Nụ hôn thần chết hay phim ngắn kinh dị của hãng Nguyễn Chánh Tín. Hàng trăm bối cảnh chính của phim Dù gió có thổi được làm tại phim trường này với công nghệ quay 4 máy và thu tiếng đồng bộ. Phim trường mới thứ 2, tạm gọi là “TVB” của bộ phim Cô nàng bất đắc dĩ dài 150 tập. Việc quay kéo dài hơn một năm trời nên nhà sản xuất đã thuê một khu nhà kho trống rộng hàng ngàn m2 làm phim trường nội cho 80% bối cảnh phim. Một tòa soạn tạp chí với đầy đủ từ phó tổng biên tập, thư ký tòa soạn, phòng tổng hợp, phóng viên, một quán bar sang trọng hay một căn nhà đầy đủ tiện nghi, một phòng thu âm của đài phát thanh… Bộ phim Thứ ba học trò cũng được quay trong phim trường hiện đại không thua gì phim trường “ngoại”.
Ngoài các phim trường kể trên, còn có một số phim trường nội khác như Lasta phim, Vision 21, Giải phóng, Mã Phi Hải, Crea TV… song diện tích không lớn nên chủ yếu dùng vào quay phim quảng cáo, games show, talk show… Phim trường nội lên ngôi đồng nghĩa với việc vai trò của người thiết kế rất quan trọng, đòi hỏi đội ngũ này phải năng động, nắm bắt kịch bản nhanh nhạy, phối hợp ăn ý cùng đạo diễn thực hiện bối cảnh trường quay thì công việc mới đạt được một kết quả hoàn hảo.
Đan Khanh

 

Đạo diễn Chu Thiện – người thực hiện bộ phim Gia đình phép thuật dài trên 200 tập cho biết “Với một phim trường chuyên nghiệp, đoàn làm phim sẽ hoàn toàn chủ động từ lịch sản xuất, quay nhiều máy, thu âm thanh trực tiếp, quay xong có thể dựng ngay. Xu hướng dựng phim trường nội ở nước ta bắt đầu cùng với sự ra đời của thể loại phim sitcom (hài tình huống), telenovela (tiểu thuyết truyền hình)…

 

Bình luận (0)