Những bộ phim truyền hình thế này sẽ có một hội đồng thẩm định – Ảnh: Đ.T |
Từ ngày 1.10, không những phim nhựa chiếu rạp mà cả phim truyền hình, phát sóng trên truyền hình sẽ do Bộ VH-TT-DL chịu trách nhiệm thẩm định.
Đưa về một mối
Điều 39 Luật Điện ảnh hiện hành quy định Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) thành lập hội đồng thẩm định phim để phổ biến tại các rạp cũng như hệ thống video gia đình, còn Tổng giám đốc Đài truyền hình VN và giám đốc đài phát thanh – truyền hình cấp tỉnh tổ chức hội đồng thẩm định phim phát sóng trên truyền hình và chịu trách nhiệm về nội dung phim phát trên đài của mình.
Song, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thực hiện quy định này gặp vướng mắc do các hội đồng duyệt phim có cách nhìn nhận khác nhau, vì vậy, không có sự thống nhất về tiêu chí đánh giá, dẫn tới tình trạng có những phim bị cấm phổ biến tại rạp hoặc bị cắt những cảnh không phù hợp với “thuần phong mỹ tục” VN lại được chiếu rộng rãi trên truyền hình.
Do đó, Luật Điện ảnh sửa đổi, bổ sung đã cho phép Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL được quy định cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định phim các cấp từ trung ương đến địa phương và phim phát trên sóng truyền hình. Thế nhưng, cho đến nay – khi ngày có hiệu lực của luật mới sắp cận kề, cơ quan quản lý vẫn chưa thể ban hành những quy định cụ thể hơn về cơ chế thẩm định phim cũng như chức năng, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định phim để thống nhất trên toàn quốc.
Không dễ tí nào!
Trên thực tế, từ khi có lệnh công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, không ít đài truyền hình tỏ ra băn khoăn bởi đài vẫn phải chịu trách nhiệm về nội dung phim phát sóng, nhưng lại phải chia sẻ hoặc chuyển việc thẩm định nội dung cho một đơn vị khác.
“Duyệt thế nào, sẽ có nghị định và thông tư hướng dẫn. Bộ VH-TT-DL đã gửi công văn cho Bộ TT-TT để bàn cơ chế phối hợp thực hiện, chứ Bộ không thể “ôm” hết được. Tuy nhiên, Hội đồng duyệt sẽ phải có một quy chuẩn nhất định để xem “thế nào là bạo lực”, “thế nào là chống đối”, “thế nào là vi phạm”… và phải xác định những ranh giới cụ thể. Thành viên Hội đồng duyệt cũng phải là những người có trình độ, có bản lĩnh”. Ông Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL |
“Hãng phim Truyền hình VN chịu trách nhiệm sản xuất phim, chịu trách nhiệm trước khán giả, trong khi nội dung phim lại do một đơn vị khác chịu trách nhiệm là sao? Đấy là chưa kể việc duyệt hay hay dở cho đến nay vẫn là câu hỏi không đáp số” – ông Đỗ Thanh Hải, quyền Giám đốc Hãng phim Truyền hình VN – một trong những đơn vị sản xuất phim truyền hình nhiều nhất VN, nói. “Có thể một số đài truyền hình nhỏ, chưa đủ chức năng thẩm định thì phải quy về Hội đồng duyệt của Bộ VH-TT-DL. Nhưng Hãng phim Truyền hình VN, để có một phim phát sóng cũng phải duyệt đi duyệt lại tới 2-3 lần mới yên tâm. Đấy mới là phim truyện, chưa kể phim tài liệu, phim hoạt hình, phim thiếu nhi. Vậy làm sao Bộ VH-TT-DL có thể “ôm” hết được? Chưa kể, để duyệt phim của Đài truyền hình, Bộ VH-TT-DL phải có một loại thiết bị kỹ thuật chuyên dụng để xem được băng, hoặc nếu không có thì đài phải chuyển đổi từ băng sang đĩa cho Bộ, như vậy rất tốn kém và lãng phí”, ông Hải phân tích.
Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Minh – Cục phó Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL), dẫu cho luật đã quy định cả nước chỉ có một hội đồng duyệt phim, nhưng sự thực thì một hội đồng duyệt không thể đủ sức để thẩm định tất cả các phim phát sóng của tất cả các đài từ trung ương đến địa phương, kể cả trong trường hợp làm việc liên tục suốt ngày suốt đêm. Do đó, có thể sẽ cần một mô hình phân cấp, chẳng hạn như hội đồng duyệt cho các kênh, hội đồng duyệt cho truyền hình cáp… dựa trên những nguyên lý thẩm định chung, thống nhất trên cả nước.
“Chẳng hạn, ở các nước, trước giờ trẻ con đi ngủ thì chiếu phim rất nghiêm túc, nhưng sau khi trẻ con đi ngủ thì có thể phát phim “mát mẻ” hơn. Mỗi nước có những quy định riêng. Ví dụ, ở Trung Quốc, điện ảnh – phát thanh – truyền hình cũng chỉ có 1 hội đồng thẩm định chung. Nhưng trái lại, Hàn Quốc không duyệt phim, không cắt những cảnh nhạy cảm mà chỉ phân loại phim”, ông Minh nói.
Y Nguyên (Theo TNO)
Bình luận (0)